50 năm Hiệp định Paris: Đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao Việt Nam
50 năm Hiệp định Paris: Đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao Việt Nam
An Di
Thứ năm, ngày 26/01/2023 14:00 PM (GMT+7)
Sau 50 năm Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27/1/1973-27/1/2023), ý nghĩa, những bài học kinh nghiệm và sự vận dụng sáng tạo việc đàm phán, ký kết trong mặt trận ngoại giao vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III cho biết, trong lịch sử đấu tranh của Nhân dân ta, chưa bao giờ có cuộc đàm phán nào kéo dài như tại Hội nghị Paris, kéo dài gần 5 năm (4 năm 8 tháng 20 ngày), với 202 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam chính thức được ký kết ngày 27/01/1973.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà, Hiệp định Paris được ký kết đánh dấu thắng lợi của tinh thần độc lập, tự chủ trong đường lối chung cũng như từng sách lược trong cuộc đấu tranh ngoại giao. Trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, Việt Nam luôn giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, tự quyết định từng bước đi trong cuộc đầu tranh ngoại giao với đối phương, không bị lệ thuộc vào bên này hoặc bên kia. Hiệp định được ký kết theo đúng sự tính toán và lợi ích của bản thân Việt Nam mà không làm đổ vỡ quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa.
Sự kiện cũng đánh dấu sự trưởng thành của nền ngoại giao Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam diễn ra trong mối tương quan không cân sức với một đối thủ chẳng những có lực lượng quân sự hùng hậu, tiềm lực kinh tế vững mạnh mà còn có tiếng nói trọng lượng trên trường quốc tế với kinh nghiệm phong phú của nhiều nhà ngoại giao lão luyện, nhiều mưu mẹo khó lường. Nhưng chúng ta đã kiên trì với phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến", "thêm bạn, bớt thù", dự báo thời cơ và nắm bắt đúng thời cơ để đi đến thắng lợi quyết định.
"Trong suốt cuộc đàm phán kéo dài gần 5 năm, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị cùng sự nhạy bén của các nhà thương thuyết, ngoại giao Việt Nam đã vững vàng trước một đối thủ dày dạn trên trường quốc tế. Nhờ vậy, là chúng ta đã đạt được mục tiêu "đánh cho Mỹ cút" để tiến tới đánh đổ chế độ Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975"- PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà khẳng định thêm.
Khi gây ra cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, Mỹ luôn rêu rao, xuyên tạc cho rằng, miền Bắc xâm lược miền Nam. Mỹ phải có trách nhiệm ngăn chặn cộng sản xuống miền Nam Việt Nam. Họ còn tuyên truyền kích động dư luận thế giới, cho rằng miền Bắc là tay sai của các thế lực cộng sản nước ngoài. Do đó, họ ngang nhiên đưa ra đòi hỏi quân đội miền Bắc phải rút khỏi miền Nam.
PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng khẳng định, đây là một đòi hỏi vô lý. Bởi lẽ, nước Việt Nam là một thực thể độc lập, thống nhất và có chủ quyền. Sự phân chia hai miền Nam - Bắc sau Hiệp định Geneve năm 1954, chỉ là sự phân chia mang tính tạm thời. Nhưng người Mỹ luôn tìm cách đánh đồng bản chất cuộc chiến tranh xâm lược của mình với sự có mặt của quân đội miền Bắc ở chiến trường miền Nam.
"Chúng ta kiên trì nguyên tắc đất nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Miền Bắc giúp đỡ miền Nam để đánh thắng kẻ thù xâm lược, chứ không đi xâm lược ai cả. Trong lịch sử, đất nước ta là một dải thống nhất. Mỹ đã cam tâm chia cắt vĩ tuyến 17 thành ranh giới quốc gia. Chúng ta kiên trì quan điểm ấy đến khoảng giữa năm 1971 thì Mỹ thôi đòi hỏi bộ đội miền Bắc phải rút khỏi miền Nam. Trong khi đó, chúng ta vẫn kiên trì yêu cầu Mỹ đưa ra lịch trình rút quân ra khỏi Việt Nam, rút càng nhanh càng tốt", PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.
Lý giải cho vấn đề khi ta mở cuộc tổng tấn công giành thắng lợi nhanh chóng, ông Hà cho rằng vì quân đội Sài Gòn mất hẳn chỗ dựa là quân Mỹ. Ông Hà cho biết, tại điều 5 Hiệp định Paris ghi rõ: "Trong thời hạn 60 ngày kể từ khi hiệp định có hiệu lực, quân Mỹ, các quân đồng minh của Mỹ và toàn bộ vũ khí trang bị phải rút hết khỏi miền Nam Việt Nam".
Khi Mỹ rút ra, bộ đội miền Bắc ta vẫn ở lại, điều này tạo ra so sánh mới về tương quan lực lượng ở miền Nam. Thêm vào đó, khi Mỹ rút, quốc hội Mỹ lại có lý do không viện trợ cho chính quyền Sài Gòn nữa.
"Trước đây, chủ yếu Mỹ viện trợ chính quyền Sài Gòn, khi họ rút đi, viện trợ bị cắt giảm đến 3/4, quân đội Nguyễn Văn Thiệu phải đánh kiểu con nhà nghèo, không có vũ khí. Vì vậy, quân đội Sài Gòn, chế độ Sài Gòn sụp đổ chỉ là vấn đề thời gian", ông Hà phân tích.
Phát biểu trong Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, cho biết từ cuối năm 1968, bà nhận chỉ thị thực hiện "trọng trách to lớn" tham gia quá trình đàm phán.
Hiệp định Paris là thắng lợi mang tính quyết định đưa đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là kết quả của gần 20 năm chiến tranh ác liệt, chiến đấu gian khổ của cả dân tộc.
"Hiệp định Paris là thắng lợi về mặt quân sự, chính trị và ngoại giao của Việt Nam, đồng thời là thắng lợi của phong trào thế giới ủng hộ Việt Nam", bà Nguyễn Thị Bình nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.