Xuất khẩu tổ chim "tiền tỷ" đem lại 100 triệu USD/năm cho Việt Nam

Quỳnh Nguyễn Thứ năm, ngày 26/12/2019 13:26 PM (GMT+7)
Ngày 26/12, tại TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn "Phát triển bền vững ngành yến ở các tỉnh, thành phía Nam".
Bình luận 0

Nguồn thu triệu USD

Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, sản lượng tổ yến (yến sào) của Việt Nam năm 2017 khoảng 68 tấn. Một kg tổ yến có giá từ 1.500 - 2.000 USD, giá trị xuất khẩu thu về khoản ngoại tệ từ 100 - 125 triệu USD/năm. Đây thực sự là một ngành chăn nuôi quan trọng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

img

Sản phẩm yến sào Việt Nam. Ảnh: Q.N

Để chuẩn bị xuất chính ngạch sang trung Quốc, ngày 12/7/2019, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã gửi hồ sơ đăng ký xuất khẩu yến sào Việt Nam cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Dự kiến cuối quý IV năm 2019, phía Trung Quốc sẽ cử đoàn thanh tra sang Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã cử đoàn công tác rà soát điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở nuôi yến, sơ chế và chế biến tổ yến, hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, điều kiện nhà xưởng đáp ứng yêu cầu phía Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Nghề nuôi chim yến với mục đích thương mại xuất hiện từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam bộ, hiện cả nước có 42/63 tỉnh thành có nghề nuôi chim yến với tổng số 8.304 nhà yến. Đồng bằng sông Cửu Long dẫn đầu về số lượng nhà nuôi yến, đứng thứ 2 là Đông Nam bộ, kế đó là các tỉnh duyên hải miền Trung. Các tỉnh ven biển phía Nam có đảo như Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu... còn có thể phát triển yến đảo.

Tuy nhiên, theo ông Trọng, nghề nuôi yến vẫn còn tồn tại những hạn chế, khi đang phát triển mang tính tự phát, chưa xây dựng kế hoạch sản xuất theo ngành hàng và thương hiệu cho sản phẩm. Sản phẩm yến sào Việt Nam hiện nay chủ yếu là xuất dưới dạng thô, giá trị thấp qua đường tiểu ngạch do thương lái, đầu nậu thu gom.

Ngoài ra, một số nơi nuôi ồ ạt khi chưa hiểu kỹ về tập tính của loài này, nghiên cứu khí hậu, thời tiết vùng sinh thái nên xây nhà yến xong, chim không làm tổ; hoặc những vùng có khí hậu mùa đông lạnh, nhiệt độ thấp làm chim chết gây thiệt hại về sản lượng loài. 

Thạc sĩ Đỗ Tú Quân, Chi hội trưởng Chi hội nhà yến Việt Nam cho biết: Số lượng chim yến tồn tại trong tự nhiên và nguồn thức ăn là yếu tố quan trọng để nhà yến thành công. Tuy nhiên, hiện nay đang xuất hiện tình trạng xây dựng ồ ạt, thiếu kiểm soát về quy mô. Điều này nếu không được kiểm soát sớm thì sẽ phát sinh những bất cập gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và cho ngành yến của Việt Nam.

Để chống bị ép giá tự nhiên, bà Đỗ Tú Quân cho rằng, các nhà yến cần nâng cao chất lượng tổ yến đạt tiêu chuẩn của người mua, không trộn lẫn hàng khi xuất khẩu. Đồng thời phối hợp với các cơ quan nghiên cứu tìm giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nhà yến.

img

Thạc sĩ Đỗ Tú Quân đề nghị kiểm soát quy mô nhà yến. Ảnh: N.Q

Tháo gỡ vướng mắc

Diễn đàn có sự tham dự của nhiều đại biểu là các hộ, doanh nghiệp nuôi yến đến từ 11 tỉnh, thành phía Nam. Nhiều đại biểu đặt câu hỏi về việc cấp phép xây dựng nhà yến, chính sách quản lý của Nhà nước trong ngành yến.

Trước những khó khăn, vướng mắc trong phát triển ngành yến hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn đang hoàn thiện Nghị định hướng dẫn Luật Chăn nuôi; trong đó có nội dung hướng dẫn quản lý nuôi chim yến để sớm trình Chính phủ.

Trong Nghị định sẽ đề cập đến vấn đề chủ cơ sở nuôi chim yến thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp tại cấp có thẩm quyền quy định tại Luật Doanh nghiệp hoặc phải đăng ký doanh nghiệp, những cơ sở không thuộc diện đăng ký doanh nghiệp phải khai báo với UBND cấp xã, nơi có cơ sở nuôi chim yến.

Vị trí xây dựng mới nhà yến phải phù hợp đặc điểm sinh trưởng, phát triển của chim yến và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng chiến lược phát triển chăn nuôi yến hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp huyện, quy định khoảng cách nhà yến với nhà ở của người và khoảng cách với bệnh viện, trường học...

Văn bản này cũng sẽ đưa ra lộ trình di dời đối với các cơ sở đã xây dựng trước đây mà không đáp ứng các quy định mới và để phù hợp với quy hoạch của địa phương…

img

Chim yến đảo thiên nhiên. Ảnh: T.L

Đáng chú ý, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 điều khoản xử phạt đối với những cơ sở nuôi chim yến sử dụng nhà ở để dẫn dụ và nuôi chim yến (sai mục đích, mất an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học). Đồng thời, có chính sách hỗ trợ các cơ sở nuôi chim yến chuyển ra khỏi nội thành, nội thị, chính sách hỗ trợ sơ chế, phát triển thị trường, công nghệ, kỹ thuật... nhằm đưa ngành yến phát triển bền vững trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem