Gia tăng áp lực về kỹ năng nghề
Mới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) (Bộ LĐTBXH) đã tổ chức hội thảo về kỹ năng nghề cho thanh niên trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế ở Việt Nam.
Ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, việc hỗ trợ kỹ năng nghề cho thanh niên là việc làm hết sức quan trọng. Chính bởi vậy, cả thế giới cũng như Việt Nam đều quan tâm đến phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên. Trên thế giới và trong khối ASEAN đều tổ chức các kỳ thi tay nghề dành cho lao động trẻ dưới 22 tuổi, định kỳ 2 năm 1 lần.
Lao động Việt Nam tham gia kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN. Ảnh: N.T
Thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về tỷ lệ lao động có kỹ năng cao và thấp tại các nước trong khu vực cho thấy: Singapore có tỷ lệ lao động kỹ năng cao chiếm 50%, Hàn Quốc 40%, Malaysia 25%… Còn tỷ lệ lao động có kỹ năng cao của Việt Nam mới đạt trên 20%.
|
Ông Dũng cho biết, thế kỷ 20 thách thức về kỹ năng nghề của nguồn nhân lực là cạnh tranh vị thế dựa vào tài nguyên, còn ở thế kỷ 21 là sự cạnh tranh đối đầu. Các quốc gia phải dựa vào nguồn nhân lực có kỹ năng nghề thành thạo. Hội nhập quốc tế bao gồm hai khía cạnh hợp tác và cạnh tranh, cả hai vấn đề này đều được giải quyết bằng kỹ năng nghề của lực lượng lao động.
Năm 2015, các nước trong cộng đồng ASEAN cũng đã có thỏa thuận về việc tiếp nhận và công nhận kỹ năng nghề của lao động trong thị trường lao động ASEAN. Theo đó, nếu lao động trong khối có kỹ năng nghề tương đương nhau thì người lao động sẽ được tự do di chuyển và làm việc tại các nước ASEAN.
Hiện tại, có 8 nhóm ngành nghề được ASEAN thỏa thuận cho di chuyển lao động là: Dịch vụ du lịch; điều dưỡng; y tế, nha khoa; kiến trúc; kỹ thuật; kế toán và khảo sát. Đây là những thách thức và cơ hội của GDNN trong hội nhập quốc tế.
Nói về các vấn đề phát triển kỹ năng nghề, ông Phan Chính Thức - Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Công tác xã hội cho biết, cách mạng 4.0 sẽ tạo ra nhiều ngành nghề mới. Ngay lập tức, kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019 cũng đã xuất hiện những nghề mới như: Điện toán đám mây, nhà máy kỹ thuật số, thời trang kỹ thuật số, tích hợp hệ thống robot, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và tăng cường…
Cách mạng 4.0 cũng sẽ phá vỡ những cách thức đào tạo truyền thống, cứng nhắc, hình thành hệ thống trường lớp mở, áp dụng phương thức đào tạo linh hoạt. Kỹ năng cho ngành nghề mới và kỹ năng cho ngành nghề đào tạo lại, đào tạo bổ sung.
Kỹ năng nghề thấp làm giảm năng suất
Theo ông Dũng, cách mạng 4.0 sẽ làm cho cơ cấu lao động và kỹ năng của người lao động thay đổi. Hiện nay, kỹ năng nghề của Việt Nam vẫn đang ở mức khá thấp.
Ông Dũng viện dẫn báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về kỹ năng của lao động cho thấy các chỉ số về đào tạo và kỹ năng nghề của Việt Nam đang ở mức thấp. Hiện Việt Nam chỉ xếp thứ 7/9 nước trong ASEAN, xếp hạng chất lượng đào tạo thì Việt Nam đứng thứ 8 tức là chỉ hơn Campuchia.
Chuyên gia lao động Nguyễn Thị Lan Hương thì cho rằng, kỹ năng thấp là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp. Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 2/5 so với Thái Lan, 1/5 so với Malaysia, 1/15 so với Singapore… Các vị trí xếp hạng cho thấy, Việt Nam còn phải nỗ lực hơn rất nhiều trong việc trang bị và nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.
Theo bà Hương, để giải bài toán nâng cao kỹ năng nghề cho lao động, đặc biệt thanh niên, Việt Nam cần tăng cường công tác đào tạo gắn với tạo việc làm. “Điều này có nghĩa là chúng ta cần tạo ra sự gắn kết trong việc đào tạo giữa nhiều bên như: Cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, Nhà nước, người lao động. Đặc biệt, cần lưu ý đến vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo vì bản chất của giáo dục nghề nghiệp là phục vụ sản xuất. Nếu xa rời việc này, đào tạo nghề sẽ thất bại” - bà Hương nói.
Để tăng kỹ năng nghề cho lao động, ông Dũng khẳng định, thời gian tới Tổng cục GDNN sẽ có những chỉ đạo trong đó tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, ông Dũng cũng cho biết, sẽ thực hiện chuẩn hóa bậc kỹ năng nghề của người lao động theo khung kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của Luật Việc làm 2013, và khu vực ASEAN làm cơ sở cho việc phát triển GDNN gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.