63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2014”: Xây dựng và phát triển quê hương giàu mạnh

Thu Hà Thứ bảy, ngày 04/10/2014 06:21 AM (GMT+7)
Họ là những nông dân năng động, sáng tạo, không chỉ nghĩ cho bản thân và gia đình mình, mà luôn mong muốn với mong muốn được xây dựng và phát triển quê hương giàu mạnh. Bằng những việc làm cụ thể, họ tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, giúp đỡ những hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo... 
Bình luận 0

“Vua vàng trắng” đất Tây Ninh

Đó là biệt danh mà mọi người đặt cho ông Nguyễn Đăng Thuận ở thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên (Tây Ninh). Là cán bộ công đoàn huyện Tân Biên, năm 1992, ông Thuận xin nghỉ chế độ, rồi dồn tiền dành dụm mua đất sản xuất. Ông đi khắp Bình Dương, Đồng Nai học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cao su. Rồi ông “đổ” hết vốn vào trồng 30ha cao su. Nhờ năng động, dám nghĩ dám làm, mà giờ đây ông Thuận đã làm chủ 110ha cao su (60ha đang cho thu hoạch 3 năm trở lên và 50ha trồng mới), 70ha sắn và 22ha trồng mía. Mỗi năm gia đình ông thu lãi ròng gần 7 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Thuận còn tạo việc làm ổn định cho 30 lao động địa phương với mức lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

Bảo tồn và phát triển giống sâm Ngọc Linh

Về xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) hỏi người trồng sâm Ngọc Linh thì dân làng ai cũng bảo gặp chị Y Bắp. Vì chị đã có công đóng góp vào việc bảo tồn, phát triển giống cây dược liệu quý này. Chị Y Bắp trồng sâm Ngọc Linh từ ngày mới lập gia đình riêng. Ngày đó, sâm Ngọc Linh giá còn rẻ mạt, thậm chí có lúc không bán được. Song với ý chí muốn làm giàu từ cây sâm nên chị vẫn kiên trì tự thu hoạch hạt sâm ngoài tự nhiên mang về ươm giống, trồng và chăm sóc, tích lũy kinh nghiệm. Nhờ siêng năng mở rộng diện tích canh tác và sáng tạo trong cách nhân giống sâm Ngọc Linh, đến nay chị Y Bắp là người trồng sâm nhiều nhất huyện Tu Mơ Rông với diện tích 1ha sâm Ngọc Linh nhiều tuổi. Ngoài ra, chị Y Bắp còn sở hữu đàn trâu, bò, dê gần 50 con và 10ha trồng bời lời, nên gia đình chị có khoản thu nhập ổn định hàng năm tới 200 triệu đồng.

Bỏ thủ đô về làm trang trại đa canh

Tốt nghiệp trường trung cấp du lịch, có việc làm ổn định ở Hà Nội, nhưng chị Trần Thị Minh Lý ở xã Vũ Bản, huyện Bình Lục (Hà Nam) lại quyết tâm về quê lập nghiệp. Được Hội ND xã khuyến khích, chị bàn với gia đình mạnh dạn đấu thầu 10.000m2 đất để đầu tư xây dựng mô hình sản xuất đa canh. Năm 2010, khi có chút “lưng vốn” chị liên kết với Công ty CP Thái Lan nuôi lợn nái với hệ thống chuồng khép kín đảm bảo cách ly dịch bệnh. Đồng thời, chị đầu tư trên 7 tỷ đồng để trồng hoa lan Hồ Điệp trong nhà lưới có mái che khép kín công nghệ cao diện tích 500m2, trồng 1.000m2 thanh long ruột đỏ và nuôi cá trên diện tích 1.200m2 mặt nước. Nhờ đầu tư bài bản nên mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu lãi hơn 700 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 10 lao động và 12 lao động làm thời vụ.

Giúp người cũng là giúp mình

Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, năm 2011, ông Nguyễn Thất, sinh năm 1962, ở xã Quảng Sơn, Ninh Sơn (Ninh Thuận) đã chủ động đầu tư sản xuất nhiều loại cây trồng như mía, sắn, bắp, lúa… Nhờ chịu khó học hỏi, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, chủ động ký hợp đồng với nhà máy thu mua, chế biến cây mía đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông. Chỉ tính riêng vụ mía năm 2010-2011, tổng thu nhập từ mía của ông đã thu 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 400 triệu đồng, còn từ cây sắn lãi 100 triệu đồng. Hằng năm gia đình ông còn tạo điều kiện giúp đỡ giống, vốn cho 10 hộ nghèo tại địa phương, không tính lãi; tạo công ăn việc làm thời vụ cho lao động địa phương, với mỗi năm 16 – 17 nghìn công. Ngoài ra, ông còn làm thêm dịch vụ thu mua cây sắn, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản hàng hóa cho bà con. Tính tổng thu nhập một năm của gia đình ông đạt trên 7 tỷ đồng.

Ông chủ nhiệm tận tâm

Nằm trong danh sách 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014, ông Đặng Thế Chuyền, bản Thống Nhất, xã Bình Lư, Tam Đường (Lai Châu) không chỉ nổi bật với những thành tích xuất sắc trong sản xuất miến dong mà còn được bà con xã viên HTX Duy Sơn kính nể vì sự tận tâm của mình. Là Phó Chủ nhiệm HTX, ông đã góp phần đưa đời sống của bà con xã viên ngày một nâng cao. Điển hình là việc xây dựng thương hiệu, mã vạch, giấy chứng nhận đánh giá chất lượng sản phẩm miến dong Bình Lư hợp vệ sinh. Đảm bảo mức lương cho xã viên ổn định 4-5 triệu đồng/tháng. Tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động và 15 lao động thời vụ. Bên cạnh đó, ông còn tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm miến dong của HTX. Đến nay, sản phẩm miến dong Bình Lư đã được người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2013, tổng thu nhập của gia đình ông Chuyền đạt 300 triệu đồng.

Đạt danh hiệu ND giỏi nhờ trồng lúa

Anh Huỳnh Hoa Kim, dân tộc Hoa, ngụ ở ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có 10ha đất chuyên trồng lúa. Những năm trước, anh chuyên trồng các giống lúa thơm ngắn ngày dòng OM như OM 4900, OM 6161... Từ năm 2012, thực hiện chủ trương nâng cao giá trị sản xuất lúa, anh Kim trồng thêm các giống lúa ST5. Bình quân, mỗi ha lúa của gia đình anh Kim cho năng suất 7 tấn. Với 2 vụ lúa chính trong năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Kim còn lãi hơn 100 triệu đồng…

Chuyển đổi cây trồng, vững bước thành công

Bắt đầu lập nghiệp từ những năm 1986 nhưng chính cách làm ăn manh mún, sản xuất nhỏ lẻ nên gia đình ông Bùi Ngọc Lê, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận (Bình Thuận) hết sức bấp bênh. Năm 1988, khi thị trấn phát động phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ông Lê quyết định chuyển từ cây trồng ngắn ngày sang trồng cây có giá trị kinh tế cao với 400 trụ thanh long. Thấy trồng thanh long hiệu quả kinh tế cao, ông bàn với gia đình vay 700 triệu của Ngân hàng NNPTNT, mở rộng diện tích lên 10ha (1.000 trụ) theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Áp dụng tốt kỹ thuật, đầu tư máy móc, hạ trạm biến áp, chong đèn cho thanh long ra quả trái vụ. Từ đó, thu nhập của gia đình ông nâng cao rõ rệt, sau khi trừ chi phí thu lãi 1,3 tỷ đồng/năm. Không chỉ làm ăn giỏi, ông Lê còn tích cực đóng góp xây dựng Quỹ HTND, Quỹ Hội và các phong trào tại địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới.

Nuôi lợn làm giàu

Là một ND năng động, không cam chịu cảnh nghèo, chị Nguyễn Thị Hương ở xã Trung Thành, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) luôn trăn trở tìm cách để thoát nghèo. Năm 1996, chị Hương mua thử 100 con gà về nuôi, thấy có lãi chị mở rộng quy mô nuôi lên 500 con/lứa. Tích lũy được chút vốn, chị lại chăn nuôi thêm lợn thịt lên 20 con/lứa. Năm 2000, chị tiến hành cải tạo chuồng cũ, xây thêm chuồng mới đảm bảo tiêu chuẩn để nuôi lợn nái và lợn thịt với quy mô lớn. Với 190 lợn nái sinh sản, mỗi năm chị xuất bán hơn 30.000 tấn lợn hơi, doanh thu đạt hơn 16 tỷ đồng, trừ chi phí chị bỏ túi 800 triệu đồng/năm.

“Kỹ sư” lúa giống

Với 4.000m2 đất ruộng bố mẹ cho khi lập gia đình riêng, anh Hồ Bá Phiêu, ở phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt (Cần Thơ) đã thử nghiệm sản xuất lúa giống để bán nhằm tăng thêm thu nhập. Năm 2006, anh thí điểm sản xuất giống lúa theo hình thức “cấy lúa một tép”. Với cách làm này, 100 công ruộng anh cho sản xuất 2 vụ đạt tổng sản lượng 120 tấn lúa giống, doanh thu đạt tương đương 960 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 570 triệu đồng/năm. Năm 2010, anh đứng ra thành lập Câu lạc bộ Sản xuất lúa giống Bá Khem gồm 6 thành viên với diện tích sản xuất lúa giống là 35ha nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn giống lúa chất lượng cao cho thị trường.

Vươn ra biển lớn

Sinh ra và lớn lên ở miền biển xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), ông Trần Đình Ánh sớm nhận ra bất cập trong dịch vụ hậu cần nghề cá, sửa chữa và đóng mới tàu thuyền đi biển. Năm 2009, ông Ánh mạnh dạn đầu tư 6 tỷ đồng mở xưởng đóng tàu. Khi tích lũy đủ vốn và kiến thức, cơ sở của ông bắt đầu đóng mới tàu cá vỏ gỗ công suất lớn, với con tàu đầu tiên có công suất 500CV, đảm bảo kỹ thuật, chất lượng và điều kiện đánh bắt xa bờ. Giữ chữ tín trong làm ăn nên khách hàng tìm đến ông ngày một đông. Đến nay cơ sở của ông Ánh đã đóng mới 13 con tàu có công suất 800 -1.020CV. Ngoài ra cơ sở ông còn cải hoán, sửa chữa hàng nghìn con tàu cho bà con ngư dân. Nhờ đóng tàu mà mỗi năm gia đình ông có thu nhập hơn 600 triệu đồng. Cuộc sống khấm khá, ông Ánh đã giúp đỡ cho 14 trường hợp tàu gặp nạn với số tiền 140 triệu đồng không hoàn lại.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem