67 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Những ngày Điện Biên rưng rưng

Mai Nguyên Thứ sáu, ngày 07/05/2021 06:16 AM (GMT+7)
“Chỗ này, cả tiểu đoàn đấy, thuộc Đại đoàn 312 cả, toàn đồng đội tôi đấy” - một người lính già mắt đỏ hoe trước ngút ngàn ngôi mộ chưa biết tên ở nghĩa trang liệt sĩ Độc Lập, TP.Điện Biên Phủ. Gần 70 năm sau chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, hồi ức Điện Biên vẫn rưng rưng với rất nhiều người.
Bình luận 0

"Gan không núng, chí không mòn"

"Buổi chiều ngày 7/5 ấy, nghe tin chiến thắng, tất cả chúng tôi ùa ra khỏi hầm hào và hò reo. Tiếng reo hò lâu lắm, cứ như là dội cả vào đá núi, phải đến 30 phút. Lúc đó tôi mới thấy trời sáng, mới biết mình còn sống" - ông Phạm Đức Cư - Trung đội trưởng Trung đội pháo cao xạ chiến dịch Điện Biên Phủ, nhớ lại như vậy trong một ngày trở lại thăm chiến trường Điện Biên Phủ mấy năm trước. 

Ông Cư nói ông không bao giờ quên những ngày tháng không phân biệt nổi ngày và đêm khi ấy, khi trên đầu là máy bay gầm rú, dưới đất là súng nổ, pháo bắn ầm ầm. Không ai nhận ra Tây Bắc đang mùa hoa ban, "Cảm giác chết chóc vây quanh mình, khói khét lẹt, đất trời tối sầm". Ngày xưa, ông là 1 trong 10 người được cử đi Trung Quốc học pháo binh. Tiểu đoàn 394 thuộc Trung đoàn 367 của ông là 1 trong 2 tiểu đoàn được giao nhiệm vụ kéo pháo vào lòng chảo Điện Biên, rồi lại kéo pháo ra, thực hiện chuyển đổi từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". "Đại bác trong Mường Thanh bắn ra loạn xạ, kéo pháo gian khổ vô cùng. Chính lúc đó, anh Tô Vĩnh Diện hy sinh lấy thân mình chèn pháo. Chúng tôi có 24 khẩu pháo, quý như vàng. Đó là mồ hôi, nước mắt, cả máu, cả hy sinh ở đấy" - ông Cư bùi ngùi.

67 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2021): Những ngày Điện Biên rưng rưng - Ảnh 1.

Đại tá Nguyễn Việt và vợ trong chuyến thăm lại Điện Biên năm 2014, thắp hương cho đồng đội ở Nghĩa trang Độc Lập. Ảnh: M.L

Không có tấm huân chương nào được gắn cho những người phụ nữ ấy. Đại tá Nguyễn Việt không nói từ biết ơn với vợ mình, nhưng mấy năm trước, ông nhất định không chụp ảnh kỷ niệm nếu không có bà khi quay lại thăm Điện Biên. Những tấm ảnh bên di tích năm xưa, đều phải có đủ cả ông bà.

"Chúng tôi quần thảo với địch suốt cả chiến dịch. Ngày 16, 17/3 là ác liệt nhất. Đại đội 827 bị trúng hai quả bom, đại đội trưởng, đại đội phó và mấy pháo thủ hy sinh" - ông Cư kể.

Ký ức Điện Biên rưng rưng trong lời kể của đại tá Nguyễn Sỹ Lộc, người trực tiếp tham chiến tại trận mở màn đánh đồi Him Lam: "Trận Him Lam, chúng tôi chiếm được điểm cao rồi nhưng không có cờ cắm trên cứ điểm đâu, một lúc sau mới có cờ. Vì người cầm cờ hy sinh khi chạy lên rồi". Chưa từng có trận đánh nào mà có ba đồng chí được tuyên dương anh hùng ở ba cứ điểm. Đó là các anh hùng Phan Đình Giót, Trần Can và Hà Văn Ngoạn.

Đại tá Nguyễn Việt, năm 1954 là Trưởng phòng trinh sát Bộ tổng tham mưu. Khi còn khoẻ, ông từng trở lại Điện Biên nhiều lần. Năm 2004, kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên, ông cùng vợ về lại khu rừng Đại tướng. Năm 2014, kỷ niệm 60 năm, ông cũng cùng vợ tự tay thắp từng nén hương trước mộ những người đồng đội ở nghĩa trang liệt sĩ Độc Lập...

Đại tá Phạm Đức Cư thì vẫn đau đáu khi nhắc tới những đồng đội vẫn chưa biết tên dù đã đi qua hơn nửa thế kỷ. Năm 2014, ông Cư đã hiến tặng 5 kỷ vật Điện Biên Phủ mà mình lưu giữ như máu thịt cho Bảo tàng chiến thắng Điện Biên: "Bao năm người ta vẫn xin nhưng tôi chưa đồng ý. Nhưng giờ, lớp chúng tôi cũng không còn mấy nữa, tôi đem tặng lại để người ta hình dung được ngày xưa".

Đằng sau cuộc chiến

Có một góc đằng sau cuộc chiến Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, mà ít người nhắc đến, là những hậu phương của những người lính. Trong những cuộc gặp gỡ các cựu binh trở về từ chiến thắng "chấn động địa cầu" năm 1954, bên cạnh những trận đánh, bên cạnh những vết thương, cái chết..., là sự tri ân không che giấu của họ với những người phụ nữ của mình - những người lặng lẽ suốt cuộc đời đi bên cạnh những tấm huân chương.

67 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2021): Những ngày Điện Biên rưng rưng - Ảnh 3.

ÔNg Phạm Đức Cư kể lại ký ức Điện Biên Phủ 1954. Ảnh: M.L

Thế hệ chiến sĩ Điện Biên bây giờ, người mỗi năm mỗi vắng. Chỉ có những câu chuyện vẫn còn lại, sống động, rưng rưng... Bản Mường Phăng, người ta vẫn kể cho nhau nghe về khu rừng Đại tướng, dù người lính cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại bản - cụ Lò Văn Bóng, cũng đã ra đi từ 8 năm trước.

Năm 1949, anh lính trẻ Phạm Bá Miều nhập ngũ mang theo một lời hẹn với người bạn gái cùng quê, rằng hết chiến tranh hai người sẽ làm đám cưới. Chỉ một lời thế, rồi ông đi mải miết, thư từ cũng thưa thớt theo những đợt hành quân, không có cả cơ hội để báo tin về rằng mình vẫn còn sống. Bà chỉ biết ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, những ngày ác liệt nhất, "máu trộn bùn non", những ngày đồng đội ông ngã xuống mà không ai kịp thắp một nén hương. Từng ấy năm bặt tin, tưởng như bà không đợi nữa, thế mà vừa hết chiến dịch Điện Biên, ông nhận được thư nhà nói gia đình tổ chức đám cưới cho ông và bà. Bà theo ông về trong một đám cưới không có chú rể, không thách cưới, chỉ vài mâm cơm mời họ hàng.

Ông hết chiến dịch Điện Biên Phủ lại lên Phú Thọ nhận nhiệm vụ, chẳng ghé qua nhà dù chỉ một ngày, chẳng kịp cả nhìn mặt cô dâu. Nhưng chỉ một lời trước khi ra trận, bà chờ ông, theo ông không toan tính: "Đã hẹn rồi thì cứ tin tưởng thôi". Cũng vì những ngày tháng đó, mà ông vẫn luôn day dứt. Hết chờ ông suốt ngày tháng Điện Biên, gần 20 năm bà lại theo ông ở nơi đất tận cùng biên ải khai hoang, rừng thiêng nước độc, cắn răng chịu đựng. Ngày sinh đứa con thứ ba, vì vất vả quá và bị băng huyết rồi mất đứa con, bà cũng không nửa lời oán thán. Ông vẫn trách mình, vì để bà chịu đựng: "Bà ấy vất vả quá, mổ xong cứ yếu dần đi, chỉ nằm một chỗ mấy năm rồi mất".

Suốt chiến dịch Điện Biên, đại tá Nguyễn Việt vì nhiệm vụ đặc biệt, không thể được thư từ về nhà, cũng không thể báo tin cho vợ biết mình đang làm gì. Lấy ông từ năm 1950, khi ông lăn lộn tại lòng chảo Điện Biên cũng là lúc bà đang mang thai đứa con đầu lòng. Tháng 5 chiến thắng Điện Biên thì tháng 7 bà sinh. Một mình bà vào rừng sinh con, mình bà ôm con thiếu sữa khóc ngằn ngặt, xin từng chút nước đường cho con uống tạm. Mãi sau chiến thắng, ông về nhà nghỉ phép tháng 10/1954 mới hay mình lên chức bố. Vậy mà niềm vui có con trai cũng chỉ vỏn vẹn 3 ngày rồi ông lại tất bật trở lại Thủ đô làm nhiệm vụ. Còn bà vẫn tiếp tục chờ, thậm chí đến cả một lá thư trách móc cũng chưa từng viết, một bức điện gọi ông về những ngày gian khổ bà cũng không hề có ý định gửi.

Có người không may mắn trở về như ông Miều, ông Việt, họ bỏ lại quê nhà những người mỏi mòn chờ đợi. Đại tá Phạm Đức Cư không bao giờ quên một lần ông bắt buộc phải nói dối. Ấy là khi về thăm nhà người đồng đội hy sinh trong 56 ngày đêm chiến dịch. Phút lâm chung, người lính tên Vân có gửi ông quyển nhật ký và tấm ảnh cô người yêu tên Ngân rồi ra đi. Giữ lời hứa, ông mang kỷ vật đồng đội về quê anh. Nhưng nhìn cô gái trẻ vẫn mỏi mòn chờ tin người yêu, nhìn người mẹ chờ con đỏ mắt, ông không nỡ nói sự thật. Ông chỉ dám nói mình là đồng đội của Vân ghé qua thăm, gửi lại thư rồi đi. 

Gần 60 năm, ông cứ đau đáu về đồng đội, về cô gái trẻ vẫn chờ người yêu trong vô vọng ấy. Nhiều năm sau cuộc chiến, ông có nhận thư của cô, nói đã biết tin người yêu hy sinh, mời ông về tham dự lễ truy điệu của xã. Lúc ấy cô vẫn chưa lấy chồng. Kể từ đó ông bặt tin cô. Thời gian quá lâu, ông không còn nhớ tên đầy đủ, cũng không còn nhớ địa chỉ quê cũ của đồng đội nữa. Không ai biết cô gái tên Ngân ngày đó giờ ra sao...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem