“Chăn nuôi nông hộ sẽ bị tổn thương nhất”. Đó là nhận định của TS Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) khi Việt Nam ký tham gia TPP.
Ông Hoàng Thanh Vân nói: Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập, sắp tới đây chúng ta sẽ ký Hiệp định TPP. Khi hội nhập, nguyên tắc các dòng thuế giảm dần từ giờ đến năm 2020, có những dòng thuế giảm về 0. Điều có có nghĩa những sản phẩm chăn nuôi trong nước chấp nhận cạnh tranh minh bạch, công khai, bình đẳng trên thị trường của mình.
TS Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT).
Lúc đó, những sản phẩm tiêu thụ thường xuyên như thịt (thịt tươi, đông lạnh, qua chế biến...), thức ăn chăn nuôi và một số sản phẩm khác sẽ được nhiều nước bán vào Việt Nam. Điều đó có nghĩa ngành chăn nuôi Việt Nam đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh quốc tế và chúng ta phải chấp nhận điều đó. Khi Việt Nam chấp nhận tham gia TPP, nhóm trang trại và chăn nuôi nông hộ sẽ chịu tác động lớn, đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu không có sự quan tâm của Nhà nước.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những thách thức đối với nông hộ nhỏ khi Việt Nam gia nhập TPP?
- Bởi vì, nhóm chăn nuôi nông hộ còn nhiều yếu kém, kém từ khâu chất lượng giống, áp dụng khoa học công nghệ, công tác tổ chức sản xuất cho đến giết mổ, chế biến. Hầu hết người chăn nuôi nhỏ lẻ đều phụ thuộc quá nhiều khâu trung gian. Tôi ví dụ: Một con lợn đến kỳ xuất chuồng phải mất 3 tháng rưỡi chăn nuôi, người chăn nuôi khéo tính toán thì được lãi cao nhất khoảng 250.000- 500.000 đồng tùy thời điểm.
Thế nhưng hành trình của con lợn đấy để đến được với người tiêu dùng chí ít phải trải qua bốn ông trung gian. Thứ nhất là “ông chỉ điểm”. Để bán được lợn, nông dân phải có người chỉ điểm, đối tượng này kết nối nông dân với người thu gom, họ chỉ điểm nhà này nhà kia có lợn và người thu mua đến gom hàng. Vậy là chỉ trong vòng khoảng 15 phút, với việc chỉ điểm được một con lợn để bán, họ có ngay 50.000 đồng. Thứ hai là người gom hàng, sau khi mua con lợn này từ các hộ chăn nuôi, họ sẽ bán cho lò mổ và thu lãi ít nhất 100.000 đồng. Thứ ba, ông lò mổ, đối tượng này sẽ không bán lợn ra thị trường mà nhập cho một ông thương lái và thu về ít nhất là 200.000 đồng. Thứ tư là ông thương lái, sau khi có lợn, họ có thể đem ra chợ bán luôn, hoặc cũng có thể phân phối số lợn đó cho 3-4 ông thương lái khác để họ đem ra chợ bán.
Như vậy một con lợn từ người chăn nuôi đến tay người tiêu dùng phải trải qua tối thiểu 4 khâu trung gian. Mỗi ông trung gian đó chỉ mất một thời gian cực ngắn, công sức bỏ ra không nhiều nhưng lại được lãi gần tương đương thậm chí cao hơn người chăn nuôi. Trong khi người chăn nuôi phải mất 3 tháng rưỡi để tạo ra sản phẩm đó với bao nhiêu chi phí đầu tư, từ làm chuồng trại, mua con giống, thức ăn, thú y, điện, nước, sức lao động…
Có thể thấy việc phải trải qua nhiều khâu trung gian đang khiến cho sản phẩm của các nông hộ nhỏ chịu nhiều thua thiệt. Theo ông người sản xuất có thể thay đổi được điều này không khi mà họ đã quá phụ thuộc vào các thương lái?
- Vì phải phụ thuộc trung gian nên nông dân đang như những người làm thuê không công. Đây là vấn đề cực kỳ lớn, là điều nhức nhối nhất của sản xuất nông hộ và nếu vấn đề này còn tồn tại thì những nông hộ nhỏ không thể hội nhập được, họ sẽ đối mặt với thua thiệt. Chính vì vậy, Nhà nước và các cấp chính quyền phải nhìn nhận ra được vấn đề để giải quyết triệt thì mới giúp nông dân tiếp cận được với thị trường và như thế họ mới hội nhập được.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.