1. Lụa Hà Đông
Vào những năm 30, sản phẩm lụa Hà Đông từng được bày bán tại các hội chợ ở Pháp.
Làng lụa Hà Đông còn có tên gọi là khác là lụa Vạn Phúc (cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km) vốn nổi tiếng với những sản phẩm dệt tơ tằm từ hàng trăm năm trước. Đây cũng là một trong những làng nghề ở Hà Nội được xuất ngoại khá sớm. Vào những năm 30, sản phẩm của làng nghề này được mang sang Pháp và bày bán tại các hội chợ. Đến năm 1990, lụa Vạn Phúc tiếp tục sang các nước Đông Âu và nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành nguồn thu ngoại tệ cho Việt Nam.
Tuy nhiên hiện nay, dạo bước qua những sạp hàng, bên cạnh lụa được sản xuất tại đây, còn có cả những sản phẩm nhập từ nơi khác (nhất là hàng Trung Quốc), gây không ít bối rối cho người tiêu dùng.
2. Bánh cuốn Thanh Trì
Đặc trưng của bánh cuốn Thanh Trì là lớp tráng rất mỏng, trắng trong và có mùi thơm của gạo.
Vốn là món ăn nổi tiếng ở Hà Nội, bánh cuốn Thanh Trì từng đi vào ký ức nhiều người dân trong hình ảnh gánh hàng rong của những người phụ nữ đi bộ trên hè phố từ sớm đến trưa. Bánh được tráng khéo léo, rất mỏng và có màu trắng trong, dẻo, thơm với chất liệu chủ yếu là gạo.
Ngày nay, sự phát triển của các nhà hàng và nhu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm đã khiến những gánh rong ngày càng mai một. Khách hàng muốn thưởng thức bánh cuốn Thanh Trì có thể tìm đến một số nhà hàng hoặc quán ăn với giá dao động 25.000-30.000 đồng mỗi suất.
3. Cốm Làng Vòng
Ngày nay, cốm làng Vòng có thể dễ dàng mua vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Ảnh: Lam Linh
Như bao món quà ngon khác ở Hà Nội, cốm Làng Vòng nổi tiếng và còn có cả truyền thuyết về nguồn gốc ra đời. Nghề làm cốm ở làng Vòng được cho là đã có từ cách đây cả nghìn năm. Khi lúa bắt đầu uốn lưỡi câu thì trời đổ mưa to, gió lớn khiến đê vỡ. Ruộng lúa cao nhất đồng cũng chìm nghỉm. Người làng Vòng đành mò cắt những bông lúa non ấy đem về rang khô, ăn dần để chống đói. Quá trình này sau đó được rút kinh nghiệm và cải thiện thành những hạt cốm ngày nay.
Kỹ thuật phát triển khiến cốm Làng Vòng không chỉ bị giới hạn vào mùa thu mà bất cứ thời điểm nào trong năm khách hàng cũng có thể mua sản phẩm. Giá hiện tại cho một kg cốm dao động 260.000-300.000 đồng.
4. Gốm Bát Tràng
Bát Tràng đang được xem là một trong những làng nghề ăn nên làm ra nhất với lĩnh vực truyền thống. Ảnh: Phương Hòa
Bát Tràng là một làng cổ nằm ở bờ bắc sông Hồng, nay thuộc huyện Gia Lâm, chuyên sản xuất các sản phẩm bằng gốm. Theo một số tài liệu ghi nhận, làng nghề này xuất hiện cách đây 600 năm và dần phát đạt qua năm tháng. Ngày nay, những gia đình theo nghề gốm ở Bát Tràng còn lên tới đời thứ 15 và tiếp tục gây dựng, đưa sản phẩm xuất khẩu ra các nước trên thế giới.
Trong bối cảnh kinh tế thị trường, nghề gốm ở Bát Tràng không chỉ tạo công ăn việc làm trong xã mà còn thu hút nhân lực làm thuê đến từ những tỉnh khác như Hải Dương, Hưng Yên hay Bắc Ninh trong hơn 200 công ty, xí nghiệp. Từng có thời điểm trị giá xuất khẩu của làng nghề đạt 20 triệu USD. Đây cũng được coi là một trong những làng ăn nên làm ra nhất ở Hà Nội với nghề truyền thống. (Xem video)
5. Giấy dó Yên Thái
Làng giấy dó Yên Thái nay chỉ còn tìm thấy trong những bức ảnh xưa.
Trái với sự hưng thịnh của gốm Bát Tràng, làng giấy dó Yên Thái ngày nay hoàn toàn biến mất và chỉ còn tồn tại trong tâm tưởng người dân thủ đô ở những thế hệ cha, ông. Làng Yên Thái ở bờ nam hồ Tây (Hà Nội), tục gọi là làng Bưởi vốn nổi tiếng với nghề chính là làm giấy dó để viết hoặc in. Không chỉ vậy, sản p hẩm này còn để vẽ tranh và đặc biệt nhất là làm giấy điệp cho tranh Đông Hồ. Thời vàng son, giấy gió từng được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới nhưng tới những năm 80, nghề thủ công này gần như biến mất hẳn.
6. Đúc đồng Ngũ Xã
Chùa Ngũ Xã là nơi còn ghi lại dấu tích về nghề đúc đồng nổi tiếng một thời tại Hà Nội.
Cũng giống nghề làm giấy dó ở Yên Thái, làng đúc đồng Ngũ Xã (bên cạnh hồ Trúc Bạch – Hà Nội) ngày nay cũng không còn dấu vết của sự tồn tại. Trước đây, giai đoạn thế kỷ 17-18, Ngũ Xã từng là địa phương nổi tiếng với nghề đúc đồng. Những pho tượng và đồ thờ bằng đồng từ làng nghề này được sử dụng trong triều đình và các ngôi chùa lớn khắp cả nước.
Tuy nhiên, những năm cuối thế kỷ 20, do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, nghề đúc đồng truyền thống bị thu hẹp, nhường chỗ cho một số khu phố mới mọc ra với lĩnh vực ẩm thực. Nổi bật nhất ở Ngũ Xã bây giờ phải kể đến những nhà hàng phở cuốn nằm san sát nhau lúc nào cũng tấp nập khách. Dấu tích còn lại về làng nghề đúc đồng chỉ còn là ngôi chùa mang tên Ngũ Xã (tên chữ là Thần Quang tự hay Phúc Long tự), thờ Phật và ông tổ nghề Nguyễn Minh Không.
7. Đậu phụ làng Mơ
Dù quá trình sản xuất vất vả, nhiều hộ gia đình tại làng Mai Động vẫn đi theo nghề làm đậu mơ.
Trong những bữa cơm hàng ngày, người Việt Nam hẳn không ai xa lạ với món đậu phụ. Vốn là món ăn bình dân và truyền thống, từng địa phương lại có cách làm đậu phụ riêng. Tuy vậy, đậu mơ được làm tại làng Mai Động (nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) được cho là ngon hơn cả. Tên gọi "đậu mơ" xuất phát từ khu vực Kẻ Mơ, bao gồm các làng Hoàng Mai, Bạch Mai, Thanh Mai, Mai Động và Mơ Táo.
Quy trình làm đậu mơ ở làng nghề này được truyền qua nhiều đời và rất phổ biến với các gia đình nơi đây, bất chấp quá trình thực hiện vất vả. Thông thường, người làm đậu phải thức dậy rất sớm (từ 3h sáng) để bắt đầu công việc. Thời gian phải căn thật chuẩn sao cho đúng buổi chợ sớm là có những bìa đậu nóng hổi, thơm ngon mang bán.
8. Đậu bạc Định Công
Một sản phẩm đậu bạc từ làng Định Công - Hà Nội.
Làng Định Công nằm bên bờ sông Tô Lịch, thuộc huyện Thanh Trì (Hà Nội) vốn nổi tiếng với nghề chạm khắc vàng, bạc từ xưa. So với các làng nghề chạm bạc khác ở Thái Bình, Hải Dương, những sản phẩm Định Công có nét đặc trưng riêng, được làm hoàn toàn thủ công, đòi hỏi kỹ thuật và tay nghề cao. Đậu bạc là kéo những sợi bạc đã nung chảy mảnh mai như sợi tóc thành họa tiết hoa văn, chim muông, hoa lá… gắn vào trang sức.
Ra đời từ thế kỷ thứ 7 (thời Tiền Lý), đến nay, nghề đậu bạc tại làng gần như mai một. Những năm đầu thế kỷ 19, khoảng 50-60% số gia đình ở làng Định Công theo nghề kim hoàn. Nhưng khi kinh tế chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường, số lượng này giảm đi chỉ còn lác đác đếm trên đầu ngón tay. Tiền công làm ra không đáng kể khiến người dân ít mặn mà với nghề truyền thống này.
9. Dát vàng ở làng Kiêu Kỵ
Từ khi đất nước thống nhất, kinh tế mở cửa, nghề dát vàng ở làng Kiêu Kỵ mới thịnh hành trở lại. Ảnh: Quý Thông
Làng Kiêu Kỵ nay thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội) có lịch sử trên 400 năm và là làng nghề duy nhất ở Việt Nam chuyên làm vàng quỳ (vàng lá, dùng để dát). Hiện làng nghề có gần 50 gia đình chuyên kinh doanh vàng quỳ, nhiều hộ sản xuất với quy mô lên tới 20 thợ làm việc. Một chỉ vàng ở Kiêu Kỵ có thể được dập thành gần 1.000 lá, khi xếp lại có diện tích lớn hơn 1m2. Những sản phẩm này hầu hết cung cấp cho các công trình tín ngưỡng cung đình để dát lên các tượng phật, ngai vàng, hoành phi, câu đối và cả tranh sơn mài.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp-Mỹ, nghề này từng bị mai một, các hộ gia đình trong làng chuyển sang sản xuất đồ dùng bằng da và giả da. Phải đến sau ngày thống nhất đất nước, kinh tế mở cửa, các công trình văn hóa được khôi phục, làng nghề Kiêu Kỵ mới phát triển trở lại.
10. Bánh cốm Hàng Than
Ngày nay, phố Hàng Than còn nổi tiếng với nghề dịch vụ cưới-hỏi. Ảnh: Linh Phạm
Nhắc đến phố Hàng Than, lâu nay người dân Hà Thành thường nghĩ ngay đến bánh cốm – một món quà ngon được coi là đặc sản thủ đô. Con phố chỉ dài hơn 400m nhưng hai bên dày đặc những cửa hàng nhiều màu sắc, bày biện từng chồng bánh cốm xếp ngay ngắn. Vốn là sản phẩm đặc trưng trong các đám hỷ, bánh cốm cũng trở nên đắt hàng, biến con phố Hàng Than nổi danh thêm với nghề dịch vụ cưới-hỏi.
(Theo Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.