Xuất khẩu rau quả “bùng nổ”, Việt Nam có thể thu 5 tỷ USD

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 08/08/2023 06:00 AM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, với tốc độ tăng trưởng nhanh như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt trên 5 tỷ USD trong năm nay.
Bình luận 0

Xuất khẩu rau quả tăng đột biến

Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, 6 tháng năm 2023, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 68,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu rau quả trong nửa đầu năm tăng trưởng nhanh trong bối cảnh nhiều ngành hàng sụt giảm do tổng cầu yếu. Ngành hàng rau quả là điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa của cả nước. "Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo nửa cuối năm xuất khẩu hàng rau quả đạt từ 2,5 - 2,7 tỷ USD" - Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Xuất khẩu rau quả “bùng nổ”, có thể đạt 5 tỷ USD - Ảnh 1.

Đóng gói sầu riêng để xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Chánh Thu. Ảnh: T.L

Hàng rau quả chủ yếu xuất khẩu tới khu vực châu Á trong nửa đầu năm 2023, tỷ trọng xuất khẩu sang khu vực này chiếm 84,9% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả. 

Trong đó, xuất khẩu hàng rau quả chủ yếu tới thị trường Trung Quốc, chiếm 77,6% trong tổng xuất khẩu sang khu vực châu Á và chiếm 65,8% tổng xuất khẩu hàng rau quả.

Với giá trị xuất khẩu 2,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định chưa bao giờ xuất khẩu rau quả đạt kết quả cao như hiện nay. Nếu giữ đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nay, chắc chắn cả năm 2023 sẽ đạt trên 5 tỷ USD. 

"Đó là hầu như chúng ta mới xuất khẩu thô, sản phẩm ở dạng quả tươi. Nếu đầu tư tốt hơn nữa cho chế biến sâu, làm tốt công tác giống, quy trình canh tác, khai thác tiềm năng, mở rộng thị trường thì con số 10 tỉ USD từ xuất khẩu rau quả Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được" - Thứ trưởng Tiến nói.

Xuất khẩu rau quả tiếp cận những thị trường khó tính

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong cơ cấu thị trường nhập khẩu hàng rau quả trên toàn cầu, EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất, tiếp đến là Mỹ, Trung Quốc, Anh và Canada.

Theo số liệu thống kê từ Eurostat, trong 4 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu hàng rau quả của EU đạt 47,6 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam còn rất thấp, chỉ chiếm 0,18% tổng trị giá nhập khẩu của EU.

Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo, để rau quả vào được thị trường EU, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý, người dân EU chỉ tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao và đồng nhất, đảm bảo an toàn thực phẩm, tiện lợi, các sản phẩm phải được sản xuất theo quy trình bền vững, ít phát thải và có trách nhiệm xã hội.

Với thị trường Mỹ, theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, trị giá nhập khẩu hàng rau quả của Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 24,1 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam có xu hướng giảm, chiếm 0,6% tổng nhập khẩu, giảm 0,12 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, với nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả trên 46 tỷ USD/năm, Mỹ là thị trường tiềm năng đối với các nước xuất khẩu hàng rau quả, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, việc khai thác thị trường này vẫn chưa được như kỳ vọng, do khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Mỹ quá xa nên nếu đưa trái cây tươi vào Mỹ thì vấn đề công nghệ bảo quản dài ngày phải được ưu tiên hàng đầu.

 Việc thực hiện yêu cầu chiếu xạ với sản phẩm xuất tươi trong khi cơ sở chiếu xạ của ta đáp ứng yêu cầu của Mỹ còn quá ít, đã làm tăng chi phí vận chuyển. 

Theo đó, cần giải quyết các vấn đề hạ tầng như giao thông, khoa học công nghệ, thương mại điện tử, logistics, công nghệ giống và bảo quản sau thu hoạch, tìm hiểu thị hiếu khách hàng, quảng bá tiếp thị và xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn thứ 3 trên thế giới. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc đạt 13,7 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Với lợi thế về vị trí địa lý gần với Trung Quốc, việc vận chuyển hàng rau quả tươi của Việt Nam sang thị trường này có chi phí thấp hơn, giữ được độ tươi và chất lượng, nên có khả năng cạnh tranh hơn so với các nguồn cung cấp khác. 

Tuy nhiên, để gia tăng trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, hàng rau quả của Việt Nam phải có chất lượng tốt, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng.

"Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững và tuân thủ hệ thống quy định, tiêu chuẩn hiện hành của thị trường Trung Quốc. Doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, có chiến lược về logistics, xây dựng được các kho bảo quản nông sản ở các địa phương biên giới giúp bảo quản lâu hơn, giữ được chất lượng tốt khi đến thời hạn giao hàng" - Cục Xuất nhập khẩu nhận định. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem