"Phát canh thu tô" ở Đồng Tháp Mười: Tô cao, khoán nặng

Thứ hai, ngày 09/08/2010 06:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Công ty Đồng Tháp 1 vừa có văn bản gửi Báo NTNN phản hồi và kiến nghị về loạt bài “Phát canh thu tô trá hình ở Đồng Tháp Mười” đăng trên NTNN từ ngày 13 đến 16-7. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin phản hồi một số nội dung và thay cho trả lời văn bản kiến nghị của công ty.
Bình luận 0
img
Ông Võ Văn Lẫy - 52 tuổi sống trong căn nhà dột nát trong khi ông Bần cho rằng không có hộ dân nào nghèo! (ảnh chụp tại Nông trường Đồng Tháp 1 ngày 4-8-2010).

Trong văn bản gửi NTNN, ông Vũ Ngọc Bần - Giám đốc Công ty Đồng Tháp 1 khẳng định không hề có chuyện Công ty xài chùa đất công; nhà báo “vẽ” nên cảnh đói nghèo của người dân; toàn bộ quá trình giao khoán cho dân đều tuân thủ đúng Luật Đất đai…

"Xài chùa" đất công

Năm 1988, gần 900ha đất ở Hưng Điền được UBND tỉnh Long An giao cho Đoàn Xây dựng kinh tế Đồng Tháp 1 (đơn vị quân đội chuyên làm nhiệm vụ khai hoang và bảo vệ biên giới) quản lý. Đến ngày 29 - 8-1994 Công ty Dịch vụ Sản xuất Nông Lâm nghiệp Đồng Tháp 1 mới được thành lập theo Quyết định 1854 của UBND tỉnh Long An. Quyết định này giao cho Công ty số vốn 2,54 tỷ đồng nhưng lại không có giấy tờ giao đất.

Mãi đến năm 2000, UBND tỉnh Long An mới có quyết định giao đất cho Đồng Tháp 1 (giao "lùi" về năm 1993, khi Công ty này chưa ra đời!). Theo Luật Đất đai năm 2003, Đồng Tháp 1 là doanh nghiệp nên thuộc diện phải thuê đất. Thế nhưng họ vẫn "xài chùa" tới cuối năm 2009 mới phải thuê với giá bèo. Vậy mà từ năm 1994 Công ty đã ngang nhiên lấy đất "giao khoán" cho nông dân - thực chất là cho thuê lấy lời. Như vậy, việc Báo NTNN nêu Công ty “xài chùa” đất công là hoàn toàn có cơ sở.

Câu chuyện chưa dừng ở đó. Sau khi nông dân đóng thuế đầy đủ, Công ty Đồng Tháp 1 lại dây dưa không đóng cho ngành thuế, để nợ tồn đọng, cuối cùng xin "miễn giảm". Cụ thể, ngày 12-2-2000, Đồng Tháp 1 có Công văn 26/CV-ĐT1 "xin" 30% trên tổng nợ thuế sử dụng đất nông nghiệp. Đến tháng 5-2000, Chi cục Thuế huyện Tân Hưng xác định tổng thuế Công ty phải nộp lên đến 608,6 tấn lúa và "miễn giảm" cho Công ty 182,6 tấn lúa (30%), trong khi lẽ ra nông dân mới là đối tượng được hưởng.

Năm 2001, Công ty bất ngờ "giảm" cho dân 60% mức thuế khoán, năm 2002 và 2003 giảm 50%. Điều lạ là những năm này UBND huyện Tân Hưng "giảm" cho Công ty 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp nhưng Công ty không miễn cho dân mà chỉ "giảm" với tỷ lệ như trên.

"Sáng tác" mức khoán cao

Theo văn bản của ông Vũ Ngọc Bần gửi NTNN, việc Đồng Tháp 1 buộc nông dân ký lại hợp đồng giao khoán vào năm 2007 với giá khoán mới tăng cao gấp nhiều lần là đúng quy định của pháp luật: "Mức khoán mới căn cứ vào Thông tư 102/TT-BNN ngày 13-11-2006 của Bộ NN&PTNT v/v hướng dẫn một số điều của Nghị định 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể tăng các khoản đóng góp khác của hộ nhận khoán nhằm đảm bảo các khoản chi phí và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng, phát triển sản xuất, tăng tích luỹ, tái đầu tư về chiều sâu trên cơ sở lấy ý kiến đóng góp của hộ nhận khoán".

Ông Vũ Ngọc Bần kể công "bơm nước" cho nông dân sản xuất lúa. Thế nhưng, Công ty Đồng Tháp 1 bơm nước và thu của nông dân 800 - 900.000 đồng/ha/vụ, cao hơn giá thị trường ở khu vực lân cận khoảng 200.000 đồng...

Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ Thông tư 102/TT-BNN và thấy rằng không có câu nào, thậm chí ý nào dù là mơ hồ, để ông Bần "căn cứ" nhằm thực hiện việc tăng giá khoán lên khoảng 6 lần (từ 115kg lúa/ha/năm lên 700 - 750kg/ha/năm). Có thể UBND tỉnh Long An và các ngành chức năng không phát hiện ra "căn cứ" nói trên là do ông Bần tự "sáng tác" chứ không hề có trong Thông tư 102/TT-BNN, nên đã ủng hộ phương án tăng thu của ông Bần.

Ông Vũ Ngọc Bần cho rằng, những nông dân nhận khoán đất của Công ty có thu nhập cao, cuộc sống tốt, cụ thể là lợi nhuận bình quân 15 - 25 triệu đồng/ha/năm. Thế nhưng, trong bảng đánh giá do chính Công ty này lập vào ngày 5-5-2009, kết quả khảo sát chi phí sản xuất trong 3 năm liên tục cho thấy mỗi ha ruộng cho thu nhập 1.513.000 đồng/vụ, tức khoảng 3 triệu đồng/ha/năm. Hai con số cách nhau gần 10 lần thì đâu là sự trung thực?

Theo ông Bần, để thu lúa khoán của nông dân, "đơn vị" phải bỏ nhiều công sức vào đó. Cụ thể, từ năm 1983 - 1993 đã rà phá gần 100 quả bom mìn, đào đắp hàng chục km kênh mương… Cần phải khẳng định, việc rà phá bom mìn, đào kênh mương là công của đơn vị quân đội, từ ngân sách nhà nước chứ không phải của Công ty Đồng Tháp 1. Không thể đánh đồng chuyện bộ đội đổ mồ hôi, xương máu xuống mảnh đất này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp của ông Vũ Ngọc Bần phải được thừa hưởng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem