13.000 hộ nông dân được "vua" mía đường kết nối vay 1.000 tỷ đồng

Quốc Hải Thứ tư, ngày 09/01/2019 17:49 PM (GMT+7)
Nông dân các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Gia Lai, Đak Lak, Bình Thuận và cả... Campuchia, vừa được Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) “kết nối” để vay tối đa lên tới 3 tỷ đồng/hộ từ nguồn vốn của Ngân hàng Phương Đông (OCB), với mức lãi suất rẻ nhất thị trường.
Bình luận 0

img

Ký kết hợp tác giữa TTC Sugar và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCM) để phát triển ngành đường bền vững. 

Cụ thể, mức lãi suất cho vay chương trình này là 9,6%/năm, áp dụng cho các khoản vay trung dài hạn và được OCB cố định trong suốt thời gian cho vay.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) cho biết, nhu cầu vay vốn của nông dân để đầu tư nông nghiệp rất lớn do không chỉ trồng mà còn đầu tư cơ giới, máy móc để phát triển sản xuất. Từ trước đến nay, Tập đoàn TTC nói chung và TTC Sugar nói riêng đã cho gần 13.000 hộ nông dân trồng mía tại các tỉnh thành có nhà máy của TTC vay với tổng dư nợ lên đến 1.000 tỷ đồng.

Do vậy, TTC đã thảo luận kỹ với OCB và tiến hành ký kết hợp đồng hợp tác giữa OCB và TTC Sugar. Theo đó, OCB sẽ thay TTC cho các hộ nông dân này vay vốn, chính sách vẫn đảm bảo duy trì như hiện tại. Lãi suất áp dụng cho các khoản vay trung dài hạn và được OCB cố định trong suốt thời gian cho vay.

Đối tượng vay sẽ là người từ 18 - 70 tuổi, có nhu cầu vay vốn để trồng, chăm sóc mía và có ký hợp đồng cam kết bán mía cho TTC. Nơi trồng mía được hưởng chính sách trên là các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Nai, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Thuận và Campuchia. Số tiền vay tối đa lên đến 3 tỷ đồng, thời gian vay cao nhất 36 tháng, tương đương 2 vụ trồng mía. Gốc và lãi được trả vào cuối vụ thu hoạch.

“Chính sách hỗ trợ này sẽ là động lực mạnh mẽ giúp người nông dân yên tâm đầu tư, canh tác vì đã có sự hỗ trợ từ Tập đoàn TTC và OCB”, ông Thành thông tin.

img

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công chia sẻ: Từ trước đến nay, có khoảng 13.000 hộ nông dân trồng mía được hỗ trợ nguồn vốn vay từ TTC Group với tổng giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng...

Cũng theo chia sẻ từ “ông vua mía đường” Đặng Văn Thành, khoản vay này gần như khép kín và ngân hàng có thể dễ dàng quản lý nguồn thu thông qua hợp tác với TTC. Theo đó,  cuối vụ sau khi nông dân bán mía cho TTC, TTC sẽ thanh toán tiền cho nông dân vào tài khoản nông dân mở tại OCB và ngân hàng trích nợ tự động để thu nợ.

Do cho vay đúng người nông dân đang canh tác, phương án cho vay khả thi, đầu ra chắc chắn, năng suất đủ cạnh tranh nên khoản vay này gần như không có rủi ro. Về phía nông dân, họ cũng được lợi khi Ngân hàng cho vay vì Ngân hàng cho vay sẽ đúng chức năng hơn và nguồn vốn cũng dồi dào hơn. Trong thời gian tới, khi nhu cầu đầu tư của người nông dân tăng lên thì nguồn vốn của Ngân hàng rót cho nông dân dự kiến cũng sẽ tăng lên.

Được biết, bên cạnh việc thay TTC Group giải ngân nguồn vốn khoảng 1.000 tỷ đồng cho khoảng 13.000 hộ nông dân trồng mía, OCB cũng cung cấp các giải pháp tài chính cho nhóm khách hàng là doanh nghiệp mua đường của TTC Sugar với rất nhiều ưu đãi vượt trội như: Tỷ lệ tài sản tài trợ lên đến 95% hoặc không tài sản, miễn phí chuyển tiền, giảm 30% phí bảo lãnh, lãi suất cho vay chỉ từ 8%/năm…

Với tổng diện tích vùng nguyên liệu 62.300 hecta, tổng công suất 49.000 tấn mía/ngày, tổng sản lượng đường tiêu thụ 846.000 tấn, Tập đoàn TTC đã và đang góp phần nâng cao chuỗi giá trị, năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường Việt Nam.

Mới đây, TTC Sugar đã thực hiện phát triển 50 mô hình liên kết “4 nhà” (nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp) với tổng diện tích 533 hecta trong vụ ép 2017 - 2018. Dự kiến vụ ép 2018 - 2019 sẽ phát triển thêm 58 mô hình với tổng diện tích 1.000 hecta. Việc phát triển mô hình cánh đồng liên kết giúp ứng dụng được cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, qua đó giảm chi phí canh tác và tăng năng suất. Ngoài ra, TTC Sugar còn thực hiện chính chính sách hỗ trợ cho người trồng mới mía đầu tư hệ thống tưới tự động; hỗ trợ trực tiếp cho các công đoạn trồng mía gồm tiền công làm đất, cày ngầm bón phân, phân bón vi sinh... nhằm hướng đến tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, duy trì lợi nhuận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem