100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (kỳ 2): Vì sao kịch nói đang là bức tranh màu xám?
100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (kỳ 2): Vì sao kịch nói đang là bức tranh màu xám?
Hà Tùng Long
Thứ năm, ngày 21/10/2021 13:58 PM (GMT+7)
Nếu biểu đạt chặng đường phát triển 100 sân khấu kịch nói Việt Nam theo đồ thị hình Sin thì kịch nói đang chạm vào ngưỡng đáy. Và những ai từng yêu kịch nói như máu thịt, như hơi thở… sẽ không tránh được sự tiếc nuối và đau đớn về “sự thật phũ phàng” này.
NSND Doãn Châu - nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam bộc bạch với Dân Việt, ông gắn bó với kịch nói từ khi còn là một cậu bé. Từ năm 1954, ông đã tham gia biểu diễn trong các đoàn kịch nghiệp dư.
Sau này, khi tốt nghiệp trường Sân khấu, ông về công tác ở Nhà hát Kịch TW (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam) rồi thành lãnh đạo cao nhất. Cuộc đời ông gần như đi sát với cả quá trình phát triển của kịch nói Việt Nam hiện đại. Vì thế, ông dám nhận mình là người nắm khá vững về lịch sử sân khấu kịch nói của nước nhà.
“Tôi tham gia và chứng kiến sự đi lên - đi xuống của cả nền nghệ thuật kịch nói Việt Nam. Nếu nói quá trình đó như đồ thị hình Sin thì bây giờ là lúc sân khấu kịch nói đang ở điểm đáy, đi xuống rất sâu. Chứng kiến những điều đó tôi cảm thấy rất ngậm ngùi”, NSND Doãn Châu chia sẻ.
Theo NSND Doãn Châu, kịch nói đang đi xuống bởi thiếu những tác phẩm có tầm vóc lớn. Nhiều năm trở lại đây, sân khấu không có được những tác phẩm như: “Bệnh trắng”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Bài ca Điện Biên”, “Hòn đảo thần Vệ nữ”… Bên cạnh đó, đội ngũ diễn viên không có các vai xuất sắc.
Ngày xưa, khi nhắc đến kịch nói thời huy hoàng, người ta nhắc đến nghệ sĩ Đào Mộng Long với vai Sia trong vở “Luba”, nghệ sĩ Song Kim trong “Hòn đảo thần Vệ nữ”, nghệ sĩ Trần Tiến đóng Đế Thích trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, nghệ sĩ Đoàn Dũng đóng “Vụ án người đốt đền”… Diễn viên có chất và có tài năng xuất chúng như thế bây giờ không có. Thêm vào đó, kịch bản hay cũng thiếu vắng dần và thiết kế sân khấu cũng không được như ngày xưa.
“Theo xu thế thời đại bây giờ, nghệ thuật phải phục vụ cuộc sống cho nên kịch nói đa số là giải trí để thoả mãn cái vui, cái yếu tố giải trí. Một thứ sân khấu vì nghệ thuật và vì những điều lý tưởng đang mất đi. Đó là điều rất đáng tiếc.
Bây giờ, kịch có thể vẫn bán được nhiều vé nhưng khán giả đến xem chủ yếu để giải trí. Các diễn viên có nổi tiếng cũng chủ yếu là các vai hề, vai hài… chứ không có các diễn viên có tầm suy nghĩ, có tầm sáng tạo để tạo nên được những nhân vật để đời. Muốn trở lại như thời xưa, sân khấu kịch nói cần phải có một cuộc cách mạng.
Kịch nói phải luôn có những tác phẩm kinh điển như: “Vua Lia”, “Giấc mộng đêm hè”, “Lôi vũ”… Bây giờ diễn viên không có điều kiện học tập để nâng cao tay nghề qua các tác phẩm kinh điển đó. Nói tóm lại, nhìn tổng thể bức tranh sân khấu kịch nói hiện nay là một bức tranh màu xám và không vui chút nào”, NSND Doãn Châu trải lòng thêm.
Hãy cứu lấy sân khấu kịch nói khi còn kịp
Chia sẻ với Dân Việt, NSƯT Thanh Tú cho rằng, vào thập niên 90, Nhà hát Kịch Hà Nội có 6 nghệ sĩ được vinh danh vì đã có những vai diễn làm nên “cơn địa chấn” của kịch nói Việt Nam. Nhưng bây giờ, với sự xâm lấn ồ ạt của truyền hình, phim ảnh, gameshow… nên sân khấu đang mất dần thế đứng. Những dấu mốc vàng son đã xa rất xa, còn tương lai lại đang mịt mù.
“100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam thì tôi có gần 50 năm gắn bó với kịch nói. Người ta có thể làm chỗ nọ, chỗ kia nhưng khi tôi bước chân vào nghệ thuật đến nay thì chỉ gắn bó với Nhà hát Kịch Hà Nội. Mặc dù rất xót xa nhưng phải nói ra rằng, một thời rực rỡ của sân khấu đã qua mất rồi. Bây giờ, kịch nói không thể tìm lại được thời vàng son đó nữa.
Ngày xưa, nghệ sĩ nào cũng có một vai để đời trên sân khấu hoặc trong phim ảnh. Bây giờ ai cũng đều đều, bằng bằng, nhờ nhờ… như nhau. Ngày xưa, bên Nhà hát Kịch TW diễn vở “Nila” do Nguyệt Ánh đóng vai chính, bên Nhà hát Kịch Hà Nội diễn “Nàng Ta-nhi-a” do Thanh Tú đóng vai chính. Những vở này, chúng tôi diễn 2000 đêm liên tục. Khi tôi làm phim “Sao Tháng Tám”, ban ngày đi quay, buổi tối về diễn “Ta-nhi-a”.
Hiện tôi đang rất muốn phục hưng lại kịch nói Việt Nam theo kiểu văn học hoá sân khấu. Tức là kịch nói của chúng ta trước nay thường diễn theo kiểu hài kịch, nghĩa là ngôn ngữ đường phố, ngôn ngữ sinh hoạt. Nhưng khán giả ngày xưa rất mê những vở của các ông Schiller, Shakespeare… vì kịch của họ không chỉ hay mà còn có lời thoại rất đẹp.
Người ta không chỉ đi xem kịch mà còn đi nghe kịch. Nghe những lời thoại đầy tính văn học và nghe những gửi gắm của tác giả vào đó. Tôi rất muốn phục hưng lại sân khấu của văn học. Nếu như thế, diễn viên phải rất đầy về kiến thức văn học và phải học nói đúng lời”, NSƯT Thanh Tú bày tỏ.
NSƯT Trần Lực cũng tiết lộ với Dân Việt rằng, thời bé, vì nhà anh ở trong khu tập thể của Nhà hát Nhân dân nên anh đã được xem rất nhiều vở kịch khác nhau của miền Bắc. Và anh đã chứng kiến được nhiều sự đổi thay, thăng trầm của kịch nói qua nhiều thời kỳ.
“Có thể nói rằng, kịch nói bước vào thời kỳ huy hoàng nhất vào cuối thập niên 60, đầu thập niên 70. Tôi vẫn nhớ mãi, khi còn học lớp 1, tôi đã mê mẩn vở kịch “Quẫn” của nhà viết kịch Lộng Chương, đạo diễn Trần Hoàn dàn dựng. Tôi thích thú tột độ vai ông Đại Cát do nghệ sĩ Trần Tiến đóng. Cứ mỗi tối, nhà hát diễn là tôi lại trốn học qua xem và khi về lại bị chị gái đánh cho một trận do không chịu làm bài tập.
Tôi cũng nhớ mãi những buổi tối sân khấu kịch của Nhà hát Nhân dân chật kín chỗ. 1000 chỗ ngồi không thừa một ghế nào, thậm chí có người còn ngồi cả lối đi mà xem. Kịch nói là một loại hình nghệ thuật phản ánh trực diện các vấn đề nóng hổi của thời cuộc nhưng lại rất hấp dẫn khán giả.
Ngày xưa, các vị nghệ sĩ tiền bối đến với khán giả bằng một tâm hồn rất hồn nhiên, trong sáng. Họ diễn bằng cả trái tim và đam mê cháy bỏng của mình. Thật tiếc, ngày nay, những điều đó đã không còn nữa. Sân khấu đang loay hoay với muôn vàn thách thức và cần lắm những cú hích để vượt khỏi sự loay đó. Tôi mong Bộ VHTT&DL sẽ có những giải pháp để vực dậy sân khấu, phải cứu sân khấu khi còn kịp”, NSƯT Trần Lực chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.