Theo Bộ Y tế, năm nay sốt xuất huyết hoành hoành từ rất sớm và sẽ kéo dài đến tháng 10 năm nay. Hiện số người mắc vẫn tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại BV. (Ảnh minh họa)
Tại TP.HCM, đến đầu tháng 8/2015, tổng số ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận lên tới 6.104 trường hợp, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2014. Dự báo, bệnh đang có chiều hướng tiếp tục tăng nhanh trong tháng 8 và tháng 9.
Trong khi đó, theo con số thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tính đến hết tháng 7/2015 trên địa bàn Hà Nội là 693 ca. Riêng tháng 7, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội là 357 ca mắc trong khi cả 5 tháng trước đó cộng lại chỉ có 168 ca. Như vậy, số ca mắc đã tăng trên 200%. Dịch sốt xuất huyết phân bố rải rác ở 164 xã, phường của 29 quận, huyện.
Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện cho biết, đa phần bệnh nhân nhập viện muộn vì không nghĩ mình bị sốt suất huyết. Bệnh nhân đến khám phần lớn đều tưởng mình sốt virus. Do đó, việc nhập viện muộn không chỉ khiến bệnh nhân ở tình trạng nặng mà còn kéo dài thời gian điều trị. Bệnh cũng dễ bị chẩn đoán nhầm sang sốt phát ban, nhiễm siêu vi, viêm họng…
“Do đó, người dân bị sốt cao không nên tự điều trị tại nhà mà hãy đến BV khám để được bác sĩ tư vấn, theo dõi”, ông Nguyễn Văn Kính cảnh báo.
Trao đổi với phóng viên sáng 15/8, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp và sẽ kéo dài đến hết mùa mưa (tháng 10/2015). Hiện tại, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn kiểm tra, giám sát tình hình sốt xuất huyết trong cả nước.
Cách kiểm tra các dụng cụ chứa ổ sốt xuất huyết theo khuyến cáo của Bộ Y tế
Theo ông Phu, sốt xuất huyết là bệnh do muỗi vằn truyền, bệnh chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Ổ bọ gậy nguồn truyền bệnh sốt xuất huyết tập trung ở những vật dụng chứa nước trong như: chậu, lọ cắm hoa, cây cảnh, những dụng cụ chứa nước trên tất cả các tầng, sân thượng, lan can... tại các hộ gia đình.
Vào mùa hè các bổ bọ gậy thường tập trung ở các khay nước thải điều hòa, dụng cụ chứa nước thải tủ lạnh. Ngoài ra, bọ gậy còn có trong các dụng cụ chứa nước như bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, xô, chậu, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh, các đồ vật hoặc đồ phế thải, bát kê chạn, hốc cây, lon, hũ, chai, lọ phế thải, mảnh vỡ chum, vại, lốp xe, vỏ dừa,... Trên các nhà cao tầng cũng có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Do đó, để phòng tránh dịch sốt xuất huyết nguy hiểm, người dân cần hiểu đúng về sự phát triển và truyền bệnh của muỗi vằn nên chưa tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
“Người dân giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, dẹp bụi rậm, đổ nước tù đọng trong các chum vại, lọ nước hoa và những vũng nước quanh nhà, thả cá vào bể nước, vại nước để diệt bọ gậy... Khi làm việc, đi chơi tại các vùng có nhiều muỗi thì nên mặc quần áo dài, bôi thuốc diệt muỗi, nằm ngủ nên mắc màn”, PGS.TS. Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.