|
Tiêu huỷ lợn trong vùng dịch ở Tiền Giang. |
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Thú y vùng IV, dịch tai xanh đã được phát hiện ra tại 2 xã là Hòa Khương và Hòa Liên thuộc huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng). Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia cầm - gia súc huyện Hòa Vang, chỉ trong 3 ngày (từ 30-7 đến 1-8) có 200 con heo của 45 hộ dân thuộc 3 xã Hòa Khương, Hòa Phước, Hòa Liên (huyện Hòa Vang) bị chết.
Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm xác định dương tính với virus gây bệnh tai xanh (PRRS). Còn ở Đồng Nai, ngày 26 - 7, dịch tai xanh đã xảy ra trên đàn lợn của 2 hộ chăn nuôi ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu với 81 con mắc bệnh. Tại tỉnh Bình Phước ngày 18 - 7, dịch tai xanh đã xảy ra trên đàn lợn của 1 hộ gia đình tại xã Thạnh An, huyện Hớn Quán. Số lợn mắc bệnh là 55 con trong đó có 17 con chết. Số lợn này đã được tiêu huỷ theo quy định.
13 tỉnh hiện có dịch tai xanh là Nghệ An, Cao Bằng, Sóc Trăng, Quảng Trị, Tiền Giang, Lào Cai, Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Phước và Đà Nẵng.
Trong những ngày qua, dịch tai xanh vẫn tiếp tục bùng phát ổ dịch mới tại các địa phương đang có dịch. Ngày 29 - 7, dịch tiếp tục được phát hiện tại 76 hộ gia đình thuộc 3 xã mới là An Thái Trung (Cái Bè), Thạnh Trị (Gò Công Tây) và Tân Thới (Tân Phú Đông - huyện mới có dịch). Số lợn mắc bệnh trong các xã mới là 644 con trong tổng đàn 1.491 con.
Trước đó ngày 28 - 7, dịch được phát hiện tại 4 hộ gia đình thuộc 3 xã mới là Tân Phong (Cai Lậy), Song Bình và Bình Phục Nhứt (Chợ Gạo). Như vậy, tính từ 20 - 6 đến nay, tỉnh Tiền Giang đã phát hiện dịch tai xanh tại 93 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị làm 13.377 con lợn mắc bệnh, trong đó 5.598 con lợn bị chết và tiêu hủy.
Cũng từ ngày 26 đến 30 - 7, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã phát hiện dịch tai xanh ở 11 xã, phường thuộc 9 huyện, thị. Như vậy, từ ngày 11- 6 đến nay, tại tỉnh này, dịch tai xanh đã xảy ra tại 46 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thành phố làm 2.058 con lợn mắc bệnh bị tiêu hủy trong tổng đàn 3.862 con.
Theo nhận định Cục Thú y, dịch lợn tai xanh đang lây lan với tốc độ nhanh, trong đó việc người chăn nuôi bán chạy lợn bệnh đã khiến dịch bệnh lây lan nhanh nhất. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do chủ trương hỗ trợ 70% giá trị cho mỗi con lợn đem tiêu huỷ của Chính phủ có từ lâu, nhưng nhiều nông dân vẫn chưa biết.
Tham gia một trong những đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT tại một số địa phương ở Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng, Cà Mau, cuối tuần qua, ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Trung tâm Thú y vùng VI cho biết: Tại một số địa phương, nhiều người chăn nuôi trả lời không có ai phổ biến chính sách hỗ trợ để tự giác khai báo lợn bị dịch, tiêu huỷ nhận tiền hỗ trợ.
Trách nhiệm này thuộc về cơ quan thú y và chính quyền các cấp. Nhiều nơi chính quyền địa phương không những không làm tốt vai trò tuyên truyền mà còn cố ý giấu dịch, không dám công bố, gây thiệt hại cho nhiều nơi khác.
Vân Anh - Hoà Bình - Nguyễn Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.