5 nhiệm vụ trọng tâm của Hội NDVN thực hiện Chỉ thị 37 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề
5 nhiệm vụ trọng tâm của Hội NDVN thực hiện Chỉ thị 37 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề
PV
Thứ hai, ngày 16/09/2024 07:35 AM (GMT+7)
Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn với 5 nhiệm vụ trọng tâm chính.
Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn (sau đây gọi là Chỉ thị số 37-CT/TW), Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam ban hành Kế hoạch thực hiện với mục đích tổ chức quán triệt sâu sắc, xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả những nội dung, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đã đề ra tại Chỉ thị số 37-CT/TW.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của các cấp Hội, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị. Làm tốt công tác vận động, tập hợp, tuyên truyền cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức, hành động về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW phải gắn liền với thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 11/5/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028; các Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.
Xây dựng Kế hoạch thực hiện bám sát nội dung của Chỉ thị số 37-CT/TW phù hợp với hoạt động thực tiễn của các cấp Hội và phong trào nông dân trong tình hình mới.
Nội dung thực hiện
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu, quán triệt và chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư
Đảng đoàn phối hợp với Đảng ủy cơ quan Trung ương Hội tổ chức quán triệt các nội dung của Chỉ thị số 37-CT/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên và người lao động trong cơ quan Trung ương Hội bằng các hình thức phù hợp. Ban Thường vụ Trung ương Hội lãnh đạo, chỉ đạo Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp phổ biến, quán triệt Chỉ thị gắn với việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đến toàn thể cán bộ Hội và hội viên, nông dân.
Các cấp Hội phối hợp với các ngành liên quan khảo sát, thống kê thực trạng, nhu cầu về đào tạo nghề cho hội viên, nông dân, lao động nông thôn để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương, chú trọng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; tập trung quan tâm đối với hội viên, nông dân thiếu việc làm, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Phát huy vai trò của tổ chức Hội Nông dân, nhất là các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp trong việc quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 37- CT/TW.
Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong năm 2024.
Phân công chỉ đạo, thực hiện: Giao đồng chí Ủy viên Đảng đoàn, Thường trực Trung ương Hội phụ trách Ban Xã hội Trung ương Hội chỉ đạo Ban Xã hội phối hợp với các ban, đơn vị liên quan tham mưu thực hiện.
2. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 37-CT/TW cho cán bộ, hội viên nông dân
Các cấp Hội chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các đoàn thể cùng cấp tuyên truyền Chỉ thị số 37-CT/TW phù hợp với từng nhóm đối tượng hội viên, nông dân; theo thời điểm và vùng miền. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân về đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua APP Nông dân Việt Nam, trên nền tảng Internet, mạng xã hội.
Căn cứ điều kiện thực tiễn, các cấp Hội chủ động, tích cực tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 37-CT/TW nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về đào tạo nghề, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững ở địa phương; chú trọng vào đối tượng lao động thiếu việc làm tại khu vực nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được tham gia đào tạo nghề để có việc làm phù hợp.
Chỉ đạo các cơ quan báo chí, đơn vị truyền thông, Cổng Thông tin điện tử của Hội tăng thời lượng đưa tin, tuyên truyền về Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong cơ cấu ngành nghề và trình độ sản xuất tại khu vực nông thôn; quảng bá, nhân rộng mô hình hay, điển hình tốt trong công tác đào tạo nghề của các cấp Hội.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm.
- Phân công chỉ đạo, thực hiện: Giao đồng chí Ủy viên Đảng đoàn, Thường trực Trung ương Hội phụ trách Ban Tuyên giáo Trung ương Hội chỉ đạo Ban Tuyên giáo chủ trì, phối hợp với Ban Xã hội Trung ương Hội và các ban, đơn vị liên quan tham mưu thực hiện.
3. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề của Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam và hệ thống Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố
Kiện toàn, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam và hệ thống Trung tâm Hỗ trợ nông dân nông thôn của các tỉnh, thành Hội, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Làm tốt vai trò là đầu mối trong tuyên truyền, phân luồng giáo dục và vận động nông dân tham gia học nghề; tư vấn nghề nghiệp, việc làm; phối hợp tổ chức truyền thông và tham gia tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam và các Trung tâm hỗ trợ nông dân nông thôn các tỉnh, thành Hội chủ động, tích cực khai thác các nguồn lực để tiếp tục đầu tư đồng bộ, bảo đảm cơ sở vật chất để phát huy hiệu quả hoạt động. Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành nghề ở địa phương, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân; tổ chức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; đổi mới nội dung, hình thức đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề và dịch vụ, hỗ trợ nông dân thuộc tổ chức Hội, xây dựng và tổ chức đào tạo nghề cho nông dân với chương trình đào tạo "nông dân chuyên nghiệp", "lao động tay nghề cao" phù hợp với trình độ của nông dân ở từng địa phương. Khuyến khích đào tạo nghề gắn với bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Coi trọng thực hành, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số ở tất cả các khâu của quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phát huy hơn nữa tính chủ động của người học, gắn đào tạo nghề với tự học, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở khu vực nông thôn, góp phần xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, có trình độ học vấn, năng lực đổi mới sáng tạo và tổ chức sản xuất tiên tiến, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Vận dụng các chính sách ưu tiên trong đào tạo nghề để hỗ trợ phù hợp cho hội viên, nông dân, lao động nông thôn thuộc đối tượng chính sách, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật; quan tâm tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề cho đối tượng là con em hội viên, nông dân chuyển sang học nghề để có việc làm phù hợp với nguyện vọng, năng lực bản thân và điều kiện gia đình.
