16.000 căn nhà được người nước ngoài mua nhưng luật vẫn… chưa thông

Quốc Hải Thứ năm, ngày 04/08/2022 16:09 PM (GMT+7)
Khảo sát sơ bộ của HoREA, có thể số người nước ngoài đã mua khoảng 16.000 căn nhà, chiếm khoảng 0,85% tổng số nhà ở trong cả nước giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, hiện pháp luật liên quan đến việc người nước ngoài mua nhà vẫn… chưa thông.
Bình luận 0
Có thể có tới 16.000 căn nhà khắp cả nước được người nước ngoài mua nhưng luật vẫn… chưa thông - Ảnh 1.

Có thể số người nước ngoài đã mua khoảng 16.000 căn nhà, chiếm khoảng 0,85% tổng số nhà ở trong cả nước... Ảnh minh họa: IT

Số người nước ngoài có thể đã mua khoảng 16.000 căn nhà

Từ ngày 1/7/2015 (Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực) đến 31/8/2020 về thực hiện chính sách cho phép người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp, được mua và sở hữu 01 nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại trong thời hạn tối đa 50 năm (có thể được gia hạn nếu có nhu cầu), trừ khu vực bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, qua thống kê sơ bộ, khảo sát 17 tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn, đã có 12.335 người nước ngoài mua nhà tại nước ta, trong đó, có 10.020 người mua nhà tại TP.HCM, chiếm đến 81,2%.

Giả định số lượng trên chiếm 70% toàn quốc, thì tổng số người nước ngoài đã mua khoảng 16.000 căn nhà, chiếm khoảng 0,85% tổng số nhà ở trong cả nước giai đoạn 2015-2020.

Có thể có tới 16.000 căn nhà khắp cả nước được người nước ngoài mua nhưng luật vẫn… chưa thông - Ảnh 2.

Người mua nhà quan tâm đến các dự án tiện ích... Ảnh: Nova

"Chính sách cho người nước ngoài sở hữu nhà tại nước ta, đã khẳng định nước ta "mở cửa" và tương đồng với pháp luật của các nước trên thế giới, nhằm mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và cũng là hình thức "xuất khẩu tại chỗ", kích cầu tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người nước ngoài sau khi mua nhà", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định.

"Bộ Quốc phòng thời gian qua cũng đã cảnh báo về tình trạng một số người nước ngoài "mua chui" bất động sản, kể cả dùng thủ đoạn "nhờ" doanh nghiệp hoặc cá nhân người Việt đứng tên mua nhà tại một số địa điểm "nhạy cảm", có ảnh hưởng đến quốc phòng và an ninh…", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA.

Theo ông Châu, việc thực hiện chính sách cho người nước ngoài sở hữu nhà ở, bước đầu đã có tác động tích cực đối với thị trường bất động sản, và cũng chưa có dấu hiệu tác động tiêu cực quá lớn đối với người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp trong việc tạo lập nhà ở.

Tuy nhiên, HoREA cũng lưu ý, hiện nay có một số nước đang điều chỉnh chính sách cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà.

Chẳng hạn, Hàn Quốc điều chỉnh theo hướng thắt chặt hơn, để chống tình trạng đầu cơ. Hoặc, tình trạng người nước ngoài mua quá nhiều nhà, dẫn đến giá nhà tăng cao, làm cho người bản địa có thu nhập trung bình và có thu nhập thấp khó tạo lập nhà (như Australia)…

"Mở cửa" cho người nước ngoài mua nhà vẫn còn nhiều vướng mắc

Theo HoREA, việc "mở cửa" cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà thời gian qua còn một số "vướng mắc" cần được điều chỉnh để lành mạnh hóa thị trường, dễ dàng kiểm soát với phân khúc này.

Thứ nhất, Luật Nhà ở 2014 ban hành sau Luật Đất đai 2013, nên Điều 5 Luật Đất đai quy định về "người sử dụng đất", chưa có đối tượng sử dụng đất là "cá nhân nước ngoài".

Thứ 2, Khoản (2.d) Điều 174 Luật Đất đai quy định: "Thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam", chưa cho phép thế chấp tại ngân hàng ở nước ngoài.

Có thể có tới 16.000 căn nhà khắp cả nước được người nước ngoài mua nhưng luật vẫn… chưa thông - Ảnh 4.

Phần lớn người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đến từ các nước thuộc khu vực Đông Á, Đông Nam Á, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore. Ảnh: Nova

Trong lúc Việt kiều, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà thì có nhu cầu thế chấp nhà gắn liền với quyền sử dụng đất tại ngân hàng của nước ta, hoặc tại ngân hàng ở nước ngoài. Mà theo luật pháp quốc tế thì nếu có tranh chấp về bất động sản, thì xử lý theo pháp luật của nước có bất động sản tọa lạc.

Thứ 3, "vướng mắc" trong việc xác định dự án nhà ở thương mại nằm ngoài khu vực bảo vệ quốc phòng, an ninh để được bán nhà cho cá nhân nước ngoài. Và "vướng mắc" trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) cho người nước ngoài nên không kịp thời, làm cho người mua nhà bị bức xúc và không được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Cuối cùng, chưa có khung pháp lý để giải quyết nhu cầu của chủ sở hữu nhà là người nước ngoài khi bán lại nhà ở và trong trường hợp dự án nhà ở thương mại đã hoàn thành bàn giao, trở thành khu dân cư thông thường.

Điều này do quy định của Luật Nhà ở, người nước ngoài chỉ được mua nhà tại các dự án nhà ở thương mại (có thể hiểu là không được mua nhà trong khu dân cư thông thường), cũng chưa có hướng dẫn về việc người nước ngoài có nhu cầu bán lại nhà cho người nước ngoài khác.  

"Vì vậy, HoREA đề nghị Luật Nhà ở (sửa đổi) đi đôi với sửa đổi đồng bộ các quy định của pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản sẽ bổ sung các quy định cụ thể để vừa tạo điều kiện thông thoáng cho cá nhân nước ngoài mua nhà ở và sở hữu nhà ở, vừa đảm bảo yêu cầu về bảo vệ quốc phòng, an ninh", ông Lê Hoàng Châu đề xuất.

"Phần lớn người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đến từ các nước thuộc khu vực Đông Á, Đông Nam Á, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore. Trong lúc người nước ngoài thuộc khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, New Zealand, Nhật Bản thường lựa chọn thuê nhà.

Đặc biệt, lần đầu tiên đã có 1 người nước ngoài được bầu làm Trưởng ban quản trị một dự án nhà chung cư cao cấp tại phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức...." , HoREA, thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem