Sáng 5.6, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến đối với kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật".
Theo báo cáo của Đoàn giám sát, phần lớn các địa phương trong nhiều năm chưa phát hiện thấy trường hợp nào làm oan người vô tội. Tuy nhiên, có một số địa phương lại để xảy ra nhiều trường hợp làm oan như: Sóc Trăng (7 người), Khánh Hòa (6 người), Thanh Hóa (5 người), Vĩnh Phúc (4 người), Đắk Lắk (4 người), Cần Thơ (4 người), Bến Tre (3 người), Bình Phước (3 người), Quảng Trị (2 người), Cà Mau (2 người), Đà Nẵng (2 người) và một số địa phương khác mỗi tỉnh 1 người.
Vụ 7 thanh niên bị oan ở Sóc Trăng đã được bồi thường.
"Hầu hết các trường hợp bị oan trong những năm gần đây đều được các cơ quan có thẩm quyền tố tụng qua kiểm tra, phát hiện và cơ bản được khắc phục, xử lý ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố. Nhưng, cũng có trường hợp bị oan chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người bị oan" - ông Nguyễn Văn Hiện (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội) cho biết.
Cũng theo ông Hiện, qua giám sát thấy tình trạng khởi tố, điều tra, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do hành vi không cấu thành tội phạm, do miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu làm oan người vô tội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã nêu ví dụ như vụ Trần Văn Đề (Bình Phước) bị khởi tố, bắt giam về tội “Không chấp hành bản án” là sai, có dấu hiệu làm oan. Bởi, bản án dân sự có hiệu lực pháp luật có những sai lầm, trong đó có nội dung buộc ông Đề phải làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất cho ông Trần Văn Năng trái với Luật Đất đai nên ông Đề không thể thi hành bản án đó (trách nhiệm này thuộc UBND huyện Chơn Thành, Bình Phước).
Vụ thứ hai là vụ Đặng Công Văn, Bùi Văn Quỳnh (Ban quản lý chợ Đồng Xoài, Bình Phước) đã thi hành xong quyết định xử lý hành chính, xử lý kỷ luật được hơn 3 năm, nhưng sau đó vẫn bị khởi tố về tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". "Như thế là làm sai, có dấu hiệu làm oan vì đã xử lý hai lần cùng một hành vi vi phạm pháp luật" - ông Hiện cho hay.
Góp ý vào báo cáo, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) tỏ ra băn khoăn vì tình hình oan sai trong 3 năm qua còn diễn biến phức tạp, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
"Báo cáo mới chỉ nêu số người bị oan sai chứ không nêu số vụ, với 71 người bị oan, tỉ lệ thấp nhưng tính chất rất nghiêm trọng. Những vụ án điển hình phần lớn đã xảy ra từ 5-7 năm, 10 năm, thậm chí 16 năm mà khi nói đến cả nước đều biết như vụ Nguyễn Thanh Chấn, Lê Bá Mai, Hồ Duy Hải" - đại biểu Sơn nói.
Đại biểu Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) cho rằng: Bức cung, nhục hình là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan sai. Theo báo cáo, số vụ xảy ra rất ít, nhưng phải có biện pháp chấm dứt vấn đề này vì hậu quả của nó rất nghiêm trọng.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) để cập đến chuyện chậm bồi thường cho người bị oan sai. Theo bà Khá, nếu chậm thì cần phải nêu rõ nguyên nhân là gì, do đâu để tháo gỡ, giải quyết. Bên cạnh đó, những người làm oan sai bị xử lý thế nào cần phải được nêu rõ trong báo cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.