Biển đêm "dậy sóng"
Theo quy định hàng TNTX được nhập từ các nước Châu Âu qua Việt Nam là nơi trung chuyển, sau đó chuyển sang nước khác. Ở Quảng Ninh, hàng TNTX được đưa về Móng Cái sau đó được đưa sang Trung Quốc, chủ yếu qua đường biển.
Nhiều chủ hàng đang lợi dụng điều này để buôn lậu bằng cách chọn thời điểm đêm tối và những nơi địa hình phức tạp ở vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc để xé lẻ mặt hàng này, chuyển sang các xuồng cao tốc vận chuyển ngược về nội địa Việt Nam tiêu thụ.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, hoạt động buôn lậu theo kiểu này thường diễn ra trên vùng biển cửa khẩu cảng Vạn Gia.
Biển Vạn Gia "dậy sóng" mỗi khi màn đêm buông xuống.
Cảng biển Vạn Gia được coi là nơi thanh vắng, êm đềm, nhưng thực tế “sóng ngầm” buôn lậu, các mưu toan hòng che mắt, vượt qua lực lượng chức năng ở đây vẫn âm thầm diễn ra khi màn đêm buông xuống. Các đối tượng buôn lậu chọn nơi đây để qua hàng vì từ cảng Vạn Gia ra đến vùng biển quốc tế có hải trình ngắn.
Để chở các mặt hàng siêu lợi nhuận này, các đối tượng buôn lậu sử dụng các tàu cao tốc được lắp từ 4 đến 8 máy công suất lớn (1.000 - 2.000CV), gấp đôi, gấp ba mã lực tàu của lực lượng chống lậu. Những chiếc tàu này được thiết kế phía trước có máy cắt lưới quăng vây mà lực lượng chống lậu hay dùng. Hơn nữa, dù bị "bom nước" nặng 1 tấn từ trực thăng (lực lượng chống lậu nước ngoài hay dùng) đổ trúng, tàu này cũng không bị nhấn chìm. Vì công suất lớn nên khi chạy, có cảm giác như chúng… bay trên mặt biển.
Mỗi “tàu bay” này có thể vận chuyển từ 300 đến 600 thùng thuốc lá 555 lậu (trị giá khoảng 3-6 tỷ đồng).
Với thiết kế và công suất đặc biệt như vậy, tất cả tàu chống lậu của lực lượng biên phòng, hải quan và cảnh sát đều khó mà đuổi kịp. Chính vì vậy, để bắt sống các tàu chở hàng lậu là rất hạn chế, phải triển khai nghiệp vụ cao mới bắt được các tàu hàng này.
Rạng sáng 9.5 vừa qua, tổ công tác Phòng Trinh sát, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển kiểm tra tàu biển số hiệu QN 6688, vây bắt được tàu hàng này chở 82.000 bao thuốc lá 555 lậu giấu trong 165 thùng các-tông, với trị giá 2,5 tỷ đồng. Đại diện tàu là Bùi Đức Khanh (quê huyện Quảng Yên, Quảng Ninh) không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ nào nên đã bị thu giữ cả tàu lẫn hàng.
Hơn 82.000 bao thuốc lá nhãn hiệu 555 lậu bị cảnh sát biển bắt giữ ngày 9.5.
Hậu quả rõ, nhưng "mờ" trách nhiệm
Trong một báo cáo mới đây của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cũng đã cảnh báo: “Gần đây xuất hiện trở lại thủ đoạn các đối tượng buôn lậu dùng xuồng cao tốc công suất lớn vận chuyển thuốc lá, rượu ngoại nhập lậu từ Trung Quốc về sâu trong nội địa”.
Cụ thể, trong năm 2014 chỉ có 4 vụ bị bắt, trị giá trên 1,7 tỷ đồng và không có sự xuất hiện của hai mặt hàng hay xảy ra tình trạng buôn lậu là rượu và thuốc lá được phát hiện. Sang năm 2015, tính đến hết tháng 3 thì công tác này còn "khiêm tốn" đến mức khó tin, là... không phát hiện được vụ nào.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Phiệt - Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vạn Gia - cho biết: Hiện nay, hàng TNTX qua khu vực này chỉ có 4 loại chủ yếu là đông lạnh thủy sản, hàng xỉ than, clanhke và ô tô. Hiện cửa khẩu cảng Vạn Gia chỉ là nơi lưu trú trong thời gian ngắn để các phương tiện làm thủ tục và vận chuyển hàng đi. Cửa khẩu chưa có cầu cảng và cũng chưa có kho ngoại quan.
Tuy nhiên, dư luận vẫn cho rằng chưa phản ánh đúng thực tế. Rất nhiều vụ việc liên quan đến hàng TNTX bị phanh phui xử lý thời gian qua trên địa bàn cho thấy, hoạt động này vẫn đang diễn ra rất phức tạp, tinh vi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm.
Vấn đề đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm? Các lực lượng hữu trách làm công tác phòng, chống buôn lậu tại khu vực cảng biển Vạn Gia sẽ bị xem xét như thế nào nếu để hàng lậu thẩm thấu vào nội địa? Cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm trước người dân về việc để hàng lậu thẩm thấu?
Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Ninh cần lưu tâm, kiên quyết xử lý nếu phát hiện ra sai phạm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.