10 sự kiện nổi bật năm 2013

Thứ sáu, ngày 27/12/2013 07:08 AM (GMT+7)
Quốc hội thông qua bản Hiến pháp mới với đại đa số đại biểu Quốc hội tán thành; Lễ quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp; lạm phát thấp nhất trong 10 năm qua... là những sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội đáng nhớ nhất trong năm 2013 đầy biến động.
Bình luận 0
1. Quốc hội thông qua bản Hiến pháp mới

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII (diễn ra từ 21.10 – 29.11), với 97,99% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành (2 đại biểu không biểu quyết), Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp (sửa đổi) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp (sửa đổi) gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992), kế thừa nhiều nội dung của Hiến pháp năm 1992, thể hiện được tinh thần đổi mới, thể hiện được ý Đảng, lòng dân. Hiến pháp (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2014.

2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần

18 giờ 09 phút ngày 4.10, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 103 tuổi. Trong cuộc đời cầm quân lừng lẫy của mình, người Anh Cả của quân đội nhân dân Việt Nam đã có rất nhiều quyết định quan trọng làm thay đổi cuộc chiến. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, với quyết định to lớn và khó khăn nhất trong đời binh nghiệp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” để sau đó tạo nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đồng bào cả nước và bè bạn quốc tế đã thể hiện sự tôn kính và tiếc thương vô hạn trong Lễ quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới khi linh cữu Đại tướng được an táng tại Vũng Chùa - Đảo Yến (Quảng Bình).

3. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng lên tầm mới


Trong năm 2013, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta đã có những bước chuyển mạnh mẽ với sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Những vụ tham nhũng lớn, phức tạp, gây nhiều thiệt hại và được dư luận đặc biệt quan tâm có liên quan đến Vinalines, Vifon, Công ty Cho thuê tài chính 2 - ALC II (thuộc Agribank)… đã được đưa ra xét xử với những án phạt hết sức nghiêm khắc (đến nay đã có 4 bản án tử hình được tuyên trong các vụ đại án tham nhũng này). Bên cạnh đó, bộ máy các cơ quan phòng, chống tham nhũng cũng được kiện toàn từ Trung ương xuống địa phương. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2014 do Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng ký ban hành đã được Quốc hội thông qua, trong đó nhấn mạnh đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

4. Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ

Năm 2013, Việt Nam đạt nhiều thành công trên lĩnh vực đối ngoại, lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc với số phiếu cao nhất trong số các ứng cử viên. Sự kiện này thể hiện sự chủ động, tích cực tham gia nhiều cơ chế hợp tác quan trọng của khu vực và toàn cầu; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều nước... góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

5. Thu hút vốn FDI cao kỷ lục

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến 15.12.2013, vốn FDI cả đăng ký mới và tăng thêm đạt 21,6 tỷ USD, tăng 54,5% so cùng kỳ 2012. Vốn FDI giải ngân năm 2013 ước đạt 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% so 2012. Có thể coi kết quả thu hút vốn FDI là một trong những điểm sáng đáng ghi nhận nhất của kinh tế Việt Nam trong 2013 - đặc biệt là sau 4 năm liên tục (từ 2009 - 2012) vốn FDI đăng ký bị hụt hơi. Không chỉ tăng mạnh về “lượng”, dòng vốn FDI vào Việt Nam trong 2013 còn có sự chuyển biến rõ rệt về “chất”. Lĩnh vực đầu tư cũng cho thấy sự chuyển biến tích cực với gần 77% tổng vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thay vì đổ vào bất động sản như các năm trước.

6. Lạm phát thấp nhất trong 10 năm qua

Năm 2013, ghi nhận việc giá tiêu dùng thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Năm 2013, ghi nhận việc giá tiêu dùng thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Ngày 23.12, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 12.2013 có mức tăng 0,51% so với tháng 11 và tăng 6,04% so với tháng cùng kỳ năm 2012. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2013 tăng 6,6% so với bình quân năm 2012, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,21% của năm 2012. Đây là năm có có chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong năm nay, CPI tăng cao vào quý I và III với mức tăng bình quân tháng là 0,8%. Các quý II và IV, CPI tương đối ổn định và tăng ở mức thấp với mức tăng bình quân tháng là 0,4%. Chỉ số giá tiêu dùng năm nay tăng do một số nguyên nhân chủ yếu, như giá một số mặt hàng và dịch vụ do Nhà nước quản lý được điều chỉnh theo kế hoạch và theo cơ chế thị trường.

7. Gói 30.000 tỷ đồng cho bất động sản

Gói hỗ trợ cho vay mua nhà ở trị giá 30.000 tỷ đồng được triển khai từ 1.6.2013. Theo quy định, gói ưu đãi có lãi suất cho vay áp dụng tối đa là 6%/năm, thời hạn cho vay tối đa là 10 năm đối với khách hàng là cá nhân và 5 năm đối với khách hàng là doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau 6 tháng triển khai, gói tín dụng đã bộc lộ những vướng mắc khó tháo gỡ và có nguy cơ “bế tắc”. Việc giải ngân chậm chủ yếu xuất phát từ những quy định về việc xét duyệt cho vay, quy định đối tượng, các thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận gói ưu đãi. Đồng thời, việc chứng minh khả năng trả nợ tại các ngân hàng thương mại cũng là một trở ngại lớn, thiếu khả thi.

8. Nợ xấu vẫn nhức nhối

Năm 2013 là một năm khó khăn của ngân hàng và các tổ chức tín dụng, cùng với việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém nằm trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, thì nợ xấu là vấn đề hết sức nhức nhối. Tổng nợ xấu của toàn hệ thống tính đến cuối tháng 9.2013 là 142,33 nghìn tỷ đồng. Con số này cao hơn khoảng 20,2% (tức 23,9 nghìn tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù việc ra đời của Công ty Mua bán nợ (VAMC) được kỳ vọng sẽ giải quyết được tảng băng nợ xấu, tuy nhiên theo đánh giá của giới chuyên gia trong và ngoài nước, “số vốn mà VAMC được cấp là quá nhỏ so với tổng số nợ xấu”.

9. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

Hội nghị Trung ương lần thứ 8 nhất trí thông qua đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo được coi là tiền đề để đưa sự nghiệp giáo dục nước nhà sang một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu CNH- HĐH đất nước, hội nhập quốc tế. Đề án đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến đổi mới các cơ sở giáo dục - đào tạo và sự tham gia của gia đình, cộng đồng xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học, ở cả Trung ương và địa phương… Hiện Bộ GDĐT đã bước đầu triển khai thí điểm một số mô hình giáo dục theo hướng đối mới.

10. Dân số VN đạt mốc 90 triệu người


Đón công dân thứ 90 triệu vào ngày 1.11.2013, Việt Nam đã trở thành quốc gia có số dân đông thứ 14 trên thế giới và thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á. Chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng, Việt Nam có lợi thế to lớn là nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

NTNN bình chọn (NTNN bình chọn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem