39 năm Báo Nông thôn Ngày nay ra số đầu tiên: Niềm tin của hàng triệu cán bộ, hội viên, nông dân

Đức Thịnh Chủ nhật, ngày 07/05/2023 06:00 AM (GMT+7)
Gần 40 năm qua, hàng triệu cán bộ, hội viên, nông dân ở khắp mọi miền đất nước đã coi Báo Nông thôn ngày nay là "cẩm nang công tác" hay "cẩm nang làm giàu" đầy bổ ích với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả.
Bình luận 0

Lời tòa soạn: Ngày 7/5/1984, bản tin "Nông Thôn Mới" - tiền thân của Báo Nông Thôn Ngày Nay (NTNN), chính thức ra mắt số đầu tiên. Sau 39 năm phát triển, đến nay, cùng với tờ báo in NTNN (xuất bản 4 số/tuần), Báo NTNN đã có hệ sinh thái phong phú với Báo điện tử Dân Việt đạt 1,5 – 2 triệu lượt truy cập/ngày; các ấn phẩm Trang Trại Việt, Thế Giới Tiếp Thị, chuyên trang Tài chính nông thôn - Etime, chuyên trang Dân Việt Media, cùng các nền tảng mạng xã hội đa dạng: Fanpage, kênh YouTube, kênh TikTok Dân Việt… 

Kỷ niệm 39 năm Ngày xuất bản số đầu tiên của Báo NTNN là dịp để Báo và bạn đọc cùng nhìn lại, chia sẻ về hành trình xây dựng và phát triển của Báo với sứ mạng "Sát cánh cùng nông dân Việt" và đóng góp, sẻ chia để xây dựng một cuộc sống nhiều ý nghĩa, tốt đẹp và lan tỏa những giá trị tích cực tới cộng đồng.

Giúp hội viên làm giàu từ những mô hình hay

Anh Lý Văn Thư, dân tộc Tày (sinh năm 1981) đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội ND xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2017, khi tuổi đời còn trẻ. Với chất trẻ, anh Thư rất năng nổ, nhiệt tình, hết mình với công tác Hội và phong trào nông dân. Anh Thư cho biết: Quá trình làm việc, anh đã nghiên cứu nhiều tài liệu, văn bản của Hội, trong đó anh đặc biệt quan tâm đến tờ Báo NTNN.

39namntnn/ Niềm tin của cán bộ và hội viên  - Ảnh 1.

Tỷ phú Nguyễn Văn Mùi (trái) chia sẻ kinh nghiệm nuôi vịt đẻ với các cán bộ hội và nông dân đến tham quan. Ảnh: Thu Hà

Tham gia sinh hoạt chi Hội ND, ông Nguyễn Văn Mùi và các hội viên khác chuyền tay nhau đọc tờ Báo NTNN và biết đến mô hình nuôi vịt cho thu nhập cao. Nhận thấy địa phương có lợi thế phát triển mô hình này, ông Mùi quyết định đầu tư nuôi vịt.

"Để không phụ sự tín nhiệm của hội viên, nông dân, tôi luôn nhắc nhở bản thân phải giúp họ xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả để phát triển kinh tế. Làm được như vậy thì mới đưa phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương đi lên… Thông qua Báo NTNN, tôi biết đến nhiều mô hình làm giàu của nông dân khắp mọi miền đất nước. Từ những mô hình hay như nuôi ốc nhồi đặc sản, nuôi cá mà tôi nắm bắt từ Báo NTNN và triển khai tại địa phương, đã giúp nhiều hộ ở xã Định Biên làm kinh tế giỏi" - anh Thư cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN về tình hình địa phương, anh Thư cho biết: Định Biên là xã miền núi của huyện Định Hóa. Xã có hơn 600 hộ dân sinh sống, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 95% dân số. Trên địa bàn xã Định Biên có 6 dân tộc anh em chung sống, gồm: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông, San Chí.

Những năm qua, anh Lý Văn Thư và Ban Chấp hành Hội ND xã Định Biên đã trực tiếp hướng dẫn thành lập nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, đặc biệt là mô hình nuôi ốc nhồi đặc sản. Bản thân Chủ tịch Hội ND Lý Văn Thư thông qua đọc Báo NTNN biết đến mô hình nuôi ốc nhồi và anh cũng là người đầu tiên ở xã đưa ốc nhồi về nuôi. Nhờ nuôi ốc nhồi thương phẩm và ốc nhồi sinh sản mà anh Thư có lãi từ 150 - 200 triệu đồng/năm. 

Từ thành công của mình, anh Thư đã chia sẻ kinh nghiệp nuôi ốc nhồi với các hộ nông dân trong xã với mong muốn nhân rộng mô hình để cùng nhau làm giàu. Hiện nay trên địa bàn xã Định Biên đã có 25 hộ nông dân nuôi ốc nhồi. Để nâng cao hiệu quả nuôi ốc nhồi, ngày 23/7/2021, Hội ND xã đã chủ trì thành lập Tổ hợp tác nuôi ốc nhồi đặc sản xã Định Hóa với hơn 20 nông dân tham gia.

Liên kết nông dân

Đến thăm mô hình chăn nuôi vịt đẻ, ấp trứng vịt lộn của ông Nguyễn Văn Mùi (ở thôn Liễu Đê, xã Tân Liễu huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), chúng tôi khá ấn tượng với cách làm ăn bài bản của ông. Ông Mùi cho biết, ông từng hai lần rời quê hương đi làm ăn xa nhưng cuối cùng cũng lựa chọn trở về quê để phát triển kinh tế. 

Lúc đầu trở về quê, ông loay hoay chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển kinh tế. Tham gia sinh hoạt chi Hội ND, ông và các hội viên khác chuyền tay nhau đọc tờ Báo NTNN và biết đến mô hình nuôi vịt cho thu nhập cao. Nhận thấy địa phương có lợi thế phát triển mô hình này, ông Mùi quyết định đầu tư nuôi vịt.

Hiện nay, với diện tích trang trại 2ha, ông Mùi nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học với quy mô 5.000 vịt bố mẹ và 3.000 vịt hậu bị ở hai khu. Nhờ áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học đàn vịt của vợ chồng ông Mùi ít bị bệnh, tỷ lệ sống cao, chất lượng tốt. Từ nuôi vịt lấy thịt, dần dần ông chuyển sang nuôi lấy trứng, rồi ấp trứng lộn. Năm 2022, mô hình của ông Mùi đạt doanh thu hơn 7 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng. Ông Mùi là 1 trong 100 gương mặt "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022.

Cũng theo ông Mùi, thông qua đọc Báo NTNN, ông biết đến mô hình CLB nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở các địa phương quy tụ các nông dân giỏi, am hiểu kỹ thuật, làm giàu chính đáng. Theo ông Mùi, đây là nơi để giúp đỡ, lan tỏa kinh nghiệm cho nhiều nông dân khác cùng làm giàu. 

Chính vì vậy, tháng 8/2022 vừa qua, Hội ND huyện Yên Dũng ra mắt "CLB nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, Trung ương" và ông Mùi đã đăng ký tham gia. Hiện Câu lạc bộ này gồm 8 thành viên, do ông Mùi làm chủ nhiệm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem