Bộ Tài chính muốn tăng thuế BVMT xăng kịch khung, lên 4.000 đồng/lít

Nguyên Phương Thứ sáu, ngày 23/02/2018 08:55 AM (GMT+7)
Thuế bảo vệ môi trường với xăng có thể tăng lên 4.000 đồng/lít từ ngày 1.7.2018 theo đề xuất của Bộ Tài chính. Điều này theo tính toán của Bộ Tài chính chỉ làm tiêu dùng thực tế của hộ gia đình giảm khoảng 22.000 đồng/tháng ở nhóm có thấp nhất và khoảng 130.000 đồng/tháng ở nhóm có thu nhập cao nhất
Bình luận 0

img

Thuế bảo vệ môi trường với xăng có thể tăng lên 4.000 đồng/lít từ ngày 1.7.2018 (Ảnh minh họa)

Bộ Tài chính mới đây đã công bố dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, từ 1.7.2018, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu được đề xuất tăng lên kịch khung quy định của luật.

Với xăng (trừ etanol) nằm trong khung mức thuế từ 1.000-4.000 đồng/lít. Mức thuế hiện hành là 3.000 đồng/lít được Bộ Tài chính đề nghị tăng lên 4.000 đồng/lít.

Còn dầu diesel nằm trong khung mức thuế từ 500-2.000 đồng/lít. Mức thuế hiện hành là 1.500 đồng/lít, được đề nghị tăng lên mức trần 2.000 đồng/lít.

Với dầu mazut, dầu nhờn, tăng mức thuế từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; Mỡ nhờn tăng mức thuế từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg.

Riêng nhiên liệu bay, dầu hỏa giữ như hiện hành vì mức thuế của nhiên liệu bay đang ở mức trần trong khung thuế suất; dầu hỏa là mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đa số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

img

Mức thuế BVMT mới do Bộ Tài chính đề xuất

Trong tờ trình Chính phủ dự án nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính lý giải việc đề xuất tăng thuế xăng dầu như trên là do thuế nhập khẩu giảm mạnh.

Hiện tại, Việt Nam đang áp dụng mức thuế đối với xăng là 20% và đối với dầu các loại là 7%. Tuy nhiên, thực hiện các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu thì mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng chỉ là 10% và đối với dầu các loại là 0%.

Với việc áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi trên, số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm khi các nhà nhập khẩu chuyển sang nhập các thị trường có mức thuế ưu đãi đặc biệt.

Còn trong báo cáo đánh giá tác động, Bộ Tài chính cũng trích dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế và các tổ chức để lý giải cho đề xuất của mình.

Cụ thể, việc tăng mức thuế từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít với xăng, Bộ Tài chính đã trích dẫn một nghiên cứu khoa học do TS. Huỳnh Thế Du - Giám đốc đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cung cấp. Theo đó, nếu tính toán dựa trên mô hình ngoại tác tiêu cực và tính phi hiệu quả (với chi phí ngoại tác tiêu cực đối với xăng được lấy theo đánh giá của một tổ chức uy tín của Mỹ) thì mức thuế BVMT đối với xăng của Việt Nam cần phải điều chỉnh ở mức từ 10.000 - 20.000 đồng/lít.

Về tác động tới giá bán xăng, dầu, Bộ Tài chính cho biết, với phương án điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng dầu chỉ tăng 1.000 đồng/lít đối với xăng và nếu giá dầu thô không biến động nhiều, các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi thì mức độ tác động đối với giá bán xăng dầu theo tính toán như sau: Đối với xăng, tỷ lệ tăng thuế BVMT trong giá bán khoảng 4,9%; đối với dầu diesel khoảng 3,2%; đối với dầu mazut khoảng 8,9%; đối với dầu nhờn khoảng 0,6% và đối với mỡ nhờn khoảng 2,3%.

Từ đây, Bộ Tài chính cũng tính toán, việc tăng giá hàng hóa sẽ làm tiêu dùng thực tế của hộ gia đình giảm khoảng 22.000 đồng/tháng ở nhóm có thấp nhất và khoảng 130.000 đồng/tháng ở nhóm có thu nhập cao nhất. Trong khi đó, Phúc lợi xã hội giảm trung bình khoảng 0,19% trong giai đoạn đầu và khoảng 0,45% trong dài hạn, mức lạm phát thấp hơn 0,2% trong giai đoạn đầu và nhỏ hơn 0,5% trong dài hạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem