3 Bộ và 28 đối tác ký kết phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người

Khương Lực Thứ ba, ngày 23/03/2021 14:21 PM (GMT+7)
Ngày 23/3, tại Hà Nội, Bộ NNPTNT đã tổ chức lễ ký kết vào Thỏa thuận khung Đối tác Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu chính của thỏa thuận khung đối tác là giảm thiểu nguy cơ lan truyền các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm từ động vật và môi trường sang người.
Bình luận 0

Tham dự lễ ký kết có khoảng 140 đại biểu từ 60 cơ quan trong nước và quốc tế.

Tại lễ ký kết, 31 đối tác bao gồm 3 Bộ và 28 đối tác phát triển quốc tế và trong nước đã cùng ký kết vào Thỏa thuận khung Đối tác Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người giai đoạn 2021-2025.

Có 60-70% bệnh truyền nhiễm lây lan từ động vật, 31 đối tác ký kết phòng chống - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cùng Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân và ông Kamal Maholtra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đồng chủ trì Lễ ký kết Đôi tác Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Khương Lực.

Bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người "gây hậu quả khôn lường"

Theo Bộ NNPTNT, những minh chứng khoa học cho thấy có trên 60% bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật và khoảng 70% trong số này có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

Tại khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam được xác định là một trong năm "điểm nóng" toàn cầu có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây bệnh từ động vật sang người, bao gồm các bệnh lây truyền từ vật nuôi và động vật hoang dã.

Có 60-70% bệnh truyền nhiễm lây lan từ động vật, 31 đối tác ký kết phòng chống - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại lễ ký kết Thỏa thuận khung Đối tác Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người giai đoạn 2021-2025.. Ảnh: Khương Lực.

Những thách thức về sức khỏe cộng đồng của mầm bệnh trên động vật, kể cả động vật hoang dã như: H5N1, H7N6, đặc biệt là vi rút SARS-CoV-2, nguyên nhân gây đại dịch Covid-19. Những bệnh này xuất phát từ mối tương tác con người - động vật - hệ sinh thái và có khả năng gây hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người, sinh kế, sự phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác. 

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, kinh tế toàn cầu năm 2020 suy giảm nghiêm trọng ở mức âm 5,2%. Thu nhập bình quân đầu người giảm 3,6% và khiến cho 70-100 triệu người rơi vào nghèo đói cùng cực, gia tăng nguy cơ mất ổn định xã hội.

Hơn 40% các ngành sản xuất, kinh doanh của các quốc gia phải chịu tác động trực tiếp từ các biện pháp phong tỏa dịch bệnh. Sự bùng phát của dịch bệnh càng thổi bùng thêm những thách thức vốn tiềm ẩn trong môi trường chính trị - kinh tế - xã hội của thế giới và mỗi khu vực.

"Dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng từ năm 2020 cuốn đi thành quả của nhân loại đã tích lũy trong nhiều thập kỷ, cướp đi sinh mạng nhiều triệu người, làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo và đe dọa cuộc sống của hàng triệu người trên khắp thế giới" - ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NNPTNT nói.

31 đối tác ký kết phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người

Tại lễ ký kết, các đại biểu tái khẳng định, cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng chống bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người và tăng cường vai trò đầu mối, chủ trì của Bộ NNPTNT đối với Khung đối tác Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người.

Có 60-70% bệnh truyền nhiễm lây lan từ động vật, 31 đối tác ký kết phòng chống - Ảnh 3.

Ông Kamal Maholtra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, thế giới hiện nay rất dễ bị tổn thương đối với việc lây lan vi rút từ động vật và nó có thể gây ra rất nhiều bệnh truyền nhiễm ở người và những tác động vô cùng lớn. Ảnh: Khương Lực.

Phát biểu tại buổi lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, lễ ký kết khung Đối tác Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người giai đoạn 2021-2025 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hết sức phức tạp mà nguyên nhân đang được cho là dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Vì thế, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tới sự hợp tác, chung tay của các Đối tác Một sức khỏe tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025. 

"Chúng tôi rất mong muốn nhận được sự hợp tác hỗ trợ về tri thức kinh nghiệm, khuyến nghị về chính sách, tài chính từ các đối tác phát triển trong nước và quốc tế để duy trì phát huy vai trò và thế mạnh có một sức khỏe Việt Nam đã góp phần phát huy hiệu quả tốt một sức khỏe trên cùng một hệ sinh thái về con người - động vật – môi trường" - ông Tiến nói.

Một sức khỏe đã được thử nghiệm cũng như tăng cường thông qua nhiều giai đoạn và các sự kiện ở Việt Nam từ việc thành công phong tỏa cũng như kiểm soát SARS năm 2003 cũng như giảm thiểu các mối đe dọa của cúm gia cầm và rất nhiều các bệnh khác từ động vật lây truyền sang người tại Việt Nam, cũng như hiện nay đối với việc kháng kháng sinh.

Ông Kamal Maholtra - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, Đối tác Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người và cuộc chiến chống Covid-19, ông Kamal Maholtra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận định, lễ ký của khung hợp tác hôm nay cho thấy sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam và các đối tác trong việc phối hợp tiếp tục giảm thiểu các nguy cơ dịch bệnh từ động vật sang người. 

"Một sức khỏe đã được thử nghiệm cũng như tăng cường thông qua nhiều giai đoạn và các sự kiện ở Việt Nam từ việc thành công phong tỏa cũng như kiểm soát SARS năm 2003 cũng như giảm thiểu các mối đe dọa của cúm gia cầm và rất nhiều các bệnh khác từ động vật lây truyền sang người tại Việt Nam, cũng như hiện nay đối với việc kháng kháng sinh" - ông Kamal Maholtra nhận định.

Theo ông Kamal Maholtra, các bệnh gây ra đại dịch có nguồn gốc từ rất nhiều các sinh vật khác nhau, chủ yếu là từ động vật và chúng ta có thể kể tới sự thay đổi như: về sử dụng đất đai, mở rộng sản xuất nông nghiệp đô thị hóa, việc buôn bán và tiêu dùng và động vật hoang dã.

"Đại dịch Covid-19 là lời nhắc nhở cho chúng ta thấy rằng thế giới hiện nay đều rất dễ bị tổn thương đối với việc lây lan vi rút từ động vật và nó có thể gây ra rất nhiều những bệnh dịch ở người và những tác động vô cùng lớn" - ông Kamal Maholtra lưu ý.

Chính vì thế, ông Kamal Maholtra bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và cộng tác với các Đối tác phát triển trong nước và quốc tế trong việc triển khai Khung Một sức khỏe trong những năm tới.

Nhân dịp này, các đối tác lâu năm và tích cực của Đối tác Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người bao gồm Giám đốc quốc gia, đại diện của EU, ADB, WHO, UNICEF, FAO, JICA, KOICA... đã đưa ra kế hoạch, hoạt động về Một sức khỏe tại Việt Nam.

Các đối tác khẳng định sự ủng hộ, đồng hành và cam kết cao nhằm hỗ trợ và thực hiện mục tiêu trong Thỏa thuận Khung đối tác: "Giảm thiểu nguy cơ lan truyền các tác nhân gây bệnh từ động vật và môi trường sang người và kháng kháng sinh thông qua tăng cường phối hợp đa ngành sử dụng phương pháp tiếp cận Một sức khỏe".

Khung Đối tác Một sức khỏe giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành quả của giai đoạn 2016-2020 thông qua sự hợp tác, điều phối đa ngành giữa các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 Bộ gồm: NNPTNT, Y tế, Tài nguyên và Môi trường.

Cùng với đó là sự hỗ trợ về tài chính, tri thức, kinh nghiệm từ các Đối tác phát triển quốc tế và trong nước nhằm đảm bảo tính toàn diện phối hợp thống nhất trong cách thức can thiệp, xử lý dịch bệnh truyền nhiễm khi xảy ra, cùng nhau chia sẻ đối thoại thực hành tốt và đối thoại chính sách liên quan đến bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem