Hồn của đất - trời !
Nhạc sĩ Cầm Minh Thuận tâm sự: Nơi thượng nguồn con sông Đà này, đất trời đã ban cho những cánh đồng phì nhiêu như Mường So, Mường Thanh, Mường Lò, Mường Tấc cùng những rặng núi hùng vĩ trong dãy Hoàng Liên Sơn, Mã Ly Pho... Lời ví, giao duyên, điệu khắp, lời đang ở đây đã lắng sâu vào tiềm thức mỗi người; vào sông nước, núi non. Tới đâu, bạn cũng sẽ được gặp, được nghe, được thấy văn hoá truyền khẩu của sông Đà...
|
Người Mường sông Đà hát dân ca. Ảnh: Xuân Trường |
Nghệ nhân hát đang Mường Đinh Quang Trưởng, xã Đá Đỏ, Phù Yên, Sơn La gật gù: Ai đã nghe hát đang Mường, khắp Thái vùng này sẽ nhớ mãi khôn nguôi... Tôi mê hát ví, hát giao duyên từ tuổi ấu thơ. Ngày ấy hát giao duyên ở đây phát triển lắm. Nam - nữ, gái - trai gặp nhau là buông câu ví, lời thơ. Người ta hát với nhau ở nhiều thời điểm: Đám cưới xin, khi đi nương, gặt lúa, khi thả lưới, quăng chài, đứng trên thuyền hát, ra bến sông hát, đang tắm cũng hát. Có lẽ con sông Đà này vì ngấm câu hát mà trở nên trong xanh...
Như một lẽ sống !
Đến các huyện đôi bờ sông Đà như: Quỳnh Nhai, Bắc Yên, Phù Yên của Sơn La, cái nôi của những khúc đang Mường xao xuyến lòng người, của tiếng khèn Mông réo rắt bâng khuâng nơi đỉnh núi, của tiếng khắp Thái trải rộng trong sương chiều bảng lảng giữa mênh mông sông nước, núi đồi, tham dự những đêm giao lưu văn nghệ bản hay tình cờ gặp một cặp nam thanh nữ tú đang đối đáp giao duyên mới thấy lòng mình cũng như được trải ra, lớn thêm giữa nền văn hoá dân gian ấy.
|
Trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Kiều Thiện |
Chị Bạc Cầm Vân - Phó Trưởng phòng VHTT huyện Phù Yên, tâm sự: Hát đang, hát ví của vùng đất này chứa đựng nhiều chất trữ tình và triết lý sống, nhân cách sống đẹp. Bà con các dân tộc còn lấy chính ý nghĩa của lời đang, câu ví làm lẽ sống, răn mình để trưởng thành hơn, sống tốt đẹp hơn.
Dưới ánh nắng nhàn nhạt của buổi chiều đông, mặt sông Đà gợn sóng lăn tăn, lấp lánh như dát bạc, xô nhau vỗ mạn những chiếc tàu chợ đang lững thững xuôi dòng sau một phiên chợ Tạ Khoa của vùng sông nước Phù Yên - Bắc Yên. Từ một chiếc tàu chợ bỗng cất lên câu hát: Yêu nhau. Yêu nhau, yêu trọn thuỷ chung, đừng như con thuyền trôi giữa dòng sông. Dù có đi xa khuất sông, vắng núi, nơi quê nhà em vẫn đợi chờ anh...
Nhà báo Đinh Anh Đức - người con của xã Đá Đỏ, Phù Yên bảo: Những tàu chợ kia đều từ Hoà Bình lên đấy! Họ đến đây nhiều nên cũng trở thành một chủ thể giao duyên. Đến với bản, mường nào, họ cũng buông lời ví, lời đang mời gọi. Ai đồng cảm thì nhập cuộc. Đúng ra hát ví, hát giao duyên phải có nam, có nữ nhưng ở đây người ta hát vì nhu cầu tinh thần cần sự giao thoa của con người để vơi đi cảm giác chống chếnh giữa mêng mông sông nước.
Bây giờ ta cứ nhập cuộc, lát nữa sẽ có chị em trong bản ra hát "tăng bó". Rồi Đức buông câu ví chào: Mẩy khi tinh bạn cặp tha/Hát cho pui cừa, pui nhà têm may! (Mấy khi tình bạn gặp nhau/Hát cho vui cửa, vui nhà đêm nay!).
Nhận được tín hiệu giao duyên, từ bên kia tàu chợ lại vang lên câu ví Xiểng ai như xiểng chuông vang/Xiểng ai như xiểng cô nang eng yêu? (Tiếng ai như tiếng chuông vang/Tiếng ai như tiếng cô nàng anh yêu?).
Vậy là cuộc giao duyên bắt đầu. Đêm Bến Vạn dạt dào sóng nước, thấm đẫm những lời ca!
Văn hoá hát ví, giao duyên, đang Mường, xường Thái, khèn bè Mông là những nét đẹp văn hoá đặc trưng của vùng lòng hồ sông Đà -Tây Bắc nói chung và của Phù Yên (Sơn La) nói riêng. Trong quá trình phát triển KT-XH của địa phương, Phù Yên chúng tôi sẽ lưu tâm đầu tư để khai thác, giữ gìn, phát triển những nét đẹp văn hoá ấy, coi đó là một lợi thế của địa bàn để nâng cao đời sống tinh thần các dân tộc và phát triển kinh tế du lịch.
(TS Hoàng Quốc Khánh - Bí thư Huyện uỷ Phù Yên (Sơn La)
Kiều Thiện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.