5 bệnh viện nói “không” với phong bì: Âu lo về tính khả thi

Thứ hai, ngày 17/10/2011 07:11 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xung quanh việc 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội thực hiện cam kết “Nâng cao quy tắc ứng xử trong bệnh viện” trong đó có quy định nói “không” với phong bì, NTNN nhận được rất nhiều ý kiến bạn đọc.
Bình luận 0

Bác sĩ Hoàng Xuân Đại - nguyên Chuyên viên cao cấp Bộ Y tế: Nói và làm còn khoảng cách xa

Câu chuyện đưa và nhận phong bì hiện đã trở thành chuyện “cơm bữa” ở các bệnh viện. Bệnh viện thực hiện cam kết "Nâng cao quy tắc ứng xử trong bệnh viện" là điều rất tốt, rất nên làm. Thế nhưng, theo tôi, giữa nói và làm còn một khoảng cách khá xa. Không phải cứ cam kết là thực hiện được.

img
Nhiều người vẫn hoài nghi về cam kết nói “không” với phong bì của 5 bệnh viện ở Hà Nội. (Ảnh minh họa).

Bản chất vấn đề còn có nhiều mâu thuẫn phức tạp. Ngành y tế nếu muốn "nói không với phong bì" thì trước hết phải thực hiện giảm tải bệnh viện, tăng cường trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến cơ sở; phải thực hiện tăng cường, mở rộng bệnh viện tuyến T.Ư; mặt khác cần có chính sách nâng cao lương và chế độ phụ cấp thâm niên cho cán bộ y tế để họ sống được bằng nghề.

Bà Trần Thị Bích - Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa: Tạo niềm tin của bệnh nhân vào bác sĩ

Hiện nay, nhiều người nhà bệnh nhân và bệnh nhân đang mất niềm tin vào các y, bác sĩ. Họ không thể phó mặc hay đánh cược với tính mạng của người thân được nên họ chọn giải pháp được cho là an toàn: “Kỷ niệm" bác sĩ cái phong bì với mong muốn bác sĩ làm việc tốt hơn, nhanh hơn, quan tâm hơn.

Do đó, để chặn đứng việc đưa và nhận phong bì cần phải tạo niềm tin cho bệnh nhân và người nhà của họ. Tuy nhiên, vì nó là thói quen và quan niệm sống của cả một cộng đồng nên không phải là chuyện có thể thay đổi một sớm một chiều.

Lê Quang Tiệp - Hội ND xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam: Phân định cảm ơn và hối lộ

Tôi nghĩ chuyện đưa phong bì cho bác sĩ có 2 trường hợp: Nếu bày tỏ lòng biết ơn sau khi được điều trị tốt thì có lẽ không ai cấm đoán cả, trái lại đó còn là sự công nhận chuyên môn và sự tận tâm của bác sĩ và khuyến khích bác sĩ làm việc tốt hơn. Cùng một hành động, nhưng vào thời điểm, hoàn cảnh khác nhau sẽ có ý nghĩa khác nhau. Đưa phong bì trước sẽ làm mất đi tính khách quan trong công việc, có thể xem đó là hành vi hối lộ.

Ngọc Nam - Trường Tiểu học Bến Củi, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh: Bác sĩ, nhà giáo phải sống được bằng lương

Ngày trước, không ai nhắc hoài hay treo khắp nơi mấy câu: "Lương y như từ mẫu", "Tiên học lễ, hậu học văn"... Vậy nhưng, một người làm bác sĩ hay là thầy giáo thì cả xóm, cả vùng đều biết và đều kính trọng. Có câu "có thực mới vực được đạo", thiết nghĩ lo lắng đời sống vật chất cho nhà giáo, bác sĩ là việc làm cần thiết, lo cho sự phát triển của xã hội, của đất nước. Phải đầu tư sao để họ sống thực sự với công việc, sống được bằng lương chứ không phải sống với bao điều trăn trở đời thường cơm, áo, gạo, tiền.

PGS- TS Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội): Xử lý nghiêm cả người đưa và người nhận

Bệnh viện nói là làm, không chỉ làm mà còn làm rất nghiêm túc. Thế nhưng, muốn bác sĩ không nhận phong bì thì người bệnh và người nhà bệnh nhân cũng không nên đưa phong bì. Nếu phát hiện có tình trạng đưa và nhận phong bì trong bệnh viện, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm cả người đưa và người nhận.

Về phía bác sĩ nếu bị phát hiện, bệnh viện sẽ đuổi việc các y, bác sĩ đó. Về phía bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cần phải tôn trọng cán bộ nhân viên y tế, tuân thủ các quy định của ngành y tế, của bệnh viện. Trong trường hợp họ đưa phong bì hối lộ y, bác sĩ, nếu phát hiện, chúng tôi sẽ mời ra khỏi bệnh viện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem