Tỉnh Cao Bằng vừa có 2 món ăn đặc sản lọt "Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam" năm 2020 - 2021 và xôi trám đen và bánh coóng phù (bánh trôi).
Hội đồng thẩm định Top Việt Nam, Viện Kỷ lục Việt Nam vừa ban hành Quyết định xác lập top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2020 - 2021) và top đặc sản quà tặng Việt Nam (2020 - 2021) trong hành trình tìm kiếm, quảng bá các giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam.
Trong đó, món ăn xôi trám và bánh coóng phù (bánh trôi) Cao Bằng được bình chọn theo Bộ tiêu chí top món ăn đặc sản Việt Nam.
1. Đặc sản Cao Bằng: Xôi trám đen
Cây trám đen có nhiều ở miền núi. Xưa kia cây chỉ mọc trên rừng, nay người dân đã mang về trồng và nhân rộng ở vườn nhà. Thân cây cao to, thẳng. Phải trồng lâu năm mới cho ra quả. Quả trám đen khi chín có màu tím than, to bằng ngón tay cái, hình bầu dục, phần cuống có nhựa vàng.
Thứ quả được nhiều người ưa thích, mỗi năm chỉ có đúng vào mùa thu nên khi thu hoạch chỉ có thể dùng sào đập cho quả rụng chứ không trèo lên chặt cành. Người trồng luôn bảo vệ cây của mình để cho mùa vụ năm sau vẫn trĩu quả.
Trám có hai loại: trám trắng và trám đen. Nhìn bề ngoài hai giống trám này không khác nhau nhiều. Thân cây đều vươn cao và thẳng, lớp vỏ ngoài đều màu trắng xám, gỗ xốp nên ít khi người miền núi sử dụng. Quả trám trắng khi chín chuyển từ màu xanh lá mạ sang màu vàng rơm và tự rụng; trám đen màu xanh nhạt sẽ dần ngả sang màu tím rồi tím đen và không tự rụng mà phải trèo lên dùng sào đập rụng.
Trám đen không sai quả như trám trắng. Trám đen cao to thành cổ thụ cũng hiếm gặp. Do vậy, năng suất của trám trắng và trám đen có sự chênh lệch. Trám đen lại có mùi vị lạ bùi thơm ngon nên giá trị cũng khác.
Cách làm xôi trám đơn giản lại thơm, ngon, bổ. Khách có thể mua tại các phiên chợ vùng cao, thị trấn, thành phố làm quà, để nhớ mãi hương vị đậm đà của trám, một trong những đặc sản đặc trưng ở Cao Bằng.
Để xôi ngon, đẹp, thơm phải bắt đầu từ việc chọn quả trám. Quả phải chín mọng, tươi, căng. Đem về rửa sạch, cho trám và nước vào nồi om đều tay. Khi nào nước nóng già tắt bếp đậy vung để trám mềm, tím đỏ (chú ý nếu để nước sôi thì hỏng trám vì quả không mềm).
Với xôi trám, sau khi om trám mềm, bóc vỏ, bỏ hạt đem cùi trám xào với dầu, mắm, muối, bột canh, hành khô và trộn đều với xôi đã đồ chín. Khi trám bám đều, hạt xôi tạo thành màu phớt tím là được. Chỉ vậy thôi mùi xôi thơm đã bay đầy bếp, đầy sân. Trong hơi gió thơm phảng phất mùi hương nhựa trám, vị thơm của nếp nương cùng với sắc màu hấp dẫn. Hương vị của nó cũng thanh thoát, nhẹ bẫng như chính sắc tím tự nhiên. Khi ăn, ta có cảm giác sần sật, beo béo lại bùi lẫn trong hạt nếp dẻo quánh. Hương thơm của nếp quyện lẫn với hương thơm của vị trám thành một hương thơm khó tả, khó quên. Đặc biệt xôi trám đen dẻo nhưng không hề dính đầu ngón tay.
2. Đặc sản Cao Bằng: Bánh cóong phù
Bánh trôi hay còn gọi là coóng phù là một món quà vặt mỗi khi đông về ở Cao Bằng. Những viên bánh nặn tròn xoe hay thuôn dài nhân lạc và vừng giã nhỏ, chan nước đường nấu gừng thơm nồng luôn thu hút các thực khách.
Bánh trôi hay còn gọi là coóng phù là một món quà vặt mỗi khi đông về ở Cao Bằng. Những viên bánh nặn tròn xoe hay thuôn dài nhân lạc và vừng giã nhỏ, chan nước đường nấu gừng thơm nồng luôn thu hút các thực khách.
Ở Thành phố Cao Bằng, có rất nhiều quán bánh trôi ngon, trong chợ Xanh hay các con phố, món ẩm thực quen thuộc này được bán ở bất cứ đâu nhất là khi trời chuyển lạnh.
Nguyên liệu để làm bánh trôi đơn giản và dễ chuẩn bị, gồm: gạo nếp, đường, lạc, vừng, gừng. Gạo nếp ngon đem ngâm, pha thêm một ít gạo tẻ, sau đó mang xát thành bột nước, cho vào túi vải treo để ráo nước rồi nhào bột khi có độ dẻo vừa đủ. Nhân bánh là lạc rang giã nhỏ, có thể trộn thêm đường và hạt vừng. Bát bánh trôi thường có 2 viên, viên tròn không nhân và viên dài hình bầu dục nhân lạc vừng. Nhiều quán trộn bột với gấc hoặc ngâm gạo với lá cẩm tím, lá sau sau... để tạo thêm màu sắc và hương vị khác cho bánh trôi. Nước chan bánh trôi cũng có hai loại: nước đường gừng và nước đường cốt dừa.
Những người sành ăn và người bán bánh trôi lâu năm đều cho rằng, bánh trôi ngon là phải chọn được gạo nếp ngon, dẻo và thơm, khi nặn viên bánh không cứng, lúc chín không bị nát. Nước đường gừng phải thơm ngon đạt đến độ vị ngọt của đường quyện trong vị gừng cay. Để đạt được như vậy đường phải là đường phên của Cao Bằng bào nhỏ, khi nấu nước đường phải giữ sôi liu riu trên bếp đến khi đường cô lại vừa phải, nước đường sánh vàng, hương vị đậm đà, ngọt vừa phải khi chan bánh mới hòa quyện vào nhau.
Ngoài ra, lạc làm nhân ngon cũng phải là lạc đỏ, vừng rang thơm, giã bằng cối đá cho nhuyễn khi cho vào bánh không bị vỡ, có độ kết dính... tất cả các công đoạn đều phải tỉ mỉ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đây là 2 trong số rất nhiều món ăn đặc sản của tỉnh Cao Bằng nổi tiếng từ xưa đến nay, được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Đây sẽ là cơ hội để tỉnh Cao Bằng tiếp tục quảng bá những món ngon, ẩm thực, đặc sản đến với đồng bào cả nước, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa ẩm thực của vùng đất biên cương phía Bắc của Tổ quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.