1001 cách làm ăn: Trồng khoai từ, khoai vạc kinh tế hơn hẳn trồng lúa

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng phụ trách Email: 1001cachlaman@gmail.com Thứ sáu, ngày 22/08/2014 07:12 AM (GMT+7)
Dân ta chả lạ gì loại củ này. Thời chiến tranh nhiều nơi trồng kín đồi. Nó không cần thu một lúc. Ta cứ để cây trên đồi coi như cái kho dự trữ. Lúc nào đói, ta lại lên đào chúng về để ăn. Ăn toàn củ từ, củ vạc thì chóng ngán lắm! Nhưng xét về mặt kinh tế thì trồng chúng hơn hẳn trồng lúa. 
Bình luận 0

Có nơi tính, trồng nó cho thu nhập gấp 5-7 lần trồng lúa! Vậy, sao ta không để ý tới các loại củ này.

Củ từ, củ vạc đều thuộc họ củ nâu. Ở Việt Nam, củ từ, củ vạc được trồng ở khắp nơi. Tuy nhiên, những vùng đồi gò, đất cao thường trồng nhiều hơn. Nó là những loại cây dễ trồng, dễ sống và có khả năng chịu hạn tốt hơn nhiều loại cây khác. Đặc biệt, chúng ít sâu bệnh. Chả mấy khi phải lo trừ sâu bệnh cho củ từ, củ vạc.


img

 

Bọn này có nhiều giống: Riêng khoai từ có 2 giống, còn khoai vạc có 4 giống. Bình quân mỗi khóm ta cũng thu được 2-3kg. Riêng với giống mỡ đầu rồng (thuộc loại khoai vạc) thì mỗi khóm có thể cho ta tới 7-8kg củ. Củ của chúng có hình đầu rồng, vỏ màu nâu sẫm, thịt củ lại trắng. Loại củ này ăn ngon, được nhiều người ưa thích.

Tháng sau là bắt đầu được thu các loại củ từ, củ vạc. Người ta thường thu từ tháng 9 đến tháng 11. Nếu định trồng, ta cần liên hệ giống ngay từ bây giờ để tới tháng 2 sang năm là đã xuống giống. Ta có thể trồng tập trung hay phân tán. Ở nông thôn, bà con hay trồng tận dụng hay gọi là trồng phân tán. Bên các cây to quanh nhà, họ đào hố và cho phân chuồng đã ủ hoai mục vào.

Sau đó, lấp đất và trồng chúng vào. Cũng có thể trồng chúng trên mương, trên đồi theo cách thức này. Tuy nhiên, nếu trồng theo hình thức tập trung, thâm canh thì có lợi hơn. Ta chọn những đồi, gò có độ dốc vừa phải và độ mòn còn tương đối để trồng chúng.

Đất phải được làm sạch cỏ, xới xáo cho tơi xốp và lên luống theo đường đồng mức. Với 1 sào Bắc Bộ, ta bón nót cho chúng 4-5 tạ phân chuồng, 4-5kg đạm, 10-15kg lân và 2-4kg kali. Ta cắm cọc để làm giàn cho chúng leo lên. Có thể cắm chéo hoặc cắm kiểu cầu vồng.

Nếu trồng thâm canh, ta nên chọn những giống có chất lượng tốt như: Mỡ trắng số 9, vạc hương một tím hoặc từ lông số 1. Ta có thể trồng nguyên củ (nếu là củ nhỏ) hoặc cắt củ ra thành 6-8 miếng để trồng.

Ta cắt thành những miếng có kích cỡ rộng 5cm và dài từ 5-7cm, sau đó chấm chúng vào tro bếp rồi để khô trong giâm. Khi khô hẳn vết cắt thì ta mới đưa chúng đi trồng.

Khi trồng lưu ý, đặt củ giống tiếp xúc với phân. Mỗi hốc đặt 1-2 miếng giống. Sau đó ta lấp đất và phủ rơm rạ hoặc ràng ràng lên trên. Nếu không gặp mưa thì ta nên tưới cho chúng để sớm nẩy lộc và vươn lên giàn. Sau khi trồng 4 tháng là cây đã có củ.

Lúc này nên xới xáo thận trọng, tránh làm hỏng củ. Tới mùa thu hoạch, ta chọn những của có mã đẹp, không sâu bệnh và buộc túm lại, treo nơi mát mẻ, khô ráo hoặc để dưới gầm giường để giữ giống cho năm sau.

Ta có thể đào lên ăn ngay hoặc để củ ở gốc tới vài năm cũng không bị hỏng...

Dễ như vậy, sao không trồng khoai từ, khoai vạc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem