Sáng 28 Tết, tôi gặp Nguyễn Văn Kiên hiện đang là sinh viên năm thứ 3, quê ở Gia Bình (Bắc Ninh) “tay nải” tất bật từ quê lên Hà Nội để nhận trông nhà thuê trong những ngày Tết.
“Mình vừa được nghỉ học về quê lấy mấy cái bánh chưng, 1 con gà và một cái giò, như thế là cũng đủ thực phẩm để cùng với người cậu của mình trông nhà thuê cho một khu tập thể ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) bắt đầu từ hôm nay cho đến hết mùng 5 Tết. Năm thứ 3 làm công việc này nên giờ cũng quen rồi.
Tết đến, hầu như ai cũng muốn đoàn tụ bên những người thân yêu nhưng mình muốn tranh thủ những ngày này kiếm tiền đóng học phí, hỗ trợ một phần gánh nặng cho bố mẹ”, Kiên nói.
Hiện gia đình Kiên còn một em trai năm tới cũng sẽ thi đại học, bố mẹ đều làm ruộng nên ngay từ năm đầu đại học, Kiên đã nhờ một người cậu nhận hợp đồng trông nhà thuê, sau những ngày Tết xa nhà, Kiên cũng kiếm đủ cả nửa năm học phí, đỡ đần bố mẹ.
Ông Nguyễn Sỹ Tụng đang niêm phong nhà ở quận Hoàng Mai (Hà Nội).
Theo Kiên, công việc trông nhà ngày Tết cũng không hề đơn giản, ngay từ ngày 27 Tết đã phải đi từng nhà kiểm kê tài sản, niêm phong cửa và phân công, túc trực suốt đêm để “canh” tài sản cho chủ nhà.
Khu tập thể Kiên nhận trông cùng với người cậu có hơn 300 hộ gia đình nhưng lại có địa hình rộng theo kiểu nhà dãy cấp 4, đan xen là một số hộ vẫn ở lại ăn Tết nên nếu không tinh mắt có thể sẽ bị kẻ gian trà trộn trộm đồ.
“Khi đi kiểm kê tài sài, mình thấy hầu hết các hộ gia đình ở khu tập thể này đều có đủ các vật dụng sinh hoạt trong gia đình như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy điều hoà... chỉ cần mất bất cứ một thứ gì trong số đó thì có lấy tất cả tiền công trông nhà trong những ngày Tết ra đền cũng không đủ đền một nửa. Do đó, đội của mình có 3 người thường xuyên thay nhau túc trực 24/24 để đảm bảo tài sản cho những gia chủ đã thuê”.
Cùng chung công việc trông nhà như kiên, ông Nguyễn Sỹ Tụng là cán bộ về hưu cũng tranh thủ những ngày Tết nhận hợp đồng trông nhà cho những hộ ở ngay cùng khu tập thể tại quận Hoàng Mai (Hà Nội).
“Khu tập thể này có đặc điểm là phần lớn các hộ đều thuê nhà hoặc đã mua nhà nhưng ăn Tết ở quê như Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An... Để họ yên tâm về quê ăn Tết, từ nhiều năm nay ban quản trị khu đều thu 400.000 đồng một hộ thuê người trông nhà. Tôi ăn Tết ở đây nên cũng nhận hợp đồng trông nhà luôn cho các hộ trong khu tập thể và gọi thêm một số bà con thân thiết ở quê lên trông nhà trong những ngày Tết”, ông Tụng nói.
Cũng theo ông Tụng, trước đây, có trường hợp về quê ăn Tết, ở khu tập thể này đã bị kẻ gian cạy cửa vào còn ngang nhiên nấu ăn trong nhà, sau đó khiêng hết đồ dùng sinh hoạt từ ti vi, tủ lạnh, máy giặt... của chủ nhà lên ô tô trở đi.
Do đó, khi về quê ăn Tết, nhiều hộ gia đình ở khu tập thể này không yên tâm, đề nghị Ban quản trị khu tập thể phải đứng ra tìm người trồng nhà hộ. Cũng từ đó, ông Tụng đứng ra đảm nhiệm trọng trách này và đến nay vẫn đảm bảo an toàn tài sản cho các hộ gia đình.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào dịp Tết ở Hà Nội, người dân về quê hay đi du lịch ngày càng nhiều do được nghỉ dài ngày nên nhu cầu thuê người trông nhà cũng tăng đột biến. Có rất nhiều dịch vụ trông nhà khác nhau, có chủ nhà thuê cho cà người trông nhà vào trong nhà ở, tiện thể thắp hương thờ cúng tổ tiên cho chủ nhà trong những ngày đi vắng nhưng cũng có chủ nhà chỉ thuê trông ở xung quanh bên ngoài, còn cửa thì niêm phong.
Tết năm nay, nhu cầu thuê người trông nhà tăng đột biến. Theo thống kê của một số công ty bảo vệ, đến hết ngày 28 Tết là họ đã khoá sổ, không nhận thêm hợp đồng vì không tìm được đủ người để trông nhà.
Giá dịch vụ trông nhà cũng tăng đáng kể, từ mức 700 - 1.200.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, khi qua công ty, những người trông nhà trực tiếp thường chỉ nhận được mức thù lao trung bình 300 đến 600.000 đồng/ngày.
Với mức thu nhập hấp dẫn, nhiều người sẵn sàng xa gia đình và những người thân yêu để kiếm tiền, mưu sinh giữa những ngày Tết.
Thanh Xuân (Thanh Xuân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.