Bánh chưng đen nhánh như nhựa đường thơm mùi lá cây rừng của người Tày Yên Bái
Yên Bái: Độc đáo thứ bánh chưng màu đen nhánh như nhựa đường, nếm 1 miếng thơm nức mùi lá rừng
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ bảy, ngày 13/02/2021 07:04 AM (GMT+7)
Bánh chưng đen là một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của đồng bào dân tộc Tày tại tỉnh Yên Bái. Không chỉ có màu đen nhánh như nhựa đường, bánh chưng đen còn có hương vị đậm đà, thoang thoảng mùi thơm của các loại lá rừng độc đáo.
Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, vào những ngày 28, 29, 30 tháng Chạp, bà con dân tộc Tày ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái lại cùng nhau gói bánh chưng đen để thắp hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên.
Giống như những gia đình người Tày khác ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, khi con cháu đã về quây quần đông đủ, gia đình ông Hà Văn Đoàn và bà Bùi Thị Vui (thôn Noong Tài, xã Thượng Bằng La) mới cùng nhau mổ lợn, gói bánh chưng đen chuẩn bị Tết.
Ông Hà Văn Đoàn cho biết, các cụ xưa dạy rằng, người Tày phải thờ cúng ông bà, tổ tiên bằng những gì gần gũi nhất. Do đó bà con thường lựa chọn những nguyên liệu quanh vườn nhà để nấu thành những món ăn ngon, gần gũi nhất dâng lên ông bà tổ tiên và đãi khách khi đến chơi nhà.
Tương tự như những loại bánh chưng khác, bánh chưng đen cũng được làm từ các nguyên liệu: Gạo nếp nương, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong rừng. Tuy nhiên, thay vì có màu xanh mướt đẹp mắt của lá dong, bánh chưng của người Tày lại có màu đen nhánh.
Để tạo màu đen cho bánh chưng, bà con người Tày trộn gạo nếp nương thơm dẻo với tro cây muối rừng. Ngoài ra, người Tày còn lấy cả cây gùn, cỏ chanh đốt lấy tro làm bánh.
Bánh chưng đen được người Tày gói bằng tay, bánh dài khoảng 30cm, đường kính khoảng 6 – 7cm. Khi gói bánh chưng đen, bà con dùng 2 chiếc lá dong được đặt tráo đầu đuôi, rải một bát gạo ở dưới rồi thêm đỗ xanh, thịt lợn. Sau đó, lại thêm một lớp đỗ xanh và cuối cùng phủ lên trên một lớp gạo đen và gói lại.
Chị Hoàng Thị Giang Nhiên, người dân tộc Tày đã về làm dâu tại thôn Noong Tài được 11 năm cho biết: "Khi mới về làm dâu, năm đầu tiên ăn tết ở gia đình chồng điều quan trọng nhất trong dịp Tết cổ truyền là tôi được nhà chồng dạy cho cách gói bánh chưng đen sao cho đẹp mắt và tròn trịa nhất. Gói nhiều giờ cũng thành quen tay".
Sau khi gói, bánh chưng đen được cho vào nồi và luộc trong trong vòng từ 6 - 8 tiếng sao cho chiếc bánh thật mềm dẻo. Khi vớt bánh ra, bánh chưng đen được rửa qua nước lạnh để làm sạch lớp mỡ bám trên vỏ bánh. Sau đó, bánh chưng được treo thành từng cặp trên gác nhà để cho lá bánh khô và không bị mốc.
Khi cắt bánh ăn, người Tày thường dùng chính sợi lạt quấn quanh thân bánh để cắt bánh thành từng khoanh tròn. Miếng bánh chưng đen dẻo, thơm ngon, hòa quyện mùi vị của gạo nếp, đỗ xanh, hạt tiêu, vị béo ngậy của thịt mỡ, giống như sự gắn kết thuận hoà của đồng bào dân tộc khi tết đến xuân về.
Ngoài xuất hiện trong mâm cơm ngày Tết, bánh chưng đen còn còn xuất hiện trong những dịp lễ, ngày giỗ chạp của người Tày nơi đây. Bánh chưng đen không chỉ đơn giản là một món ăn truyền thống, chiếc bánh còn nhắc nhở con cháu nhớ lại về cuộc sống kham khổ của ông bà tổ tiên để trân trọng công ơn nuôi dưỡng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.