Lương hưu thấp, cách nào để gỡ khó cho người về hưu có lương thấp?
Lương hưu không đủ sống, cách nào để gỡ khó cho người về hưu có lương thấp?
Thùy Anh
Thứ bảy, ngày 27/05/2023 06:00 AM (GMT+7)
Một bộ phận người về hưu nhận mức lương hưu thấp chưa được 3 triệu đồng/tháng. Lương thấp khiến nhiều người không đủ sống phải làm thêm để mưu sinh dù tuổi già sức yếu.
Ông Tạ Hữu Dân, 78 tuổi ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa) từng công tác tại công ty Giống gia cầm Nhà nước thời gian dài. Có thời gian công tác hơn 20 năm nhưng do không đủ sức khỏe nên ông nghỉ làm và hưởng chế độ cho người về mất sức.
Hiện nay, tiền lương hưu về mất sức của ông chỉ chưa đầy 3 triệu đồng/tháng. Ông Dân tâm sự: “Trước đây vợ tôi mắc bệnh hiểm nghèo, tháng nào cũng phải chạy chữa, điều trị bệnh rất tốn kém. Tiền lương hưu ít ỏi của tôi chưa đủ để hỗ trợ bà ấy điều trị bệnh (bà ấy không có lương – ông Đợi nói), vì thế việc ăn tiêu vợ chồng tôi phải rất chắt bóp”.
Lương hưu không đủ sống, ông bà từng phải chăn nuôi, trồng thêm rau củ bán kiếm sống qua ngày. Rồi vợ ông mất, dù chỉ còn một mình nhưng ông Dân vẫn phải gánh những khoản nợ vay để điều trị cho bà và cả khoản vay xây nhà trước đó. Vì thế, cuộc sống lại càng khốn khó.
“Giờ mỗi tháng tôi phải trả khoản nợ gần 5 triệu đồng/tháng. Lương thấp không đủ trả nợ tôi phải đi làm thêm bảo vệ, thời gian rảnh tranh thủ trồng thêm rau cỏ, nuôi thêm đàn gà để tăng gia”, ông Dân chia sẻ.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Quế, từng là giáo viên mầm non với 28 năm công tác trong ngành. Thế nhưng về hưu, bà nhận mức lương hưu chỉ 1,9 triệu đồng. Trải qua bao lần điều chỉnh lương hưu, mức lương hưu của bà vẫn lẹt đẹt chưa nổi 3 triệu đồng.
Bà Quế nói: “Đành rằng là mình sống ở quê, mức sống thấp, tiền ít thì chi tiêu tiết kiệm, nhưng thời buổi này 3 triệu đồng sao mà đủ sống được. Mỗi ngày tiền ăn cũng mất 70 nghìn đồng, chưa kể tiền thuốc thang, bệnh tật, tiền đình đám… nếu không có các con phụ thì tôi cũng phải đi làm thêm để sống”.
Cải cách tiền lương là tiền đề để cải cách lương hưu cho lao động khi về già
Bức tranh tiền lương ảm đạm, không chỉ lương công nhân, lương cán bộ công chức mà ngay cả lương hưu cũng khá ảm đạm.
Thực tế này mới đây đã được Đại biểu quốc hội Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ trên diễn đàn Quốc hội. Ông Nguyễn Thiện Nhân nói từng gặp nhiều người đi làm 30 năm, đóng đủ bảo hiểm nhưng lương hưu chỉ 2,5-3 triệu đồng mỗi tháng, phải làm thêm mới đủ sống. Ông đề nghị các cơ quan xem lại nguyên tắc trả lương để người đi làm ngoài nuôi bản thân, còn nuôi được con nhỏ và cha mẹ già.
Bộ LĐTBXH vừa đề xuất trình Chính phủ phê duyệt Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, thực hiện từ ngày 1/7/2023.
Trong đề xuất này Bộ LĐTBXH đề xuất tăng lương hưu cho người hưởng lương hưu từ trước ngày 1/1/1995 có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng dưới 3.000.000 đồng/người/tháng. Theo Bộ LĐTBXH, việc thực hiện điều chỉnh tăng thêm được xác định là chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với nhóm đối tượng này. Theo đó, những người hưởng lương hưu, trợ cấp từ trước ngày 1/1/1995 mà có mức lương thấp sẽ được điều chỉnh với tỷ lệ phần trăm cao hơn để bảo đảm mức lương đạt 3.000.000 đồng/người. Dự kiến, cả nước có khoảng 230.000 thuộc đối tượng này.
"Cần xác định rõ mục tiêu của cải cách tiền lương và Chính phủ phải sớm xây dựng lộ trình cải cách tiền lương", GS Nhân nói. Theo ông, đất nước đã thống nhất 48 năm, kinh tế đạt nhiều thành tựu, GDP bình quân đầu người đã hơn 4.000 USD mỗi năm nên mức tiền lương tối thiểu phải được tính toán đảm bảo mức sống tối thiểu.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng hiện nay lao động đang đối mặt với nhiều khó khăn. Lương thấp, đóng BHXH cũng thấp. Như vậy quyền lợi cả trước mắt và lâu dài đều bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể việc nhiều doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH khiến cho lao động bị ảnh hưởng quyền lợi, về hưu không chốt được sổ BHXH...
“Không chỉ người về hưu mà ngay cả những người đang trong độ tuổi lao động như bác sĩ, dược sĩ mới ra trường lương cũng không đủ sống. Việc cải cách tiền lương bằng cách nâng mức lương cơ bản, mỗi lần tăng thêm vài trăm nghìn cho một hệ số thì những người mới đi làm số tiền tăng lên không nhiều do hệ số thấp", bà Lan phân tích.
Để giải quyết vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động thì chỉ còn cách đẩy nhanh tốc độ cải cách tiền lương theo Nghị Quyết số 27 của Ban chấp hành trung ương Đảng về Chính sách cải cách tiền lương. Tiền lương về đúng giá trị thực, đóng BHXH dựa trên tổng thu nhập... là một trong những giải pháp "nâng cấp" tiền lương hưu cho lao động sau này.
Bà Hương cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ bởi thời gian qua đã có nhiều giải pháp, nỗ lực trong việc điều chỉnh lương hưu cho người có thu nhập thấp. Gần đây nhất, Chính phủ cũng có đề xuất liên quan tới việc điều chỉnh lương hưu khi tăng lương cơ sở.
"Tuy vậy, đây chỉ là những giải pháp phần ngọn, vì chỉ điều chỉnh tạm thời cho người đang hưởng lương hưu thấp. Về lâu dài cần điều chỉnh tiền lương, đưa tiền lương về đúng giá trị thực, đồng thời nâng tỷ lệ đóng BHXH trên tổng thu nhập cho lao động có vậy mới giúp tăng lương hưu cho lao động khi về già, xóa cảnh lao động cống hiến cả đời tới lúc già nhận lương hưu 'chết đói' ", bà Hương nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.