67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ghi nhận trên chiến trường xưa

Vinh Duy Thứ sáu, ngày 07/05/2021 07:00 AM (GMT+7)
Đến với Điện Biên Phủ hôm nay, nhìn những xác xe tăng, ổ trọng liên, giao thông hào, Hầm Đờ Cát, cầu cứng Mường Thanh… lòng lâng lâng xúc cảm; khâm phục ý chí kiên cường, truyền thống bất khuất “Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” của Quân đội ta, của cha ông ta.
Bình luận 0

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu", Thị xã Điện Biên Phủ được thành lập ngày 18/4/1992. Hiện nay là thành phố Điện Biên Phủ, có 12 đơn vị hành chính gồm 7 phường, 5 xã, với tổng diện tích 308,18 km2, dân số trên 80.366 người. Trải qua 67 năm, kể từ ngày chiến thắng, với sự chung tay xây dựng Điện Biên Phủ của Đảng, nhà nước, quân và dân các dân tộc, thành phố Điện Biên Phủ ngày càng phát triển mạnh mẽ; phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025.

Kỉ niệm 67 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ghi nhận trên chiến trường xưa  - Ảnh 1.

Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nơi lưu giữ nhiều kỷ vật trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Vinh Duy)

Đến với Điện Biên Phủ hôm nay, nhìn những xác xe tăng, ổ trọng liên, giao thông hào, Hầm Đờ Cát, cầu cứng Mường Thanh… lòng lâng lâng xúc cảm;  khâm phục ý chí kiên cường, truyền thống bất khuất " Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng" của Quân đội ta, của cha ông ta.

Dưới cái nắng chói chang của những ngày đầu hạ, tình cờ gặp được cựu chiến binh Phạm Đức Cư - nguyên trợ lý tham mưu Tiểu đoàn 394, thuộc Đại đoàn 351, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 5/1954). Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Cư cũng như nhiều động đội khác đã ở lại Điện Biên lập nghiệp; hiện ông sống tại phường Nam Thanh, TP.Điện Biên Phủ. Gần 70 năm trôi qua nhưng trong kí ức của người cựu binh đã ở tuổi "đại thượng thọ" này về những ngày "Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt..." (thơ Tố Hữu) vẫn như một thước phim sống động. 

Ông Cư kể: Ngày ấy tôi rời quê hương Thái Bình cùng hàng ngàn đồng đội lên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trong đội ngũ của Đại đoàn 351. Ngày ấy Điện Biên Phủ còn nhiều rừng, mùa Đông sương mù dày đặc, lạnh đến thấu xương. Bộ đội ta thì thiếu từ miếng ăn tới quần áo, chăn, màn nhưng khí thế lắm, ai cũng muốn được trực tiếp tham gia trận đánh, muốn là người trực tiếp đánh thù. Chúng tôi là lính pháo nên có cái vất vả riêng của lính pháo. Khe sâu, đường trơn, dốc cao, pháo thì nặng nhưng khi ấy, khẩu pháo là một trong những vũ khí hiện đại nhất của ta nên phải luyện tập sử dụng và bảo vệ rất cẩn trọng. 

Kỉ niệm 67 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ghi nhận trên chiến trường xưa  - Ảnh 3.

Nghĩa trang Liệt sỹ A1, nơi yên nghỉ của hàng nghìn anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc. (Ảnh: Thu Hường)

Đồng chí Tô Vĩnh Diện là một trong những điển hình hi sinh mình, bảo vệ pháo. Khi bị khẩu pháo nặng hơn 2 tấn đè lên người, trong phút hấp hối, đồng chí ấy vẫn hỏi các đồng đội quanh mình: Pháo có bị sao không ? Ngày ấy không phải chúng tôi không sợ hi sinh nhưng chúng tôi hiểu rằng nếu có phải hi sinh thì sự hi sinh ấy của chúng tôi là xứng đáng. Tâm niệm ngày ấy của chúng tôi là cố gắng đóng góp nhiều công, sức, kể cả máu của mình vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc mai sau. Ngày ấy, chúng tôi luôn tiến lên với một niềm tin tất thắng.

Đúng như lời ông Cư tâm sự, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc với chiến thắng vang đội. Không chỉ đánh thắng kẻ thù to lớn trên mảnh đất xa xôi và gian khó, ngay sau chiến thắng, quân và dân các dân tộc Điện Biên, dưới sự lãnh đạo của Đảng lại bắt tay vào xây dựng đại chiến trường Điện Biên Phủ thành đô thị phát triển ở vùng Tây Bắc. Sau bao tháng ngày bới đất, lật cỏ, tìm xác đồng đội, sàng lọc bom mìn, dây thép gai; phát huy lợi thế cánh đồng Mường Thanh, xây dựng nông trường mới Mường Ẳng… thành phố Điện Biên Phủ hôm nay đã có những thay đổi to lớn, phát triển theo hướng đô thị miền núi, xứng đáng là một trong những đô thị lớn trong khối những "Hòn ngọc của Tổ quốc".

Kỉ niệm 67 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ghi nhận trên chiến trường xưa  - Ảnh 4.

Một góc thành phố Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao (Ảnh: Thu Hường).

Đến nay, Điện Biên Phủ đã hình thành nhiều lợi thế của thành phố du lịch miền núi. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ gồm: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng; các cứ điểm Him Lam, Bản kéo, Độc lập; Các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (Khu hầm Đờ Cát). Đời sống của bà con các dân tộc anh em trên mảnh đất này ngày càng được cải thiện.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ TP. Điện Biên Phủ tập trung chỉ đạo là đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng hiện đại. Huy động mọi nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, tập trung công tác quản lý quy hoạch đô thị, quản lý đất đai, khai thác nguồn lực đầu tư từ đất để triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm trên địa bàn như: Dự án cải tạo nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên, dự án đường 60m, dự án hạ tầng kỹ thuật khung, Khu đô thị Nam Thanh Trường…

Kỉ niệm 67 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ghi nhận trên chiến trường xưa  - Ảnh 5.

Trung tâm thành phố Điện Biên Phủ (Ảnh: Vinh Duy).

Ông Lê Tiến Dũng – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ trong phát triển đô thị, thành phố Điện Biên Phủ đã sử dụng 32,18 triệu USD vốn vay ưu đãi từ ngân hàng thế giới (WB), đầu tư 9 dự án cho phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó 5 dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng; 4 dự án đang trong quá trình thực hiện, dự kiến hoàn thành vào tháng 6 năm 2022. Các công trình được đầu tư, hoàn thành đã và đang phát huy giá trị đầu tư, từng bước thay đổi từ diện mạo đến sinh kế của người dân.

Kỉ niệm 67 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ghi nhận trên chiến trường xưa  - Ảnh 6.

Đồi A1, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa bộ đội Việt Minh và quân Pháp (Ảnh: Vinh Duy).

Dưới chân đồi A1, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Mai, 62 tuổi, quê ở Thuỷ Nguyên, Hải Phòng đang hướng đôi mắt trầm tư lên đồi A1. Bà bảo: Bác tôi đã hi sinh ở ngọn đồi này khi tôi còn chưa được sinh ra. 20 năm nay, vài ba năm 1 lần, đến ngày chiến thắng Điện Biên Phù, tôi lại lên đây thắp hương cho bác và các linh hồn liệt sỹ đã ngự lại nơi đây. Mỗi lần đến đây, tôi lại cảm nhận được những thay đổi trong đời sống kinh tế, xã hội của thành phố này. Tôi thấy Điện Biên thay đổi rất nhiều. Không chỉ rừng Đại tướng, hầm Đờ Cát, Đồi A1... được bảo tồn, trùng tu, cải tạo, nâng cấp mà cuộc sống của người dân nơi đây cũng ngày một đi lên. Đó chắc cũng là điều mà bác tôi và bao anh hùng liệt sỹ, các cựu chiến binh khác từng tâm nguyện mỗi khi xung trận. 

Kỉ niệm 67 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ghi nhận trên chiến trường xưa  - Ảnh 7.

Tượng đài chiến thắng, điểm nhấn cho khách thăm quan du lịch chiến trường Điện Biên Phủ (ảnh: Vinh Duy).

Kỉ niệm 67 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ghi nhận trên chiến trường xưa  - Ảnh 8.

Cánh đồng Mường Thanh chạy dọc theo bờ sông Nậm Rốm xòe ra như cánh hoa ban ôm lấy các di tích lịch sử của trận chiến ngày nào. (Ảnh: Vinh Duy)

Dừng chân bên cánh đồng Mường Thanh, ngắm những vạt lúa đang kì chắc hạt, chợt nhớ lại lời tâm sự của Cựu chiến binh Điện Biên Phủ - ông Nguyễn Văn Ký (phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La): Ngày ấy, chúng tôi tham gia chiến dịch chỉ với mơ ước sau này toàn thắng, đất nước có chủ quyền, có độc lập dân tộc là chúng tôi có đất để sản xuất, có cơm để ăn no, có áo để mặc ấm. Không ai nghĩ được cái lòng chảo heo hút ấy lại trở thành thành phố; cánh đồng Mường Thanh lại trở thành vựa lúa thơm xuất khẩu như hôm nay.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem