10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2016

Ban Quốc tế Thứ hai, ngày 19/12/2016 06:30 AM (GMT+7)
Năm 2016 sắp khép lại với hàng loạt sự kiện lớn để thế giới bước vào năm mới 2017 với niềm hi vọng mới, xen lẫn cả sự lo âu. Sau đây là 10 sự kiện quốc tế nổi bật do Dân Việt bình chọn.
Bình luận 0

1: Cơn địa chấn Brexit

img

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy trong năm 2016 đã gây ra một loạt cơn "địa chấn" làm rung chuyển các nước phương Tây. Bắt đầu được nhắc tới nhiều từ kết quả một số cuộc bầu cử ở châu Âu, song cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 ở Anh mới thực sự gây sốc cho toàn thế giới khi người dân "xứ sở sương mù" lựa chọn rời Liên minh châu Âu, sự kiện được gọi là Brexit, dù kết quả thăm dò luôn cho thấy phe ở lại thắng thế.

Nguyên nhân chính của chiến thắng Brexit là do chủ nghĩa dân túy ảnh hưởng đến cử tri hơn là những số liệu về kinh tế. Những người theo chủ nghĩa dân túy thường được xem là ít cởi mở, chậm đổi mới và khó dự đoán hơn. Bởi vậy, những mối lo về an ninh, về làn sóng nhập cự ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người dân Anh, khiến cử tri Anh quyết định quay lưng lại với EU. Thủ tướng Cameron buộc phải từ chức, Thủ tướng mới của nước Anh là bà Theresa May.

2: Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ

img

Khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" là màn trình diễn đỉnh cao của tình cảm dân túy, luyến tiếc quá khứ. Cũng như người Anh muốn nước này rút khỏi EU, ông Trump muốn rút Mỹ khỏi các hiệp ước và thỏa thuận quốc tế mà Washington là thành viên, điển hình là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông Trump cam kết những lao động nhập cư giá rẻ tại Mỹ sẽ bị đuổi về nước và các nhà máy sẽ được đưa trở lại nước Mỹ. 

Với những chính sách như vậy, tỷ phú Donald Trump đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8.11, vượt qua ứng cử viên nặng ký là bà Hillary Clinton để trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Theo kế hoạch, ông Trump sẽ nhậm chức ngày 20.1 tới.

3: Toà Trọng tài thường trực ra phán quyết về Biển Đông

img

Toà trọng tài thường trực (PCA, tại The Hague, Hà Lan)  ngày 12.7 ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông. Theo phán quyết, tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” (hay đường 9 đoạn) - cái mà Trung Quốc gọi là “quyền lịch sử” là trái ngược với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). 

Phán quyết cũng khẳng định Ba Bình và những bãi đá khác ở quần đảo Trường Sa chỉ là "đá" và Trung Quốc không có quyền tuyên bố bất kỳ vùng đặc quyền kinh tế nào ở Trường Sa.

Phán quyết của Tòa Trọng tài là quyết định rõ ràng và có tính ràng buộc pháp lý, các bên liên quan cần phải tôn trọng. 

4: Tổng thống Philippines Duterte nhậm chức

img

Ông Rodrigo Duterte - người có nhiều biệt danh như "kẻ trừng phạt" hoặc "Donald Trump của Philippines" - đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống Philippines hôm 30.6 với lời hứa sẽ phát động "cuộc chiến đẫm máu với tội phạm và mạnh tay với tham nhũng.

Sau nửa năm cầm quyền, "bàn tay sắt" của ông Duterte đã giúp tội phạm ma tuý ở Philippines giảm xuống. Về đối ngoại, sự cứng rắn của ông Duterter cũng khiến Mỹ mếch lòng.

5: Đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ

img

Vào ngày 15 và16.7 năm 2016, một nhóm trong Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành đảo chính nhằm lật đổ chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Erdogan đã không thành công. Ít nhất 264 người đã bị giết chết trong số đó 173 thường dân, 67 nhân viên an ninh chính phủ, 24 người đảo chính và hơn 1.390 người bị thương. Tại thủ đô Ankara, tòa nhà Quốc hội và Dinh tổng thống đã bị ném bom trong khi cầu Bosphorus ở Istanbul bị lực lượng đảo chính phong tỏa.

Tổng thống Erdogan đang nghỉ hè đã về Istanbul chỉ đạo vụ việc. Chính quyền đương nhiệm đã tuyên bố nhanh chóng là cuộc đảo chính đã thất bại và bắt đầu truy nã những người dính líu tới đảo chính và được cho là thực hiện theo sự sắp đặt của giáo chủ lưu vong Allen. Theo bộ trưởng bộ Tư pháp Bekir Bozdag cho đến nay khoảng 6.000 người đã bị bắt giữ và 2.745 thẩm phán đã bị sa thải.

6: Khủng bố ngày quốc khánh Pháp

img

Tối 14.7, một kẻ khủng bố đã lái xe tải với tốc độ hơn 60km/giờ lao vào đám đông vừa xem xong màn trình diễn pháo hoa đúng ngày quốc khánh ở Pháp, khiến 84 người chết và hơn 150 người bị thương, trong đó có nhiều trẻ em.

Một số nhân chứng của vụ việc cho biết kẻ khủng bố dường như cố tình lái chiếc xe theo hình zích zắc để cán nhiều người nhất có thể. Lái xe được xác định là người Pháp gốc Tunisia, 31 tuổi, đã bị bắn chết.

7: Quốc vương Thái Lan băng hà

img

Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej trút hơi thở cuối cùng chiều 13.10, ở tuổi 88. Sau gần 7 thập kỷ cầm quyền, ông là người trị vì lâu nhất trong lịch sử Thái Lan.

Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej là vị vua hiếm hoi trên thế giới hiện đại cùng lúc có được khối tài sản khổng lồ, quyền lực trên chính trường, sự sùng kính của người dân trong nước và trọng thị của nước ngoài. Con trai đồng thời là người thừa kế của ông, Thái tử Maha Vajiralongkorn, 63 tuổi, trở thành quốc vương mới của Thái Lan.

8: Lãnh tụ Cuba  Fidel Castro qua đời

img

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro Ruz, nguyên Bí thư thứ nhất Ban chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Cuba, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà Cuba, nhà lãnh đạo cộng sản và cách mạng kiên cường của các dân tộc Mỹ Latinh và phong trào đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, tự do và Chủ nghĩa xã hội, đã từ trần vào ngày 25.11.2016 vừa qua, hưởng thọ 90 tuổi.

Cuộc đời trong sáng và sự nghiệp bất tử của lãnh tụ Fidel Castro sẽ sống mãi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân Cuba và các dân tộc đang nỗ lực đấu tranh nhằm xây dựng một thế giới công bằng, văn minh, dân chủ, phồn vinh và hạnh phúc. 

9: Tổng thống Hàn Quốc và bê bối bạn thân

img

Tổng thống Hàn Quốc Park Gyun Hye ngày 25.10 đã xin lỗi và thừa nhận từng “hỏi ý kiến” của bạn than là bà Choi Soon-sil khi soạn thảo các bài diễn văn trong chiến dịch tranh cử năm 2012 lẫn giai đoạn đầu nhậm chức. Bà Park còn bị nghi ngờ có vai trò trong việc ép các tập đoàn lớn đóng góp để thành lập 2 tổ chức phi lợi nhuận được cho là của bà Choi.

Nếu Tổng thống Park thực sự bị điều tra, đây sẽ là trường hợp đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc.

10: Việt Nam trúng cử vào Uỷ ban Luật pháp quốc tế

img

Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Nguyễn Hồng Thao ngày 3.11 đã trúng cử vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) của Liên Hợp Quốc với số phiếu ủng hộ 120/191.

Ông Nguyễn Hồng Thao là một trong 7 thành viên mới của ILC đến từ các nước châu Á - Thái Bình Dương trong nhiệm kỳ 2017-2021. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có ứng cử viên chạy đua vào Ủy ban này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem