Yên Bái: Khó khăn vẫn tạo việc làm cho hơn 9.000 lao động
Yên Bái:Bất chấp khó khăn từ dịch bệnh vẫn tạo hàng nghìn việc làm cho lao động
Thùy Anh
Thứ ba, ngày 15/06/2021 16:13 PM (GMT+7)
Mặc dù tình hình phát triển kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, nhưng từ đầu năm tới nay, tỉnh Yên Bái đã giải quyết việc làm cho hơn 9.000 lao động. Đây là nỗ lực lớn của địa phương trong bối cảnh cả thị trường lao động cả nước đang chịu tác động lớn bởi dịch bệnh Covid -19.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng lực lượng lao động có kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, trong những năm qua, công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã được tỉnh Yên Bái tập trung triển khai và đạt được nhiều chuyển biến tích cực, qua đó góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo nhanh và bền vững cho người dân.
Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Yên Bái, trong tháng 5/2021 đã giải quyết việc làm cho 1.974 lao động, trong đó từ chương trình phát triển kinh tế xã hội 1.013 người, vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm 118 người, xuất khẩu lao động 25 người, cung ứng lao động tỉnh ngoài 818 người.
Lũy kế trong 5 tháng đầu năm, năm 2021, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 9.437 lao động, đạt 48,4% kế hoạch. Trong đó, chương trình phát triển kinh tế xã hội đạt 5.095 người, vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm 656 người, xuất khẩu lao động 79 người, cung ứng lao động tỉnh ngoài 3.607 người.
Ðể tạo việc làm cho người lao động, tỉnh Yên Bái đã tăng cường tuyên truyền, định hướng cho người dân lựa chọn nghề, việc làm phù hợp điều kiện thực tế. Các phòng chuyên môn phối hợp các xã, thị trấn tổ chức khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân, điều tra nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, từ đó xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu về đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Cùng với đó khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, quan tâm hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật cho người dân phát triển kinh tế gia đình, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa...
Đặc biệt, hàng năm tỉnh Yên Bái đều dành một khoản ngân sách nhất định cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo và giải quyết việc làm, đồng thời tổ chức khảo sát nắm chắc thực trạng lao động, việc làm tại các địa phương và thực trạng sử dụng lao động, nhu cầu nguồn nhân lực theo cơ chế nghề của các doanh nghiệp và các đơn vị tuyển dụng lao động.
Trên cơ sở đó, tỉnh đã khuyến khích được các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đa dạng hóa các ngành nghề, nhằm tạo thêm việc làm mới cho người lao động và xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với cơ cấu ngành nghề lao động. Triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong đó chú trọng kết nối cung - cầu lao động thông qua các đơn vị, đặc biệt là Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Yên Bái nhằm tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Trong tháng 5/2021 tỉnh Yên Bái đã giải quyết chế độ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 312 người với tổng số tiền là 4,1 tỷ đồng. Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 388 lao động. Lũy kế đến tháng 5/2021 đã giải quyết chế độ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 1.343 người với tổng sổ tiền trợ cấp thất nghiệp 18,1 tỷ đồng, hỗ trợ học nghề cho 10 lao động với tổng số tiền 42 triệu đồng; số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.408 lao động.
Đào tạo nghề cho hơn 176 nghìn lao động nông thôn
Ông Phạm Duy Hưng - Trưởng phòng Lao động - Việc làm Sở LĐTBXH tỉnh Yên Bái cho biết, theo thống kê, giai đoạn 2010 - 2020, từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động dạy nghề của các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, hoạt động truyền nghề, tự học nghề... toàn tỉnh Yên Bái đã đào tạo nghề cho 176.968 người, trong đó có 138.480 lao động nông thôn (chiếm 78,3%).
Trong thời gian tới, để thực hiện mục tiêu và các nhiệm vụ đã đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hệ thống cơ sở đào tạo nghề đồng bộ với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phù hợp với mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, nhu cầu nhân lực trong nước, quốc tế. Ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, đội ngũ nhân lực kỹ thuật, quản lý, quản trị doanh nghiệp. Có giải pháp thông tin, tuyên truyền, tư vấn làm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề.
Cùng đó, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện đúng quy định về liên kết đào tạo nhằm khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư, tăng cường liên hệ, hỗ trợ đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, cho phép các cơ sở giáo dục ngoài tỉnh tham gia liên kết ở những ngành nghề tỉnh có nhu cầu cũng như tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp… đảm bảo công tác đào tạo nghề phải gắn liền với giải quyết việc làm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.