Ninh Bình: Huyện Kim Sơn có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân gần 60 triệu đồng/người/năm

Vũ Văn Thượng Thứ tư, ngày 26/10/2022 14:05 PM (GMT+7)
Đến nay, toàn huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) đã có 23/23 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu,…Đặc biệt, qua điều tra, khảo sát đến năm 2022, thu nhập bình quân toàn huyện Kim Sơn đạt 57,2 triệu đồng/người/năm.
Bình luận 0

Kim Sơn có vị trí địa lý thuận lợi

Kim Sơn là huyện ven biển duy nhất của tỉnh Ninh Bình thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, nằm ở Đông Nam của tỉnh Ninh Bình cách thành phố Ninh Bình 28 km. Bên cạnh đó, diện tích tự nhiên của huyện Kim Sơn là 239,78 km2, dân số trên 187 nghìn người, bao gồm 23 xã, 2 thị trấn.

Kim Sơn (Ninh Bình): Thu nhập bình quân gần 60 triệu đồng/người/năm - Ảnh 1.

Kim Sơn là huyện ven biển duy nhất của tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Vũ Thượng

Với vị trí địa lý tương đối thuận lợi, tiếp giáp biển Đông có chiều dài gần 18km cùng những đa dạng sinh học nổi bật đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Đặc biệt, với các tuyến đường bộ, đường thủy chạy qua tạo điều kiện cho huyện Kim Sơn trong việc giao lưu kinh tế với các huyện lân cận, thúc đẩy nền kinh tế xã hội của địa phương phát triển theo hướng toàn diện trong giai đoạn tới.

Kim Sơn (Ninh Bình): Thu nhập bình quân gần 60 triệu đồng/người/năm - Ảnh 2.

Huyện Kim Sơn hệ thống sông ngòi dày đặc. Ảnh: Vũ Thượng

Ngoài ra, Kim Sơn có vị trí tương đối bằng phẳng, không có địa hình đồi núi xen lẫn, độ cao thấp dần ra phía biển, nghiêng theo hướng Bắc-Nam và Đông-Tây. Huyện nằm trong vùng bờ biển được bồi tụ, tốc độ bồi tụ cao nhất dải ven biển Bắc Bộ, hàng năm mở ra biển khoảng 60-80 m làm tăng diện tích tự nhiên của huyện lên khoảng 100 ha.

Cùng với đó, hệ thống sông ngòi dày đặc đã tạo nên cho huyện Kim Sơn có nguồn tài nguyên nước tương đối dồi dào để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện…

Bước đầu xây NTM tại huyện Kim Sơn

Trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, điều kiện kinh tế - xã hội huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) còn gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình nhất là về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống điện - đường-trường-trạm, giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, trụ sở làm việc của các xã còn hạn chế so với yêu cầu.

Kim Sơn (Ninh Bình): Thu nhập bình quân gần 60 triệu đồng/người/năm - Ảnh 3.

Người dân xã Kim Trung (huyện Kim Sơn) vệ sinh ao để ươm con hàu giống. Ảnh: Vũ Thượng

Đồng thời, trong phát triển sản xuất nông nghiệp còn chậm, quy mô manh mún, nhỏ lẻ, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác năm 2009, mới đạt 77,3 triệu đồng/ha/năm;..

Ngoài ra, năm 2010, huyện Kim Sơn thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 11,1 triệu đồng. Đặc biệt, chưa có xã nào đạt so với tiêu chí 10 của Bộ tiêu chí quốc gia NTM. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2009, theo chuẩn giai đoạn 2006-2010 của các xã trên địa bàn huyện Kim Sơn là 8,58% (toàn huyện là 8,32%).

Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 ,theo chuẩn giai đoạn 2011-2015, là 16,99% (toàn huyện là 16,46%). Các hộ nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ thông qua chế độ, chính sách xã hội, đặc biệt được tập huấn trang bị kiến thức để chủ động phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo.

Kim Sơn (Ninh Bình): Thu nhập bình quân gần 60 triệu đồng/người/năm - Ảnh 4.

Đến nay, huyện Kim Sơn đã hoàn thiện hồ sơ quy hoạch vùng gửi cơ quan chức năng xem xét, thẩm định. Ảnh: Vũ Thượng

Ngoài ra, công tác lập quy hoạch vùng huyện, cũng như công tác lập quy hoạch chung xây dựng NTM của các xã, còn một số hạn chế dẫn đến phải điều chỉnh bổ sung cục bộ quy hoạch.

Công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề phát triển còn chậm, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn. Môi trường nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm.

Công tác tuyên truyền và phát động phong trào thi đua chưa đủ mạnh và thường xuyên; phong trào chưa đồng đều giữa các vùng; trong xây dựng NTM đang coi trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa thực sự quan tâm đến các hoạt động ở cộng đồng dân cư và nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, phát triển văn hóa, cải thiện môi trường,...

Cả hệ thống chính trị "bắt tay" xây dựng NTM

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh Ninh Bình về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Kim Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện hệ thống tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện từ huyện đến cơ sở.

Kim Sơn (Ninh Bình): Thu nhập bình quân gần 60 triệu đồng/người/năm - Ảnh 5.

Trụ sở UBND huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) được xây dựng khang trang. Ảnh: Vũ Thượng

Đối với cấp huyện lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của huyện, thường xuyên kiện toàn đảm bảo chỉ đạo thực hiện chương trình có hiệu quả. Giai đoạn 2021-2025 gồm 30 người, do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban.

Hiện tại, ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện Kim Sơn luôn bố trí nguồn lực để hỗ trợ xây dựng NTM. Cụ thể, theo Đề án số 02/ĐA-UBND ngày 07/12/2020 của UBND huyện Kim Sơn: Thưởng xây dựng công trình phúc lợi cho xã đạt chuẩn NTM 500 triệu đồng/xã; xã đạt chuẩn NTM nâng cao: 200 triệu đồng/xã; xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu: 300 triệu đồng /xã.

Kim Sơn (Ninh Bình): Thu nhập bình quân gần 60 triệu đồng/người/năm - Ảnh 6.

Xã Lai Thành một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới huyện Kim Sơn. Ảnh: Vũ Thượng

Đặc biệt, thưởng cho thôn (xóm) đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu: 50 triệu đồng/thôn (xóm) để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Ngoài ra, còn hỗ trợ kinh phí mua xi măng cho các xã làm đường giao thông thôn, xóm: 13,25 tỷ đồng. Hỗ trợ nhà văn hóa thôn (xóm) xây mới: 0,6 tỷ đồng (12 nhà văn hóa thôn, xóm),…

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm chính trị cao, các chính sách linh hoạt, phù hợp, cùng với sự tham gia chủ động, tích cực của người dân…Các địa phương đã chủ động khắc phục khó khăn ban đầu để dần từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.

Các tổ chức chính trị - xã hội đồng lòng xây dựng NTM

Phát huy vai trò của người dân trong xây dựng Nông thôn mới (NTM), thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp chính quyền địa phương vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua xây dựng NTM thông qua các phong trào

Kim Sơn (Ninh Bình): Thu nhập bình quân gần 60 triệu đồng/người/năm - Ảnh 7.

Đường NTM được trồng hoa xanh tốt tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Vũ Thượng

Cụ thể như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường"; "Ngày thứ bảy xanh, ngày chủ nhật sạch"; Phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội…

Đặc biệt phải kể đến các cấp Hội Nông dân huyện Kim Sơn với các mô hình: "Nói không với thực phẩm bẩn", "Bể chứa rác, bao bì thuốc bảo vệ thực vật", "Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ"…

Kim Sơn (Ninh Bình): Thu nhập bình quân gần 60 triệu đồng/người/năm - Ảnh 8.

Các cấp Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Kim Đông, huyện Kim Sơn. Ảnh: Vũ Thượng

Từ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội...tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Kim Sơn đã có những chuyển biến tích cực, thay đổi rõ rệt, chuyển dịch theo hướng hàng hóa, an toàn, hiệu quả. Năm 2021, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 179,5 triệu đồng/ha/năm.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, huyện Kim Sơn đã chuyển dịch theo hướng từ năng suất sang chất lượng, đặc sản, sản xuất theo hướng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Kim Sơn (Ninh Bình): Thu nhập bình quân gần 60 triệu đồng/người/năm - Ảnh 9.

Bà Lê Thị Xuyến (xã Kim Đông, huyện Kim Sơn) với mô hình đào ao trên vườn nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp thu lời gần 400 triệu đồng/năm. Ảnh: Vũ Thượng

Trong chăn nuôi từ nhỏ lẻ từng bước chuyển sang chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại, gia trại và ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất chăn nuôi như: Cho ăn, uống bằng hệ thống tự động; theo dõi bằng camera; xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín,…

Xây dựng NTM thu nhập người dân tăng cao từng năm

Do xuất phát điểm thấp, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao nên năm 2011, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện Kim Sơn mới đạt 13 triệu đồng/người/năm.

Kim Sơn (Ninh Bình): Thu nhập bình quân gần 60 triệu đồng/người/năm - Ảnh 10.

Giáo dân thuộc Giáo xứ Hợp Thành (xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) đồng lòng xây dựng NTM. Ảnh: Vũ Thượng

Để nâng cao đời sống nhân dân, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Kim Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp,…để nâng cao thu nhập nhân dân. Bên cạnh hỗ trợ của nhà nước, các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách,…được giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần nhằm vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập.

Qua đó, thu nhập bình quân đầu người hàng năm trên địa bàn huyện Kim Sơn liên tục tăng. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, mỗi năm thu nhập bình quân tăng khoảng 4,7 triệu đồng so với năm trước liền kề, tương đương tăng 15%/năm.

Kim Sơn (Ninh Bình): Thu nhập bình quân gần 60 triệu đồng/người/năm - Ảnh 11.

Một hộ nông dân ở xã Lai Thành (huyện Kim Sơn) nuôi con ốc nhồi làm giàu. Ảnh: Vũ Thượng

Riêng năm 2021, nền kinh tế của huyện chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, không chỉ ngành công nghiệp, dịch vụ mà ngành thủy sản cũng bị thiệt hại nặng nề do không có thị trường đầu ra. Vì thế , thu nhập bình quân đầu người của huyện cũng bị ảnh hưởng và không tăng so với năm 2020.

Tuy vậy với đà phục hồi mạnh mẽ, năm 2022, các ngành, các thành phần kinh tế của huyện đã đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và có bước tăng trưởng nhảy vọt. Theo điều tra, khảo sát đến năm 2022, thu nhập bình quân toàn huyện đạt 57,2 triệu đồng/người/năm (Khu vực nông thôn đạt 53,5 triệu đồng; khu vực thành thị đạt 59,5 triệu đồng).

Kim Sơn (Ninh Bình): Thu nhập bình quân gần 60 triệu đồng/người/năm - Ảnh 12.

Kim Sơn đã hoàn thiện hồ sơ để thẩm định huyện đạt chuẩn NTM mới năm 2022. Ảnh: Vũ Thượng

Có được một kết quả ấn tượng như trên, ngoài việc phát triển mạnh các ngành kinh tế của huyện, một lượng tiền lớn đã được chuyển về Kim Sơn bởi trên 10 nghìn lao động đang làm việc tại các thành phố lớn, các tỉnh thành phía nam và người đi xuất khẩu lao động.

"Đến nay, toàn huyện Kim Sơn đã có 23/23 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, trong đó 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 33 thôn, xóm đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, huyện Kim Sơn đã hoàn thiện các tiêu chí và thủ tục, hồ sơ để trình các Sở ban ngành thẩm tra kết quả thực hiện các tiêu chí huyện NTM, để huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2022", ông Nguyễn Văn Hải-Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Kim Sơn cho biết.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem