29/30 quận, huyện ở Hà Nội bùng phát dịch sốt xuất huyết

Diệu Thu Thứ hai, ngày 07/09/2015 12:15 PM (GMT+7)
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông tin với phóng viên về tình hình dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội.
Bình luận 0

Theo ông Trần Đắc Phu, trong 8 tháng đầu năm 2015, dịch sốt xuất huyết đã bùng phát trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt, đến thời điểm này, Hà Nội đã có 29/30 quận, huyện bùng phát dịch sốt xuất huyết.

Cũng theo con số thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tính đến hết tháng 7.2015 trên địa bàn Hà Nội là 693 ca. Riêng tháng 7, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội là 357 ca mắc trong khi cả 5 tháng trước đó cộng lại chỉ có 168 ca. Như vậy, số ca mắc đã tăng trên 200%.

img

Sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng mạnh ở Hà Nội

Do đó, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng đã có buổi họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thành phố Hà Nội để tìm cách ứng phó.

Tại cuộc họp, Hà Nội cho biết, sẽ giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân, tổ chức cấp cứu điều trị kịp thời không để tử vong.

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ tổ chức phun hoá chất triệt để ổ dịch, đồng thời triển khai chiến dịch phun hoá chất tại các vùng có nguy cơ cao với sự tham gia vào cuộc của các ngành nhằm vận động tất cả các hộ gia đình trong khu vực phải được phun hoá chất và phun tất cả các tầng nhằm tiêu diệt được muỗi mang mầm bệnh với tỷ lệ cao và hiệu quả.

Tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện cho biết, đa phần bệnh nhân nhập viện muộn vì không nghĩ mình bị sốt xuất huyết. Bệnh nhân đến khám phần lớn đều tưởng mình sốt virus. Do đó, việc nhập viện muộn không chỉ khiến bệnh nhân ở tình trạng nặng mà còn kéo dài thời gian điều trị. Bệnh cũng dễ bị chẩn đoán nhầm sang sốt phát ban, nhiễm siêu vi, viêm họng…

“Khi người dân bị sốt cao không nên tự điều trị tại nhà mà hãy đến khám để được bác sĩ tư vấn, theo dõi”, ông Nguyễn Văn Kính cảnh báo.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, sốt xuất huyết là bệnh do muỗi vằn truyền, bệnh chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Ổ bọ gậy nguồn truyền bệnh sốt xuất huyết tập trung ở những vật dụng chứa nước trong như: chậu, lọ cắm hoa, cây cảnh, những dụng cụ chứa nước trên tất cả các tầng, sân thượng, lan can... tại các hộ gia đình.

Do đó, để phòng tránh dịch sốt xuất huyết nguy hiểm, người dân giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, dẹp bụi rậm, đổ nước tù đọng trong các chum vại, lọ nước hoa và những vũng nước quanh nhà, thả cá vào bể nước, vại nước để diệt bọ gậy... Khi làm việc, đi chơi tại các vùng có nhiều muỗi thì nên mặc quần áo dài, bôi thuốc diệt muỗi, nằm ngủ nên mắc màn”, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo

Triệu chứng sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch. Bệnh có triệu chứng:

- Sốt cao, 39-40 độ C liên tục trong 3-4 ngày. Người mệt mỏi, phát ban, buồn nôn.

- Xuất huyết dưới da, nổi chấm màu đỏ, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Đối với phụ nữ có thể rong kinh.

- Đau bụng: Bệnh nhân có thể có cảm giác khó chịu, đau bụng, nôn ói…

- Sốc: Mệt, li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh, tiểu ít, đi cầu ra máu. Sốc là dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc trẻ đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết.

(Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem