63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2014”: Làm ăn giỏi, sống nghĩa tình

Nhóm phóng viên Thứ sáu, ngày 03/10/2014 06:33 AM (GMT+7)
Họ ở khắp mọi miền Tổ quốc, làm ăn chân chính, làm giàu cho gia đình nhưng không quên giúp đỡ cộng đồng...
Bình luận 0

Người xây dựng thương hiệu bưởi “Hương miền Tây”

Gia đình anh Đàm Văn Hưng ở ấp Phước Trung, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, vốn là chủ vựa thu mua cam, bưởi ở xứ dừa Bến Tre. Từ năm 2000-2003, ngoài cam, anh Hưng bắt đầu đưa bưởi da xanh ra giới thiệu và tiêu thụ ở thị trường phía Bắc. Được thị trường chấp nhận, anh Hưng xây dựng và đăng ký nhãn hiệu cho trái bưởi này với tên bưởi da xanh “Hương miền Tây”, đồng thời chính thức xuất khẩu bưởi da xanh sang thị trường Đức, rồi sau đó là Canada, Hà Lan… Năm 2011, với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre và Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam, anh Hưng đầu tư xây nhà máy xử lý, đóng gói và bảo quản bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP với công suất 40 tấn/ngày, tạo việc làm cho 25 lao động. Sản lượng đóng gói, bảo quản của nhà máy đạt 7.300 tấn bưởi mỗi năm với doanh thu 190 tỷ đồng.

Lãi 5 tỷ đồng/năm từ cây tiêu

Năm 1999, từ quê lúa Thái Bình chuyển vào thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê (Gia Lai), vợ chồng anh Đào Tiến Tình phải đi làm thuê, gom góp mãi mới mua được 1ha đất trồng cà phê. Nhưng rồi những năm 2002-2003, giá cà phê rớt thê thảm, bị lỗ nặng, anh “cạch mặt” luôn cây cà phê và chuyển sang trồng tiêu. Vụ tiêu đầu thu hoạch, anh lãi luôn 40 triệu đồng. Rồi cứ năm trước lãi bao nhiêu năm sau anh mua đất, mở rộng thêm diện tích trồng tiêu, cho đến năm 2010, diện tích trồng tiêu của gia đình anh Tình đã lên tới 10ha với năng suất tiêu ổn định, sản lượng đạt bình quân 50 tấn/năm. Riêng vụ tiêu năm 2014, do thâm canh, chăm bón tốt, thời tiết thuận lợi nên sản lượng tiêu của gia đình anh đạt tới 70 tấn, trừ chi phí lãi tới 5 tỷ đồng.

Biến đồi hoang thành trang trại

Chỉ mới qua hơn 2 năm, anh Nguyễn Văn Xoan - Chủ nhiệm HTX và các thành viên của HTX Chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Phú Sơn đã cải tạo biến khu đồi hoang rộng hàng chục ha ở xã Ân Phú, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) thành trang trại lớn. Đến nay, trang trại của anh đã đưa ra thị trường 400 tấn lợn thương phẩm, 10.000 con lợn giống siêu nạc, tạo việc làm cho 16 lao động. Vốn điều lệ của HTX tăng từ 5 tỷ đồng năm 2012 lên 25 tỷ đồng năm 2014. Anh Xoan cho biết: “Năm 2015, HTX sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi và trồng 10ha cam, chanh các loại nhằm khai thác tối đa lợi thế về đất đai…”.

Liên kết để làm ăn lớn

Sau nhiều lần thất bại bởi phương thức chăn nuôi tự phát tiềm ẩn nhiều rủi ro, năm 2012, chị Phan Thị Hải, ở xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) đã liên kết với Công ty CP – Thái Lan đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng mô hình trại nuôi gà theo đúng thiết kế và yêu cầu kỹ thuật của họ và đã thành công. “Nhờ chăn nuôi theo mô hình khép kín, nhiệt độ bên trong trang trại luôn giữ ổn định 27 - 29 độ C nên đàn gà sinh trưởng tốt. Bởi liên kết với công ty nước ngoài, khâu dịch bệnh được kiểm soát tối ưu, cũng như không lo đầu ra” - chị Hải chia sẻ.

Thu trăm triệu đồng từ vườn đồi

Cách đây hơn chục năm, gia đình chị Quan Thị Giang, người dân tộc Tày ở bản Thôm Mèo, xã Xuân La, huyện Pắc Nặm (Bắc Kạn) còn là hộ nghèo, có năm phải nhận gạo cứu đói. Thông qua Hội ND, chị Giang được vay vốn Ngân hàng CSXH để cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn quả như hồng, mận, cam, quýt... Năm 2010, tích cóp được chút vốn, vợ chồng chị lại phát triển thêm mô hình nuôi ngựa bạch, ngựa thịt, nâng tổng thu nhập mỗi năm hơn 300 triệu đồng. Từ những kinh nghiệm thoát nghèo, làm giàu của gia đình mình, chị hướng dẫn lại cho nhiều hộ khác trong bản, nhất là kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi ngựa. Trong 4 năm qua, đã có 5 gia đình trong bản thoát nghèo từ sự giúp đỡ, hướng dẫn của vợ chồng chị Giang.

Làm giàu nhưng không quên giúp đỡ người khác

Anh Làn Mậu Thành, dân tộc Bố Y, thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương (Lào Cai) được xem là người đã đưa cây quýt thành cây xoá đói giảm nghèo cho bà con ở thung lũng vốn chỉ có cỏ tranh và đá hộc này. Hiện nay, anh Thành có diện tích đất trồng quýt trên 13ha và ươm được trên 5 vạn cây quýt giống để bán cho các hộ trong xã, huyện. Mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình anh đạt trên 1 tỷ đồng. Tạo công ăn việc làm liên tục cho 4 – 5 lao động. Làm giàu nhưng không quên giúp đỡ cho người khác cùng thoát khỏi khó khăn, anh Thành đã giúp đỡ 30 hộ về giống, vốn, kỹ thuật, công lao động và cho 4 hộ nghèo vay 20 triệu đồng không lấy lãi hàng năm để làm ăn.

Bí quyết trồng mía của ông Sáu Giáo

Trong khi đa số người trồng mía vẫn thấp thỏm, lo âu mùa nắng hạn, bị động chờ "nước trời" thì người nông dân Huỳnh Văn Giáo (còn gọi Sáu Giáo) ở xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, (Khánh Hòa) đã nghĩ ra sáng kiến để đạt hiệu quả kinh tế nhờ cơ giới hóa. Ông đã tự nghiên cứu cách lấy nước như thế nào để không phải phụ thuộc vào thời tiết và sáng chế loại máy cày ngầm đất để bón phân không bị trôi. Không chỉ cần cù, sáng tạo mà cách làm việc khoa học của ông đã giúp công việc luôn thuận lợi và đem lại lợi nhuận cao. Từ 47ha mía, gia đình ông thu lãi gần 1 tỷ đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động địa phương.

Vắt đất đồi ra bạc tỷ

Đó là cách nói ví von của nhiều người đối với ông Trịnh Huy Khuê, ở xóm 11, xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Năm 1990, ông Khuê đã mạnh dạn nhận cải tạo 5ha đất đồi bạc màu để trồng mía đường và các loại cây lương thực “lấy ngắn nuôi dài”. Năm đầu tiên thu hoạch mía, sau khi trừ chi phí, ông Khuê còn lãi 20 triệu đồng. Thừa thắng xông lên, ông mạnh dạn xin thầu thêm 25ha đất đồi bạc màu. Dành ra 10ha trồng mía, còn 20ha ông trồng cây lâm nghiệp như keo, bạch đàn, luồng. Thấy Nhà máy Đường Lam Sơn rất khó khăn trong việc mở rộng vùng mía nguyên liệu, ông Khuê đã đứng ra vận động, ứng vốn, giống, vật tư và hỗ trợ kỹ thuật cho hàng trăm hộ dân trong vùng trồng mía đường. Đến nay, vùng mía nguyên liệu do ông vận động xây dựng đã lên tới 400ha với 600 hộ ND tham gia. Ông Huy Khuê còn sắm 6 xe tải và nhiều máy móc để làm dịch vụ thu mua, vận chuyển mía nguyên liệu. Năm 2014 này ước tính ông có tổng doanh thu hơn 6 tỷ đồng.

Ông Tư “khuyến học”

Từ hai bàn tay trắng, sau nhiều năm nỗ lực chịu khó làm ăn, đầu tư đúng phương hướng, gia đình ông Hồ Sơn Tư, xã Xuân Hoà, huyện Xuân Lộc, (Đồng Nai) đã có trang trại rộng 35ha và cơ sở sản xuất gỗ dân dụng và mộc mỹ nghệ mỗi năm mang lại lợi nhuận hơn 2,8 tỷ đồng. Từ khi cuộc sống của gia đình ổn định, ông Tư có nhiều thời gian hơn trong các hoạt động xã hội. Ông đã đóng góp trên 12 triệu đồng xây dựng tuyến đường liên thôn trên địa bàn xã; hiến đất xây dựng các công trình công cộng; phối hợp với địa phương mở lớp đào tạo nghề mộc mỹ nghệ cho 50 công nhân. Tranh thủ thời gian rỗi, ông đến từng gia đình có hoàn cảnh khó khăn có con em đang đi học để tìm cách giúp đỡ. Nhiều học sinh, sinh viên được ông giúp đỡ, trao cho những suất học bổng có giá trị, giúp các em có tiền để nộp học phí, mua sách vở, tiếp tục đến lớp, đến trường học hành… Vì vậy mà nhiều người quen gọi với tên ông Tư “khuyến học”.

Bám biển làm giàu 

Là một trong những ngư dân tiên phong về đánh bắt xa bờ ở Bình Định, đội tàu cá của ông Bùi Thanh Ninh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn thường được người dân quê ông gọi là “tập đoàn” tàu cá ông Sáu Ninh. Hiện nay, đội đánh bắt thủy sản mang thương hiệu Sáu Ninh do ông gây dựng có 16 tàu cá, với tổng sản lượng đánh bắt bình quân khoảng trên 1.000 tấn hải sản/năm, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng trên 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 120 lao động với thu nhập trên 3 triệu đồng/ người/ tháng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem