2 "mũi nhọn" giúp thay đổi ngay bộ mặt ngành điều tỷ đô

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 29/03/2018 19:30 PM (GMT+7)
Tốc độ tăng trưởng giữa ngành chế biến và trồng trọt ngày càng xa nhau khi sản lượng điều trong nước chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu xuất khẩu. Mục tiêu giảm lượng tăng chất được đặt ra với cả ngành trồng trọt lẫn chế biến trong năm 2018, với 2 giải pháp căn cơ, đó là đẩy mạnh thâm canh bằng giống tốt và tăng cường chế biến sâu.
Bình luận 0

Do ảnh hưởng thời tiết và sâu bệnh, niên vụ 2017, sản lượng điều thô Việt Nam giảm 40% nhưng sản lượng toàn cầu không giảm. Chất lượng điều trong nước cũng xấu ở cả 3 giai đoạn đầu, giữa và cuối mùa.

Cần giống điều tốt

img

Ngành điều đặt mục tiêu “giảm lượng tăng chất” trong chế biến xuất khẩu. Ảnh: Ngọc Minh

Theo Vinacas, kế hoạch năm 2018, toàn ngành thống nhất mục tiêu “giảm lượng tăng chất” trong chế biến xuất khẩu. Cụ thể, sản lượng sẽ giảm từ 362.700 tấn điều nhân các loại năm 2017 xuống còn 300.000 tấn năm 2018. Tương ứng kim ngạch xuất khẩu giảm từ 3,62 tỷ USD xuống còn 3 tỷ USD năm 2018. 

Bình Phước là một trong những tỉnh đi đầu trong phong trào trồng điều hữu cơ. Từ năm 2016, ông Dụng Quý Đông, chủ trang trại Quý Đông ở huyện Đồng Phú đã bắt đầu trồng 150ha điều hữu cơ.

Theo ông Đông, nhu cầu tiêu thụ hạt điều tăng ổn định, sản lượng gia tăng bình quân 10%/năm. Đánh giá cao tiềm năng và nhu cầu thực phẩm sạch, dự kiến năm 2018, ông Đông tiếp tục mở rộng diện tích điều hữu cơ lên tới 300ha.

Theo tính toán, chi phí từ cày đất, cải tạo mặt bằng, cây giống, phân thuốc và công chăm sóc cho 3 năm đầu khoảng 10-11 tỷ đồng/năm. Chăm sóc đúng kỹ thuật, sản lượng thu được từ năm thứ 4 trở đi trung bình từ 2,5-3 tấn/ha, mức tăng sản lượng hàng năm là 10% cho đến khi cây điều 10 tuổi.

Thế mạnh của cây điều là tuổi thọ và không kén đất như nhiều loại cây trồng khác. Nếu sản lượng trung bình hàng năm khi cây 5-6 năm tuổi đạt 2,5-3 tấn/ha thì với giá bán trung bình từ 30.000-40.000 đồng/kg như nhiều năm qua, số tiền thu về đạt từ 80 - 100 triệu đồng. Trừ chi phí chăm sóc theo hướng hữu cơ bền vững khoảng 30-35 triệu đồng/ha, sẽ lãi khoảng 50 -70 triệu đồng/ha. Đây là một số tiền không nhỏ so với các loại cây công nghiệp khác hiện tại.

Tuy nhiên, ngoài vấn đề thời tiết, công chăm sóc, giống tốt là một thế yếu đối với cây điều. Giống của cây điều ghép hiện không đồng nhất, thường biến đổi đến 50% so với cây mẹ. Còn cây giống trồng từ hạt thực sinh, độ biến đổi so với giống mẹ lên đến 85%.

Đẩy mạnh thâm canh

TS Nguyễn Như Hiến (Cục Trồng trọt) chia sẻ, về lâu dài cần có giống tốt, thích nghi với thời tiết cực đoan. Tuy nhiên cơ cấu giống điều chưa phù hợp, công tác chọn tạo giống chưa được quan tâm đúng mức. Từ năm 1999 đến nay, mới chỉ có 13 giống điều được chọn tạo và công nhận cho sản xuất thử, chưa có giống nào được công nhận chính thức cho sản xuất.

Cũng theo ông Hiến, quản lý và chuyển giao giống điều ở các địa phương còn nhiều hạn chế, dẫn đến tỷ lệ diện tích điều giống mới chỉ đạt 32,3% diện tích toàn quốc.

Để khắc phục tình trạng trên, ngành trồng trọt sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo giống điều mới trổ hoa từ 2-3 đợt, thích ứng biến đổi khí hậu và phù hợp sinh thái từng vùng. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác thâm canh điều. Thực tiễn cho thấy, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, năng suất điều nâng cao từ 25-60%.

Giai đoạn 2014-2017, Ban Nông nghiệp thuộc Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã triển khai hàng trăm điểm ghép cải tạo vườn điều và các lớp đào tạo ghép điều cho nông dân tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận. Năm 2017, Vinacas đã tổ chức đánh giá và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động này trong giai đoạn tiếp theo.

Theo báo cáo của tỉnh Bình Phước, trong gần 91.000ha diện  tích được đầu tư thâm canh, có 32% (42.000ha) diện tích cho năng suất trên 20 tạ/ha; 2.000ha đầu tư thâm canh theo quy trình đạt năng suất từ 35-50 tạ/ha. Còn tại tỉnh Bình Dương có 100ha ở xã An Bình (huyện Phú Giáo), trong đó có 20ha thâm canh đạt 30 tạ/ha. Lâm Đồng và Đồng Nai cũng có nhiều hộ có quy mô diện tích trên 5ha đạt năng suất 30-35 tạ/ha.

Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Vinacas cho biết đã gửi văn bản đề nghị Bộ NNPTNT sớm công nhận giống tốt PN1 và thận trọng trong việc triển khai giống mới hạt lớn có nguồn gốc ngoại lai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem