|
Gia đình bà Nguyễn Thị Huệ rơi vào cảnh nợ ngập đầu sau khi con trai là Ngô Xuân Tý bị xù tiền |
Thu tiền rồi… hứa
Tháng 10-2007, qua giới thiệu của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên- Huế, văn phòng đại diện tại Huế của Công ty cổ phần Hợp tác xuất khẩu lao động nước ngoài (LOD) về phường Thủy Phù tuyển người đi xuất khẩu lao động tại Cộng hòa Séc. Có 37 lao động của phường này trúng tuyển.
Sau 2 tháng học nghề và nộp 16 triệu đồng/người, 37 lao động bị chuyển sang cho Chi nhánh Công ty cổ phần Du lịch Hà Tây (tại C4, 25 Láng Hạ, Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) do bà Trần Thị Thanh Phương làm Giám đốc. Tiếp đó, những lao động này được đưa đi Hà Nội học nâng cao tay nghề, chi phí tự lo, mỗi người tốn ít nhất 6 triệu đồng.
Mãi đến ngày 18-10-2008, 6 trong số 37 lao động trên được đưa đi Thái Lan, đến phỏng vấn tại Đại sứ quán Slovakia để lấy visa. Lúc này, các lao động mới biết mình được đưa đi lao động tại Slovakia chứ không phải đi Séc như cam kết lúc đầu. Về Huế, các lao động thắc mắc thì ông Lê Minh Toàn - Trưởng văn phòng của Công ty LOD tại Huế cho biết phải đi Slovakia chứ không thể đi Séc vì Cục Lao động nước ngoài đã ngừng cấp visa đi Séc từ lâu rồi!
Vì muốn được đi xuất khẩu lao động nên những lao động trên chấp nhận đi lao động tại Slovakia. Họ nhận được thông báo của Chi nhánh Công ty cổ phần Du lịch Hà Tây yêu cầu mỗi người đóng thêm 30 triệu đồng thông qua vay Ngân hàng CSXH thị xã Hương Thủy.
Chi nhánh Công ty cổ phần Du lịch Hà Tây cũng gửi công văn đề nghị Ngân hàng CSXH thị xã Hương Thủy cho 37 lao động trên vay 30 triệu đồng/người để hoàn thành thủ tục xuất khẩu lao động. Mặc dù đưa lao động đi Slovakia và lao động chưa có visa nhưng công văn gửi Ngân hàng CSXH thị xã Hương Thủy, Chi nhánh Công ty cổ phần Du lịch Hà Tây khẳng định “những lao động này đã trúng tuyển đi xuất khẩu lao động có thời hạn tại Cộng hòa Séc, đã có visa và dự kiến xuất cảnh ngày 28-10-2008”. Ngày 14-11-2008, Ngân hàng CSXH thị xã Hương Thủy đã giải ngân cho những lao động trên vay (mỗi người 30 triệu đồng) để nộp vào tài khoản của Công ty cổ phần Du lịch Hà Tây.
Quanh co, khất lần
Chiều 29-9, ông Nguyễn Thanh Kiếm - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: “Vụ việc đã có dấu hiệu lừa đảo nên Sở đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Công an tỉnh điều tra. Cách đây ít ngày UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã có văn bản giao vụ việc cho cơ quan công an điều tra xử lý”.
Sau ngày nộp thêm 30 triệu đồng, người lao động chờ dài cổ vẫn không được xuất cảnh. Mãi đến ngày 2-4-2009, bà Trần Thị Thanh Phương - Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Du lịch Hà Tây mới gửi công văn cho Văn phòng Công ty LOD tại Huế cho biết, phía đối tác sử dụng lao động hoãn tiếp nhận lao động đến cuối tháng 4-2009, và đề nghị người lao động chờ đợi thêm.Đối với những lao động không chờ tiếp, Công ty CPDL Hà Tây sẽ trả lại tiền.
Tuy nhiên, đến nay, gần 2 năm nay, các lao động trên có đơn xin rút lại tiền đã nộp nhưng không được phía công ty của bà Phương trả. Đến nay, sau hàng chục lần “được” hứa hẹn và xin khất, các lao động trên đã hoàn toàn mất liên lạc với bà Phương.
Bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ của anh Ngô Xuân Tý (thôn 8A, phường Thủy Phù)-một trong 37 lao động bị xù tiền bức xúc: Khi biết việc đi xuất khẩu lao động có nhiều bất ổn, anh Tý đã cùng những lao động khác đến Chi nhánh Công ty LOD tại Huế đòi lại tiền nhưng không được trả. Anh Tý cũng hàng trăm lần gọi điện vào số máy của ông Lê Minh Toàn nhưng lần nào ông Toàn cũng “bận đi công tác” và bảo tiền đã chuyển hết cho Công ty cổ phần Du lịch Hà Tây. Đặc biệt, thời gian gần đây, việc liên lạc với ông Toàn bằng điện thoại không thể thực hiện được trong khi trụ sở Chi nhánh Công ty LOD tại Huế đã giải tán.
“Tổng cộng cả chi phí học nghề và tiền nộp làm thủ tục lên gần 70 triệu đồng. Ngoài nợ ngân hàng 30 triệu đồng, nhà tui nợ ngoài gần 40 triệu đồng nữa, ngày nào cũng có người đến đòi nợ, nếu không được trả tiền thì tui chỉ còn đường tự tử!”- bà Huệ buồn rầu nói.
An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.