Nghỉ trước năm 1995 sẽ được tăng lương hưu bao nhiêu?

Theo Lao Động Thứ bảy, ngày 06/05/2023 08:46 AM (GMT+7)
Từ ngày 1.7.2023, dự kiến sẽ có khoảng 230.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ trước 1.1.1995 thuộc đối tượng được đề xuất điều chỉnh tăng thêm. Kinh phí tăng lương hưu do ngân sách nhà nước chi trả khoảng 330 tỉ đồng.
Bình luận 0

Về hưu năm 1993, ông Phạm Thanh Vân (77 tuổi, Nam Định) cho biết, đang hưởng lương hưu 2.473.000 đồng/tháng, cùng trợ cấp thương binh hơn 1,8 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập của hai vợ chồng già chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng.

Ông Vân cho biết, với số tiền này, hai vợ chồng ông không đủ chi tiêu các khoản lúc tuổi già. Bà Trần Thị Tuất - vợ ông Vân - không có lương hưu, hàng tháng vẫn sống phụ thuộc vào tiền lương hưu của chồng.

Ông Vân nhẩm tính, mỗi tháng ông dành 2,5 triệu đồng cho ăn, uống. Ngoài ra, tiền để dành mừng đám cưới, đầy tháng cháu, tân gia… cũng ngốn mất khoảng hơn 1 triệu đồng. "Mỗi đám ít nhất 300.000 đồng, đặc biệt có đám vừa là bạn thân, hàng xóm vừa là đồng chí nên phải chi đến 2.000.000 đồng" - ông Vân kể.

Nghỉ trước năm 1995 sẽ được tăng lương hưu bao nhiêu? - Ảnh 1.

Ngân sách Nhà nước dự kiến chi trả phần tăng thêm cho khoảng 230.000 người nghỉ hưu trước 1.1.1995. Ảnh: Hải Nguyễn

Hai vợ chồng già cũng thường xuyên bị bệnh tật giày vò. Bản thân ông mắc bệnh đại tràng, Gout, thậm chí phải nhập viện nếu trở nặng. Vợ ông mắc căn bệnh xương khớp cũng phải thường xuyên sử dụng thuốc điều trị và thực phẩm chức năng hỗ trợ. Tổng chi phí cho tiền thuốc cố định của hai vợ chồng ông mỗi tháng khoảng 1,5 triệu đồng.

Dù tiền lương không bù khoản chi nhưng vợ chồng ông Vân cũng không nói với các con sợ phiền. Hàng ngày, hai ông bà vẫn trồng thêm rau và chi tiêu tiết kiệm. "Tôi hi vọng Nhà nước tăng lương hưu và có thêm các khoản trợ cấp khác để những người như tôi giảm bớt gánh nặng tài chính, an tâm vui sống, không phiền con cái" - ông Vân nói.

Ông Vân là một trong khoảng 230.000 người dự kiến được tăng lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ ngày 1.7.2023 do ngân sách Nhà nước chỉ trả với tổng kinh phí khoảng 330 tỉ đồng.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ thực tiễn thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đối với đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ trước ngày 1.1.1995 cho thấy, mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng đã được xác định dựa trên thời gian công tác thực tế và mức tiền lương tháng trước khi nghỉ việc của người lao động.

Tuy nhiên, đặc thù của chính sách tiền lương giai đoạn trước năm 1995, cùng các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm đó, nên phần lớn người lao động nghỉ hưu, nghỉ việc theo chế độ mất sức lao động với thời gian làm việc ngắn và mức tiền lương trước khi nghỉ việc thấp. Từ đó, ảnh hưởng đến mặt bằng chung về mức hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng của nhóm đối tượng này.

Bên cạnh đó, một số nhóm đối tượng đã dừng hưởng theo quy định, sau đó được Nhà nước ban hành chính sách cho tiếp tục hưởng trợ cấp hàng tháng từ nguồn ngân sách Nhà nước, nên mức hưởng khá thấp so với mặt bằng chung (mức trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng của người đang hưởng trợ cấp theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg và Quyết định số 613/QĐ-TTg là khoảng 1.443.633 đồng/người/tháng).

Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 69/2022/QH15, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh mức lương hưu với người nghỉ hưu từ trước ngày 1.1.1995 mà có mức hưởng dưới 3 triệu đồng/người/tháng.

Sau khi điều chỉnh với mức tăng chung thêm 12,5%, nếu mức lương vẫn dưới 2,7 triệu đồng/tháng sẽ được tăng thêm 300.000 đồng/tháng; nếu có lương từ 2,7 - 2,99 triệu đồng/tháng sẽ tăng thêm để đạt mức lương 3 triệu đồng/tháng.

Với chính sách này, ngân sách Nhà nước dự kiến chi thêm 330 tỉ đồng trong năm 2023 để chi trả phần tăng thêm cho khoảng 230.000 người.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem