3 ngày có tới 1.000 xe nông sản được xuất khẩu sang Trung Quốc
3 ngày có tới 1.000 xe nông sản được xuất khẩu sang Trung Quốc, 'thông tin ùn ứ là không chính xác'
Minh Ngọc
Thứ năm, ngày 14/09/2023 16:21 PM (GMT+7)
Trả lời Báo điện tử Dân Việt chiều 14/9, lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) cho biết, tình hình xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn diễn ra bình thường, không ùn tắc và năng lực thông quan đang tăng dần theo ngày.
Vài ngày trở lại đây, rộ lên thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu một số loại hoa quả từ Việt Nam, từ đó lực lượng chức năng tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn tạm dừng làm thủ tục thông quan mặt hàng hoa quả. Tuy nhiên, trả lời Báo điện tử Dân Việt, ông Hoàng Khánh Duy - Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) khẳng định, những thông tin trên là không chính xác.
Theo báo cáo của Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), ngày 12/9 có 302 xe, ngày 13/9 có 376 xe và ngày 14/9 có 380 xe hoa quả được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Duy cho biết, tại 2 cửa khẩu chính là Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh trong 3 ngày từ 12-14/9 đã có 1.058 xe chở hoa quả được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo ông Duy, 6 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn đang thực hiện làm thủ tục thông quan hàng hóa bình thường; trong đó, cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là hai cửa khẩu có hoạt động biên mậu sôi động nhất với mặt hàng thông quan chủ yếu là hoa quả tươi, chiếm khoảng 70 - 85% tổng lượng hàng xuất khẩu.
"Hiện tình hình xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn vẫn diễn ra bình thường, không ùn tắc và năng lực thông quan đang tăng dần theo ngày", ông Duy nói.
Về phía Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội cho biết, hiện chưa có doanh nghiệp nào phản ảnh việc bị Trung Quốc ngừng nhập khẩu sầu riêng và các loại hoa quả khác.
Trước đó, liên quan đến thông tin hàng trăm container chuối, mít, sầu riêng, thanh long... chuẩn bị xuất sang Trung Quốc bất ngờ nhận được công văn từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) yêu cầu tạm dừng xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, đây là hoạt động thường kỳ và được thực hiện nhiều năm nay với nhiều thị trường chứ không chỉ riêng thị trường Trung Quốc.
Riêng với thị trường Trung Quốc, đây là đợt thông báo thứ 4 về tạm dừng, thu hồi, khắc phục các biện pháp không tuân thủ vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật của phía Trung Quốc.
Cũng theo bà Hương, sau khi nhận được thông báo không tuân thủ vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật từ Trung Quốc, Cục sẽ thông báo địa phương về mã số nào vi phạm, hành vi vi phạm là gì, và đề nghị thời gian nhất định gửi hồ sơ khắc phục về phía Cục để Cục gửi sang phía Hải quan Trung Quốc, trên cơ sở đó họ sẽ xem xét phục hồi lại các mã số này. Đây là với trường hợp vi phạm lần đầu.
Với những cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng vi phạm nhiều lần thì vẫn là tạm dừng, xác định nguyên nhân, khắc phục, nộp hồ sơ gửi lại. Hoặc yêu cầu địa phương thu hồi mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói này.
Tuy nhiên, việc thông báo khắc phục, thu hồi hay tạm dừng thì cũng dựa theo nguyên tắc đó là: Không làm ảnh hưởng tới thương mại, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sản xuất kinh doanh, của người xuất khẩu; không đánh đồng đơn vị tốt với đơn vị vi phạm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định không có lô hàng nào ùn ứ ở cửa khẩu, tuy nhiên, những lô hàng có mã số bị thông báo vi phạm sẽ bị kiểm tra chặt hơn.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan, tính đến hết tháng 8/2023, xuất khẩu rau quả đạt 3,55 tỷ USD, tăng 61,8% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua con số 3,36 tỷ USD của cả năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng đạt gần 1,3 tỷ USD (90% thị trường Trung Quốc). Ngoài ra, các loại trái cây khác cũng được Trung Quốc tăng mua như: Chuối, mít, thanh long, dưa hấu...
Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu với kim ngạch xuất khẩu 2,26 tỷ USD, chiếm 63,6% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả của nước ta trong 8 tháng năm 2023. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu rau quả sang thị trường này 8 tháng năm nay tăng mạnh 133,6% và tăng 47,7% so với tổng kim ngạch cả năm 2022 (1,53 tỷ USD).
Hiện Việt Nam có 16 mặt hàng thực vật đang được xuất khẩu sang Trung Quốc gồm: Chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo, gạo, khoai lang, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm, ớt, chanh leo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.