1.001 cách làm ăn: Làm tương

Thứ năm, ngày 01/08/2013 19:24 PM (GMT+7)
Một anh bạn từ Mỹ về phàn nàn với tôi: “Sao Việt Nam không giữ lại món tương – loại nước chấm độc đáo và tuyệt vời…”.
Bình luận 0
Tôi đưa anh đi Hải Phòng. Qua phố Bần, tôi chỉ cho anh hàng vạn chai tương xếp kín cả một dãy phố. Anh cho biết, anh đã ăn thử nhưng nó không thể ngon như ngày xưa các cụ đã làm. Tôi đem vấn đề này hỏi nhiều người. Tất cả đều gật gù: “Làm sao ngon được như trước!”. Té ra, ta đang mất dần một niềm tự hào mà ông cha ta đã gây dựng nên…

Bà con có thắc mắc hay mong muốn được chia sẻ, tư vấn về các vấn đề liên quan đến hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, học tập kinh nghiệm từ các mô hình, điển hình làm giàu từ nghề nông... có thể gửi câu hỏi về email: ketnoinhanong@gmail.com để được chuyên gia tư vấn, giải đáp.

Tương là một loại nước chấm vừa ngọt, vừa thơm. Thời nhỏ, tôi thường được mẹ giao cho việc đến các chùa để mua tương và mua cà bát ngâm tương. Tới nay, mình đã sắp “về với các cụ” rồi mà vẫn không thể nào quên được món tương ngày đó. Sao ta không khôi phục lại món tương mà các cụ đã để lại?!

Có lẽ hơn 30 năm chiến tranh khốc liệt với muôn vàn thiếu thốn nên việc trau chuốt cho những món ăn ngon đã bị lãng quên. Họ cũng làm tương nhưng chỉ chú ý tới số lượng. Cũng là tương nhưng mặn chát, thua xa nước mắm loại 2. Có lẽ đã đến lúc bà con ta phải quyết tâm làm lại vại tương cho thật thơm ngon. Nguyên liệu làm tương hết sức đơn giản. Nó gồm có đậu tương, muối và gạo nếp (hoặc gạo tẻ hay ngô xay). Dụng cụ cũng chỉ toàn những thứ sẵn có như chum vại, rổ rá, nia, mẹt, nồi niêu…

Có 2 bước phải làm là ủ mốc cơm và ủ bột đậu tương.

Ta nấu cơm (hay tốt nhất là đồ xôi) sao cho chín dẻo. Ta dỡ chúng ra nia hay mẹt, dàn đều ra. Dùng lá nhãn phủ lên trên. Tới ngày thứ 3, ta dỡ lá nhãn ra, dùng tay vò tơi hạt cơm, san đều và lại phủ lá nhãn lên trên.

Tới ngày thứ 8, nếu thấy mốc vàng mọc kín trên mặt các hạt cơm là tốt. Ta lại xoa cho đều rồi phủ tiếp lá nhãn lên. Sau 3 ngày nữa, mốc vàng màu như hoa cải mọc đều khắp mẹt là tốt (nếu thấy mốc đen mọc lên là không tốt, phải bỏ và làm lại). Ta cho mốc vào chum. Cứ 3 bát mốc thì thêm 1 bát muối và 3 bát nước sạch. Cứ làm thế cho tới đầy chum. Khuấy đều rồi đậy kín và ủ trong một tuần.

Bước thứ 2 là rang, xay đỗ tương. Ta chọn đỗ phải tốt, hạt đều, không mọt. Đem chúng đi rửa kỹ, để khô rồi đem đi rang. Phải rang cho chín đều hạt tương. Sau đó, đưa tương đi nghiền thành bột. Ta cho bột tương vào hũ và đổ nước sạch vào, làm sao khi khuấy lên thấy như cháo là được. Ta lấy 2 lớp vải màn buộc kín miệng hũ rồi đậy nắp lên. Cứ sáng sớm, dùng đũa cả khuấy đều lên một lần rồi đậy lại.

Làm liên tục trong 2-3 ngày. Tới ngày thứ 4, thứ 5 ta thấy có hiện tượng sủi bọt, nghe lục bục, lúc đó, ta đổ chum đựng mốc và hũ bột đỗ đã ngâm vào một chum thứ ba. Chế thêm nước vào, đặc hay loãng là tùy ta. Đem chum ra phơi hàng ngày (từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều). Mỗi ngày khuấy đều một lần rồi đậy lại. Chỉ 10 hôm sau là ta có tương để ăn. Để càng lâu tương càng ngon.

Ở quê mình, nhà nào cũng nên làm tương.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng phụ trách | Email: 1001cachlaman@gmail.com (Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng phụ trách | Email: 1001cachlaman@gmail.com)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem