Yên Bái ưu tiên nguồn lực cho vùng cao, vùng đồng bào thiểu số, phấn đấu giảm 3,5% hộ nghèo năm 2023

Hoàng Hữu Thứ tư, ngày 15/11/2023 09:06 AM (GMT+7)
Trong những năm qua, Yên Bái đã ưu tiên dành hàng nghìn tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, địa phương này tập trung vào hỗ trợ sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, giáo dục, y tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…
Bình luận 0

Đồng bào dân tộc thiểu số từng bước vươn lên thoát nghèo

Xã Lâm Thượng (huyện Lục Yên) được đánh giá là địa phương có bước đột phá trong công tác giảm nghèo tại tỉnh Yên Bái. Theo đó, năm 2021, xã Lâm Thượng có tỷ lệ hộ nghèo 49,1%, nhưng đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 22,1% và đến năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 12,32%. Như vậy, trong 2 năm (2021 - 2023), tỷ lệ hộ nghèo ở xã Lâm Thượng đã giảm 36,78%.

Ông Lê Viết Đại, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Thượng (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết, để có được kết quả ấn tượng như vậy, Đảng ủy xã đã tập trung chỉ đạo ban hành nghị quyết, UBND xã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Trong đó, phân công cụ thể cho từng đoàn thể, cán bộ phụ trách, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp để tuyên truyền sâu rộng các chính sách hỗ trợ mà người dân được thụ hưởng, đảm bảo 100% người dân được biết, được tiếp cận với các chính sách, đồng thời, tập trung các nguồn lực để hỗ trợ, phát triển sản xuất.

Yên Bái: Tập trung nguồn lực giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Chăn nuôi gia súc theo hướng bán công nghiệp, một hướng phát triển kinh tế của bà con nông dân xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Khắc Điệp.

Còn xã Kiên Thành trước đây là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, người dân không còn trông chờ, ỷ lại mà chủ động khai thác những lợi thế địa phương, phát triển mở rộng diện tích quế, tre măng Bát Độ, trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Nhờ đó hiện nay, nhiều gia đình trong xã có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm.

Ông Hoàng Ngọc Chấn, Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thành cho hay, năm 2019, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2022, xã đã có 30 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,98%. Năm 2023, xã phấn đấu hỗ trợ 18 hộ thoát nghèo, giảm hộ nghèo xuống còn 3,14 %.

Yên Bái: Tập trung nguồn lực giảm nghèo bền vững - Ảnh 2.

Người dân xã Kiên Thành thu hoạch quế. Ảnh: H.H

Còn tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, hiện nay, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 6.344 hộ, chiếm 48,28%; số hộ cận nghèo là 1.452 hộ, chiếm 11,05%. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân của huyện đạt trên 8,44%/năm.

Theo Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện xác định trọng tâm là thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực, ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

"Nhờ những nghị quyết, chính sách kịp thời của Trung ương và tỉnh, người dân trong huyện đã từng bước hình thành tư duy kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch và giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc" - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho hay.

Yên Bái: Tập trung nguồn lực giảm nghèo bền vững - Ảnh 3.

Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải thăm vườn lê Tai Nung - một loại giống cây trồng mới, phù hợp với khí hậu địa phương đã giúp bà con vùng cao Mù Cang Chải giảm nghèo. Ảnh: A Lù.

Ưu tiên nguồn lực giảm nghèo vùng cao, đồng bào thiểu số

Yên Bái có diện tích tự nhiên gần 6.900km2, là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc với dân số đến thời điểm hiện tại gần 850.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 57%.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng mức sống của đồng bào. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của các địa phương vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Yên bái có nhiều chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện; khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh được củng cố và tăng cường.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh 2020-2025 đến nay, Yên Bái đã ban hành, tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, đề án, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kết hợp với tích cực tổ chức các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Yên Bái ưu tiên nguồn lực giảm nghèo vùng cao, đồng bào thiểu số, phấn đấu giảm 3,5% hộ nghèo trong 2023 - Ảnh 4.

Xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là nguồn sức mạnh nội sinh nên những năm qua, Yên Bái luôn quán triệt và thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc phù hợp với thực tiễn của địa phương. Ảnh: Thu Nhài

Theo đó, tỉnh ưu tiên bố trí trên 12.000 tỷ đồng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tập trung vào hỗ trợ sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, giáo dục, y tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong giai đoạn 2021-2025, Yên Bái được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trên 1.384 tỷ đồng, chiếm 54% tổng vốn đầu tư ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.

Yên Bái: Tập trung nguồn lực giảm nghèo bền vững - Ảnh 5.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện và cán bộ khuyến nông thăm nhà máy ươm tơ tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: H.H

Đến nay, gần 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã; hơn 95% đường từ các thôn, bản đến trung tâm xã được cứng hóa; trên 97% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia... Cùng với đó, hệ thống cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư với 8 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, 47 trường Phổ thông Dân tộc bán trú, 30 trường có học sinh bán trú. Học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường nội trú, bán trú đạt 40,7%. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được nâng lên.

Năm 2022, số hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái giảm còn 12,9%; trong đó hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 22,2%, vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt trên 4%/năm. Trong năm 2023, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu giảm 3,5% hộ nghèo, 1,22% hộ cận nghèo so với năm 2022.

Yên Bái: Tập trung nguồn lực giảm nghèo bền vững - Ảnh 6.

Trung tâm thành phố Yên Bái. Ảnh: Tuấn Vũ.

Nhờ sự linh hoạt trong việc lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên bái vượt qua những định kiến lạc hậu, tư tưởng trông chờ ỷ lại, vươn lên phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem