Chị Minh (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, năm ngoái con gái chị còn rất háo hức dịp giáng sinh, năn nỉ mẹ viết thư giúp gửi ông Noel rồi hộp hộp đợi được tặng quà. Vậy mà năm nay, cô bé tỏ ra hờ hững, thậm chí còn tỏ ra "biết hết" khi nói: "Hôm qua ở lớp con cũng có người mặc quần áo đỏ, đeo râu đến tặng quà. Con biết ngay đó là các cô giáo đi thuê về".
Cũng như mọi năm, chị Minh đã chuẩn bị quà cho con và dự định nhờ tới dịch vụ đóng ông bụng to râu trắng trao quà để tạo bất ngờ. "Giờ con nghi ngờ như vậy thì mình không biết có nên thực hiện ý định ấy không và chẳng biết giải thích với con thế nào về việc này", chị Minh băn khoăn.
Cũng như chị Minh, nhiều phụ huynh bối rối khi con tỏ ra nghi ngờ Santa Clause. Họ không biết có nên nói với con rằng ông chỉ là huyền thoại, và nếu muốn con vẫn tin vào sự kỳ diệu thì phải giải thích thế nào.
|
"Ông già Noel" phát quà cho các bé ở Hà Nội. |
Tiến sĩ tâm lý giáo dục Nguyễn Thụy Anh chia sẻ, chính chị cũng từng rơi vào tình huống này. Mấy năm trước, vào dịp giáng sinh, con trai chị khi ấy 5 tuổi, đã hớn hở chào một ông già Noel đứng ở cổng trường mẫu giáo, rồi quay lại thì thầm với mẹ: “Đấy là chú X (bảo vệ trường) cứ muốn làm ông già Noel nên con chào thế cho chú vui, mẹ ạ!”.
Cậu nhóc còn bảo mẹ là, các bạn ở lớp nói rằng, không có ông già Noel đâu, toàn là người lớn thuê hết. “Hôm nọ bạn Minh nghe thấy mẹ bạn ấy thuê chú đóng giả ông già Noel mất những 600 nghìn đồng, có đúng không mẹ?”, bé nói.
Bà mẹ Thụy Anh khi ấy phải nói với con rằng, vẫn có một Santa Clause thật ở đâu đó rất xa, nơi băng giá. Nhưng chỉ có một thôi. Vì thế, Santa phải nhờ rất nhiều các chú các bác đóng giả mình đưa quà đến cho các em bé, vì các em bé nhìn thấy một người giống Santa thì sẽ vui hơn. “Ấy thế mà không ngờ, anh chàng 5 tuổi của tôi rất hài lòng với lời giải thích này”, chị chia sẻ.
Hình ảnh ông già Noel trong mắt trẻ thơ rất đẹp và kỳ diệu. Trẻ thường ngưỡng mộ và tin vào những phép màu của ông. Đây là điều tốt, giúp các em hướng thiện, bày tỏ những cảm xúc, ước mơ trong sáng của mình.
Theo tiến sĩ Thụy Anh, về đặc điểm tư duy, trẻ em có xu hướng muốn dùng phép lạ để giải thích các hiện tượng xã hội mà chúng biết, và thường nhân cách hóa sự vật sự việc, cái bàn cái ghế cũng biết nói biết đi... Các em luôn muốn tin Santa Clause - một ông già tốt bụng, rất yêu trẻ con, biết mọi điều chúng thích và dành tặng cho chúng những món quà dễ thương - là có thật.
Thế nhưng, đôi khi, chính người lớn lại gây ra sự nghi hoặc cho trẻ.
"Có năm, tôi thuê người đóng ông già Noel đến tặng quà cho con. Cậu sinh viên tới nơi mới ớ ra là 'em quên râu' và bảo 'thôi kệ, em cứ vào' nhưng tôi không đồng ý", chị Thụy Anh kể tình huống của chính mình.
Vào dịp giáng sinh, trẻ có thể bắt gặp hình ảnh những "ông mặc đồ đỏ" vun vút trên xe máy, có khi 'quên' râu, không đội mũ bảo hiểm, thậm chí vượt đèn đỏ... Vậy làm sao các em chẳng hoài nghi vào người mang điều kỳ diệu tới.
"Với trẻ con, cần sự trân trọng và kín kẽ. Cái dở của nhiều người là quá đại khái qua loa", nhà tâm lý bày tỏ.
Theo tiến sĩ Nguyễn Kim Quý, cố vấn Đường dây tư vấn, hỗ trợ trẻ em 18001567 (Bộ lao động thương binh và xã hội), biểu tượng ông già Noel rất cần cho thế giới tuổi thơ.
Ở tuổi mầm non, sự huyễn tưởng ở trẻ phát triển lớn nhất. Các em thích nghe những câu chuyện về các con vật biết nói chuyện và rất thích thú với thế giới thần tiên, có công chúa, hoàng tử, các phép màu. Các em trẻ chưa phân biệt được thực và hư, hiện tại và mơ ước.
Niềm tin vào những điều kỳ diệu, như có ông già Noel, sẽ làm cho trí tưởng tượng của trẻ phong phú, bay bổng, và việc này rất tốt cho việc cảm thụ văn học, nuôi dưỡng cảm xúc, lòng nhân ái trong các em.
Đến một độ tuổi nào đó, thường 7-9 tuổi, trẻ sẽ biết những người tặng quà cho mình không phải là ông già Noel chúng vẫn tưởng, thì người lớn có thể giải thích cho trẻ hiểu Santa Clause là một biểu tượng của lòng tốt, sự cao đẹp và sẽ luôn mang đến cuộc sống những điều tốt lành.
Theo VnExpress
Vui lòng nhập nội dung bình luận.