Thời gian thực hiện: Hàng năm.
Phân công chỉ đạo, thực hiện: Giao đồng chí Ủy viên Đảng đoàn, Thường trực Trung ương Hội phụ trách Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam chỉ đạo Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với các ban, đơn vị liên quan tham mưu thực hiện.
4. Tích cực mở rộng quan hệ hợp tác, tăng cường phối hợp về đào tạo nghề cho hội viên, nông dân, lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Các cấp Hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện tốt Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; phối hợp với các Bộ, ngành cùng cấp có liên quan trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia học nghề; nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo nghề của Hội, nhân rộng các mô hình điển hình về đào tạo nghề gắn với hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao năng lực đào tạo các nghề trọng điểm và các nghề khác phù hợp với nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp.
Các cấp Hội chủ động, tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với các ngành và tổ chức liên quan về đào tạo nghề. Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác tư vấn và hỗ trợ việc làm sau đào tạo. Tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn lực, khoa học kỹ thuật nhằm đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với phương thức sản xuất tiên tiến, phù hợp với nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương.
Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho hoạt động tư vấn, hỗ trợ và đào tạo nghề cho hội viên, nông dân, lao động nông thôn; gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp. Phối hợp thực hiện đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp, tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm phù hợp với từng nhóm đối tượng hội viên, nông dân.
Huy động sự tham gia của các nhà khoa học, các nghệ nhân, doanh nghiệp, doanh nhân, người sản xuất giỏi, lao động có tay nghề cao tham gia công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đồng thời phối hợp tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản; Tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết với các hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước.
Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam và các Trung tâm Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên kết hợp tác công - tư đúng quy định của pháp luật để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội trong đào tạo nghề cho hội viên, nông dân và lao động nông thôn. Tăng cường thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ giữa các bên trong phối hợp nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề cho hội viên, nông dân.
Thời gian thực hiện: Hàng năm.
Phân công chỉ đạo, thực hiện: Giao đồng chí Ủy viên Đảng đoàn, Thường trực Trung ương Hội phụ trách Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam chỉ đạo Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với các ban, đơn vị liên quan tham mưu thực hiện.
5. Phát huy vai trò của các cấp Hội tham gia giám sát và phản biện xã hội trong việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Các cấp Hội chủ động vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia giám sát việc thực hiện Chỉ thị; Nắm bắt các vấn đề vướng mắc, bất cập trong thực tiễn triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là đối với lực lượng hội viên, nông dân, lao động thuần nông; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân và tiếp thu những phản ánh, kiến nghị của nông dân nhằm đề xuất, kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong tình hình mới. Tuyên truyền, nhân rộng các mô hình điển hình, cách làm hay, hiệu quả; chấn chỉnh những nơi thực hiện Chỉ thị, Kế hoạch còn chậm, chưa hiệu quả.
Thời gian thực hiện: Hàng năm.
Phân công chỉ đạo, thực hiện: Giao đồng chí Ủy viên Đảng đoàn, Thường trực Trung ương Hội phụ trách Ban Xã hội Trung ương Hội chỉ đạo Ban Xã hội Trung ương Hội chủ trì phối hợp với các ban, đơn vị liên quan tham mưu thực hiện.
Tổ chức thực hiện
1. Ban Thường vụ Trung ương Hội xây dựng chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo các Ban, đơn vị và các cấp Hội thực hiện; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát các cấp Hội việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW và Kế hoạch này; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch theo quy định.
2. Ban Thường vụ Hội Nông dân các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế ở địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án, dự án thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW và triển khai thực hiện tốt Kế hoạch.
3. Đề nghị Đảng ủy Cơ quan Trung ương Hội phối hợp với Đảng đoàn phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 37-CT/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong toàn đảng bộ và cơ quan Trung ương Hội bằng các hình thức phù hợp.
4. Giao Ban Xã hội Trung ương Hội chủ trì, phối hợp với Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Kế hoạch. Định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Trung ương Hội theo quy định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.