Lý do sinh viên tìm kiếm các cơ hội làm việc liên quan tới lĩnh vực môi trường liên tục tăng

Trung Hiếu Chủ nhật, ngày 21/07/2024 11:48 AM (GMT+7)
Xuất phát từ tình yêu môi trường, không ít bạn sinh viên tìm kiếm các cơ hội việc làm có sự kết hợp giữa ngành học của bản thân với lĩnh vực môi trường để có nhiều động lực khi làm việc.
Bình luận 0

Sinh viên yêu môi trường chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm liên quan đến lĩnh vực này. Clip: Trung Hiếu

Nhiều gen Z trở thành nhà hoạt động môi trường

Hiện nay, trên thế giới có không ít nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi. Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau nhưng có một điểm chung là đều tham gia vào hoạt động truyền cảm hứng về các hành động thiết thực để bảo vệ môi trường.

Anh Lesein Mutunkei (19 tuổi) sống tại Nairobi - thủ đô của Kenya là một người yêu thích bóng đá. Từ năm 12 tuổi, Lesein đã nghĩ ra ý tưởng sử dụng sức mạnh của bóng đá để giải quyết nạn phá rừng. Dự án của Lesein có tên "Trees for Goals" (Trồng cây để ghi bàn). Cụ thể, cứ mỗi bàn thắng ghi được, Lesein sẽ trồng một cái cây.

Ý tưởng "Trồng cây để ghi bàn" của Lesein được nhiều người dân khu vực Nairobi (Kenya) hưởng ứng. Ảnh: BBC.

Ý tưởng "Trồng cây để ghi bàn" của Lesein được nhiều người dân khu vực Nairobi (Kenya) hưởng ứng. Ảnh: BBC.

Ý tưởng của Lesein nhanh chóng được mọi người hưởng ứng, từ đội bóng đá đến đội bóng bầu dục, bóng rổ trong trường đều nhiệt tình tham gia. Khác với mục tiêu ban đầu, với mỗi bàn ghi được, mọi người sẽ trồng 11 cây. Chỉ trong thời gian ngắn, gần 1.000 cây xung quanh khu vực Nairobi đã được Lesein cùng những bạn học trồng lên. Lesein được làm việc với Bộ Môi trường Kenya và phong trào này đã chính thức trở thành một chương trình quốc gia.

Tương tự anh Lesein, chị Amy (21 tuổi) và chị Ella Meek (19 tuổi) đến từ Vương quốc Anh, đều là những người quan tâm tới môi trường từ khi còn nhỏ. Sau khi tìm hiểu và biết được số lượng sinh vật biển có vú chết mỗi năm do bị mắc kẹt trong nhựa hoặc ăn phải nhựa là không ít, hai chị em đã thành lập chiến dịch “Kids Against Plastic” (Trẻ em chống rác thải nhựa) vào năm 2016. Họ bắt đầu với hành động nhặt rác. Tính đến hết năm 2021, hai chị em đã nhặt được tổng cộng 96.685 miếng nhựa dùng một lần.

Amy (trái) và Ella Meek (phải) bắt đầu thành lập chiến dịch "Trẻ em chống rác thải nhựa" từ 6 năm trước. Ảnh: Gary Calton.

Amy (trái) và Ella Meek (phải) bắt đầu thành lập chiến dịch "Trẻ em chống rác thải nhựa" từ 8 năm trước. Ảnh: Gary Calton.

Không chỉ dừng lại ở hành động nhặt rác, cả hai còn tổ chức hàng trăm buổi nói chuyện tại các trường học và lễ hội, triển khai các kế hoạch “Người làm sạch nhựa” trên toàn quốc để truyền cảm hứng cho học sinh, thu hút các chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp và học giả, đồng thời thúc đẩy các gia đình, quán xá và mọi người giảm lượng nhựa sử dụng một lần.

Sinh viên Việt Nam chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm về môi trường

Theo báo cáo tình hình việc làm của sinh viên giai đoạn 2018 - 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 22 lĩnh vực đào tạo, Môi trường và Bảo vệ môi trường dẫn đầu về tỷ lệ sinh viên có việc làm trong năm 2021, ở mức 96,3%. Nhiều sinh viên mong muốn tìm kiếm cơ hội việc làm về lĩnh vực môi trường và bảo vệ môi trường.

Tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp 12 tháng từ năm 2018 - 2021.

Tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp 12 tháng từ năm 2018 - 2021.

Là sinh viên năm thứ hai ngành Luật tại trường Đại học Ngoại thương, chị Phạm Trà My thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa về chủ đề môi trường. Chị My nói: “Từ cuối năm lớp 12 đến nay, mình vẫn đều đặn tham gia các hoạt động liên quan tới lĩnh vực môi trường, với vai trò như đại sứ môi trường hoặc thành viên ban tổ chức một số dự án vì môi trường”.

Chị My tiếp lời: "Mình muốn định hướng từ sớm vị trí việc làm mà bản thân mong muốn trong tương lai để có hướng phấn đấu. Mình đang cố gắng liên kết giữa ngành học của mình với ngành mà mình đam mê là môi trường, có thể là làm pháp chế cho những doanh nghiệp hoặc công ty về môi trường chẳng hạn”.

Chị My thường tham gia các hoạt động ngoại khóa về chủ đề môi trường ngoài giờ học trên giảng đường. Ảnh: Trung Hiếu.

Chị My thường tham gia các hoạt động ngoại khóa về chủ đề môi trường ngoài giờ học trên giảng đường. Ảnh: Trung Hiếu.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt khi đang tham gia một khóa tập huấn về chủ đề bảo tồn động vật hoang dã ở Ninh Bình, chị My cho hay: "Với mình, điều khiến bản thân vui nhất khi được làm những công việc về môi trường đó là cảm giác được hòa mình với thiên nhiên, mình được tìm hiểu và khám phá về cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp xung quanh. Ra trường, mình mong muốn được làm công việc yêu thích, với mức lương từ 7 triệu đồng trở lên là ổn”.

Cũng là người quan tâm về lĩnh vực môi trường, chị Dương Thị Bảo Ngọc (21 tuổi) - sinh viên năm cuối Viện Báo chí - Truyền thông tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền thường xuyên nghiên cứu, học tập về chủ đề này bên cạnh các kiến thức chuyên ngành. Hiện tại, chị Ngọc đang là người lập kế hoạch, thực hiện các hoạt động truyền thông cho một số dự án về môi trường thuộc các tổ chức phi chính phủ.

Chị Ngọc hào hứng chia sẻ: "Bản thân mình nhận thấy cơ hội việc làm trong lĩnh vực báo chí truyền thông vốn đã rộng mở, nếu nghiên cứu sâu về lĩnh vực môi trường thì còn có nhiều cơ hội hơn nữa. Mình có thể làm báo về mảng môi trường hoặc làm truyền thông cho các doanh nghiệp, công ty, tổ chức phi chính phủ về môi trường”.

Chị Ngọc (thứ hai từ phải sang) tranh thủ tác nghiệp trong khóa tập huấn về môi trường để sản xuất các sản phẩm truyền thông. Ảnh: Trung Hiếu.

Chị Ngọc (thứ hai từ phải sang) tranh thủ tác nghiệp trong khóa tập huấn về môi trường để sản xuất các sản phẩm truyền thông. Ảnh: Trung Hiếu.

Khi được hỏi về nguồn tìm kiếm cơ hội việc làm liên quan đến lĩnh vực môi trường, chị Ngọc đáp: “Trên mạng xã hội có rất nhiều những nhóm công khai tập hợp những người yêu môi trường, mình tìm kiếm các cơ hội từ những nhóm ấy. Việc tham gia nhiều dự án, khóa tập huấn về môi trường giúp mình kết nối được với nhiều người có chuyên môn sâu về chủ đề này, họ cũng thường chia sẻ các cơ hội việc làm cho những người có cùng đam mê”.

Tiếp sức lao động trẻ tìm việc làm về lĩnh vực môi trường

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (30 tuổi) - Trưởng phòng Nghiên cứu Bảo tồn, Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam nhận định: “Có rất nhiều vị trí công việc liên quan đến môi trường nói chung, bởi lẽ bất kể bạn học ngành nghề gì đều có thể đóng góp được cho công tác bảo tồn. Riêng về hoạt động bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam đang thiếu rất nhiều nhân lực trẻ có khả năng. Các bạn trẻ đa phần đều rất nhiệt huyết, xông xáo trong công việc và thường có những ý tưởng táo bạo, đột phá hơn”.

“Hiện tại bên mình đang tuyển các cán bộ hành chính, tài chính và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng. Khi tuyển dụng, bên mình rất ưu tiên các bạn trẻ yêu môi trường, kể cả khi các bạn không có kinh nghiệm cũng sẽ được đào tạo lại khi bắt đầu làm việc”, chị Huyền thông tin thêm.

Chị Huyền đảm nhận vai trò diễn giả trong khóa tập huấn về môi trường cho các bạn sinh viên. Ảnh: Trung Hiếu.

Chị Huyền đảm nhận vai trò diễn giả trong khóa tập huấn về môi trường cho các bạn sinh viên. Ảnh: Trung Hiếu.

Anh Vũ Xuân Thái (41 tuổi) - Quản lý chương trình "Hành đồng vì môi trường" của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt cho biết, đơn vị của anh thường tổ chức nhiều dự án khác nhau nhằm mục đích tăng cường sự tham gia của thanh niên trong các vấn đề môi trường, đồng thời góp phần thúc đẩy những thay đổi tích cực trong chính sách về môi trường của chính phủ và doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững.

“Thanh niên là một lực lượng tương đối lớn ở Việt Nam. Các bạn là những người có niềm đam mê, nhiệt huyết và có kiến thức, là nhân tố tích cực góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng, bao gồm việc thay đổi các hành vi trong vấn đề bảo vệ môi trường. Chính vì vậy mà chúng tôi tập trung vào đối tượng là thanh niên”, anh Thái nói.

Nhiều thanh niên yêu môi trường đăng ký tham gia các hoạt động trải nghiệm, khóa tập huấn về lĩnh vực môi trường. Ảnh: Trung Hiếu.

Nhiều thanh niên yêu môi trường đăng ký tham gia các hoạt động trải nghiệm, khóa tập huấn về lĩnh vực môi trường. Ảnh: Trung Hiếu.

Theo anh Thái, tùy thuộc vào mỗi dự án, ban tổ chức sẽ có những hoạt động riêng cho thanh niên. "Ví dụ, chúng tôi có các lớp tập huấn kiến thức về môi trường, kỹ năng truyền thông, kỹ năng báo chí, hoặc các buổi hội thảo, tọa đàm, đối thoại giữa thanh niên với nhà báo, các tổ chức xã hội hoặc với các doanh nghiệp để các bên cùng trao đổi, chia sẻ, tìm ra giải pháp giải quyết các vấn đề về môi trường. Ban tổ chức cũng có các gói tài trợ để hỗ trợ kinh phí triển khai ý tưởng, dự án của sinh viên trong việc bảo vệ môi trường”.

Anh Thái mong muốn: “Tôi hy vọng ngày càng có nhiều chương trình giúp cho các bạn trẻ yêu môi trường có cơ hội nâng cao hiểu biết, cập nhật thêm kiến thức mới để bổ trợ cho các bạn trong quá trình thực hiện các hoạt động về môi trường được tốt hơn, hiệu quả hơn, từ đó có nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn hơn trong tương lai”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem