Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa: Xác định 2 khâu đột phá trong nhiệm kỳ Đại hội mới
Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa: Xác định 2 khâu đột phá trong nhiệm kỳ Đại hội mới
Thu Hà (thực hiện)
Thứ ba, ngày 19/09/2023 07:26 AM (GMT+7)
Nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân TP Hà Nội đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở đồng hành cùng hội viên nông dân phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới góp phần phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Ngày 20 -21/9 tới đây, Hội Nông dân TP Hà Nội sẽ tổ chức Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028. Nhân dịp Đại hội Đại biểu Hội Nông dân TP Hà Nội lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028, PV Báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Hải Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội về những kết quả mà các cấp Hội Nông dân trên địa bàn TP đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua cũng như những giải pháp cho hướng phát triển trong nhiệm kỳ sắp tới.
10 dấu ấn nổi bật trong hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân
Thưa bà, nhiệm kỳ qua, hoạt động của Hội Nông dân và phong trào nông dân TP Hà Nội đã đạt được những thành tựu nổi bật nào?
- Trong nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã xây dựng 5 chương trình công tác toàn khóa chỉ đạo, triển khai thực hiện trong các cấp Hội với 10 dấu ấn nổi bật.
Dấu ấn thứ nhất là công tác tuyên truyền có nhiều đổi mới. Thứ 2 là: Các cấp Hội tập trung chỉ đạo, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện. Thứ 3 là: Các phong trào thi đua, các cuộc vận động hướng về cơ sở. Thứ 4 là: Kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm được chú trọng. Thứ 5 là: Các cấp Hội đã tích cực tham mưu tăng trưởng các nguồn vốn vay, quỹ hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Dấu ấn thứ 6 là: Tích cực tập huấn, xây dựng mô hình mới, giúp đỡ hội viên khó khăn. Thứ 7 là: Tích cực tham gia phòng chống dịch Covid-19. Thứ 8: Các hoạt động đối ngoại được mở rộng. Thứ 9: Tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân. Thứ 10: Công tác thi đua khen thưởng đạt nhiều thành tích.
Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân TP Hà Nội đã hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu cả 14/14 chỉ tiêu mà Đại hội đại biểu lần thứ IX đề ra. Đặc biệt, có một số chỉ tiêu vượt cao, như xây dựng mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường (đạt 135%), phát triển hội viên (150%), xây dựng quỹ hội (175%)...
Nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội có nhiều đổi mới, sáng tạo, hướng mạnh về cơ sở; tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả thiết thực.
Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa (ngoài cùng bên phải) thăm mô hình trồng nho Hạ đen ứng dụng công nghệ cao của nông dân huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Ảnh: T.H
Các phong trào thi đua, cuộc vận động do Hội phát động được lan tỏa sâu rộng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và bảo vệ môi trường.
Với những kết quả đạt được đó, Hội Nông dân TP Hà Nội nhiều năm liên tục được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và thành phố ghi nhận là đơn vị thi đua xuất sắc.
Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân TP Hà Nội đã vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, 8 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 3 Cờ thi đua xuất sắc và 2 Cờ thi đua nhiệm kỳ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, 4 Cờ thi đua xuất sắc của UBND thành phố Hà Nội...
Hiệu quả tích cực của phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội Nông dân TP Hà Nội trong nhiệm kỳ qua được đánh giá thế nào, thưa bà?
Phải khẳng định phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" là một trong những phong trào nổi bật của thành phố. Nhiệm kỳ qua phong trào đã phát triển mạnh, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia và đạt nhiều kết quả tích cực.
Trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, Hội Nông dân TP Hà Nội đã có hơn 1,3 triệu lượt hội viên đăng ký Hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Qua bình xét có 961.681 lượt hộ hội viên đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Từ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã xuất hiện những tấm gương nông dân tiêu biểu, điển hình. Những nông dân này đã dám nghĩ, dám làm, dũng cảm vượt qua khó khăn thử thách; thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.
Trên địa bàn TP ngày càng có nhiều nông dân tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh để làm giàu cho gia đình và giúp đỡ nhiều hộ khác vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Điển hình như: Nông dân Nguyễn Thị Hồng (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) với mô hình trồng, sản xuất, chế biến nấm đông trùng hạ thảo. Hay mô hình sản xuất gà giống ứng dụng công nghệ cao bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo của ông Hoàng Mạnh Ngọc, xã Liên Hà, huyện Đông Anh; mô hình chăn nuôi bò và chế biến thực phẩm, dịch vụ nông nghiệp của ông Trần Văn Thắng, xã Thọ An, huyện Đan Phượng.
Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân lao động sáng tạo, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, mang lại lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng.
Tiêu biểu như: Nông dân Tạ Đình Huy (xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ) với sáng chế chiếc máy nông nghiệp thông minh "23 trong 1", không người lái. Hay nông dân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) với nghiên cứu làm ra sợi tơ sen và dệt ra lụa tơ sen, khôi phục làng nghề dệt vải tơ tằm truyền thống...
Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân được xem là khá quan trọng, góp phần đáng kể giúp nông dân làm giàu và giảm nghèo bền vững. Vậy, nhiệm kỳ qua, công tác này đã được Hội Nông dân TP Hà Nội thực hiện như thế nào, thưa bà?
-Xác định nguồn vốn là 1 trong những động lực quan trọng giúp hội viên phát triển kinh tế, trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân TP Hà Nội đã xây dựng và thực hiện Chương trình số 12 Ctr/HNDTP, ngày 16/4/2019 về "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển kinh tế làm giàu, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019 – 2023".
Trong nhiệm kỳ qua, tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt hơn 223 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 6,7% (vượt chỉ tiêu Đại hội IX), nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn thành phố lên 781,129 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn này, nhiều hộ nông dân đã đầu tư, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân. Hà Nội hiện là địa phương có nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân lớn nhất và số lượng hội viên nông dân hưởng lợi nhiều nhất cả nước.
Các cấp Hội trực tiếp và phối hợp tổ chức 11.295 lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học, công nghệ theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.... cho 1 triệu lượt hội viên nông dân; hướng dẫn hỗ trợ thành lập được 2.305 mô hình kinh tế gia trại, trang trại với 31.008 hộ hội viên tham gia; giúp đỡ tạo việc làm cho 21.173 lao động, 66.951 ngày công, 6.019 cây, con giống trị giá 13 tỷ 883 triệu đồng và15.212 tấn phân bón các loại.
Các cấp Hội trực tiếp và phối hợp giúp 14.742 hộ thoát nghèo, xây dựng 212 nhà tình thương, nhà tình nghĩa, mái ấm nông dân trị giá 3 tỷ 441 triệu đồng; vận động góp hàng chục tỷ đồng cho các quỹ ở địa phương.
2 khâu đột phá quan trọng: Chuyển đổi số và liên kết sản xuất
Cùng với phát triển kinh tế, trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đồng hành cùng hội viên nông dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh. Bà có thể thông tin thêm về dấu ấn này của Hội trong nhiệm kỳ qua?
Thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", các cấp Hội Nông dân TP Hà Nội đã vận động nông dân hiến 208.783m2 đất, 348.049 ngày công, đóng góp hơn 151,250 tỷ đồng xây dựng hạ tầng nông thôn; tham gia sửa chữa 76.111km đường giao thông nông thôn...
Trong những năm qua, nhiều mô hình, công trình, phần việc thiết thực của các cấp Hội, cán bộ hội viên nông dân Thủ đô nhân rộng. Đến nay, toàn TP đã rồng mới và gắn biển 372 hàng cây nông dân với tổng số 15.326 cây xanh; gắn biển 225 đoạn đường nở hoa, đường nông dân kiểu mẫu, con đường bích họa với tổng chiều dài 178 km; xây dựng được 53 mô hình cánh đồng sach; 38 hàng cây kiểu mẫu… Hội Nông dân TP Hà Nội thực hiện tốt cuộc vận động "Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, sử dụng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn".
Các phong trào thi đua của Hội Nông dân đã lôi cuốn đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia, là môi trường thuận lợi cho Nông dân Thủ đô phát huy những giá trị tốt đẹp, tiềm năng, sức sáng tạo để vươn lên phát triển toàn diện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Hội vẫn còn những khó khăn nhất định. Bà nhận định về vấn đề này thế nào?
- Theo tôi, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên, nông dân ở một số cơ sở chưa được tốt, còn hình thức. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và các vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn sản xuất, đời sống của hội viên, nông dân có lúc, có nơi chưa kịp thời.
Phong trào nông dân và hoạt động Hội phát triển chưa đồng đều giữa các địa phương, chưa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Quy mô sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn nhỏ, lẻ, sản xuất thô, thiếu chế biến sâu… Hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân ở một số nơi còn thiếu chủ động, hiệu quả chưa cao.
Trong nhiệm kỳ tới, Hội Nông dân thành phố Hà Nội sẽ có những đổi mới như thế nào trong hoạt động, điều hành, thưa bà?
-Nhiệm kỳ mới 2023 – 2028, các cấp Hội Nông dân TP Hà Nội tiếp tục tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, có đủ năng lực tập hợp, đoàn kết, phát huy dân chủ, sức sáng tạo của hội viên, nông dân; khơi dậy khát vọng, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Hội Nông dân TP Hà Nội xác định 2 khâu đột phá quan trọng trong hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân.
Thứ nhất đó là chuyển đổi số: Tuyên truyền chuyển đổi nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho hội viên, nông dân; tham gia thực hiện các thủ tục hành chính thông qua các dịch vụ công trực tuyến; tập huấn, hội thảo để giúp cán bộ, hội viên nông dân hiểu, vận dụng và hình thành các ý tưởng về chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp; xây dựng các mô hình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Thứ 2 đó là liên kết sản xuất: Hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển các mô hình hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và hộ dân; giữa doanh nghiệp với hộ nông dân; giữa hợp tác xã với hộ nông dân và liên kết giữa các hộ nông dân để sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với tổ chức xây dựng các mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp 5 cùng (cùng lĩnh vực lao động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, cùng có mối quan tâm, cùng trách nhiệm, cùng chia sẻ, cùng hưởng lợi).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.