7 danh vị của nữ hoàng duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam

Út Tẻo Thứ hai, ngày 27/10/2014 07:29 AM (GMT+7)
Trên Báo điện tử DanViet.vn (09:00 - 14.9.2014) có bài "Chuyện độc nhất vô nhị: hai vợ chồng đều ở ngôi vua" của tác giả Hai Miệt Vườn. Bài viết có đề cập đến nhân vật lịch sử Lý Chiêu Hoàng. Đọc xong, chúng tôi xin được bổ sung thêm 7 danh vị khác nhau của vị nữ hoàng duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Bình luận 0

Như ta đã biết, Lý Phật Kim chào đời vào tháng 9 năm Mậu Dần (1218) là con của hoàng đế Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung, nên bà được sắc phong làm Chiêu Thánh công chúa. Đó là danh vị đầu tiên trong cuộc đời của người con gái quý tộc này.

img

Vua Lý Huệ Tông.

Khi vua cha Lý Huệ Tông bệnh tình càng nặng, nhằm những mục đích khác nhau, Trần Thủ Độ đã gây sức ép buộc vua phải xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng Thái tử. Đây là chức danh mà theo truyền thống của nhà nước phong kiến sẽ là nối ngôi thiên tử. Đây là chứ danh thứ hai.

Một thời gian ngắn sau, Lý Huệ Tông nhường ngôi cho bà. Lên ngôi ở tuổi còn rất nhỏ nhưng lịch sử cũng đã ghi nhận Lý Chiêu Hoàng – vị nữ hoàng duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Ở ngôi vua, bà lấy niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo (nghĩa là Đạo Trời sáng tỏ). Nhưng chỉ được mấy tháng, dưới sức ép của họ Trần, bà lại xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Cặp "vợ chồng" này hơn kém nhau một tuổi và nên vợ nên chồng là do thời thế, họ chỉ mới 7 – 8 tuổi đầu. Chồng làm vua, bà lại trở thành Chiêu Thánh hoàng hậu.

Trần Thái Tông là một vị vua tài giỏi, nhân đức và rất am tường Phật giáo, được sử sách khen ngợi. Sách Việt sử tiêu án viết: Vua là người khoan nhân, có độ lượng đế vương, lập ra chế độ, điển chương đã văn minh đáng khen, nhưng chỉ vì tam cương lộn bậy, nhiều sự xấu xa trong chốn buồng khuê…

Đại Việt sử ký toàn thư bình rằng: Vua khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, cho nên có thể sáng nghiệp truyền dòng, lập kỷ dựng cương, chế độ nhà Trần thực to lớn vậy. Song quy hoạch việc nước đều do Trần Thủ Độ làm và chốn buồng the cũng có nhiều điều hổ thẹn.

Những điều mà sử sách cho là hổ thẹn đó liên quan đến việc Trần Thái Tông bị ép phải phế bỏ ngôi vị hoàng hậu Chiêu Thánh vì lý do không sinh được con, rồi lấy chị dâu làm vợ, về sau lại đem vợ mình là Chiêu Thánh gả cho tướng Lê Tần (Lê Phụ Trần) như một phần thưởng đền ơn.

Chiêu Thánh hoàng hậu bị phế vào tháng Giêng năm Đinh Dậu (1237), Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: Lập công chúa Thuận Thiên họ Lý, là vợ của Hoài Vương Liễu, anh vua, làm hoàng hậu Thuận Thiên. Giáng Chiêu Thánh làm công chúa.

img

Tượng Lý Chiêu Hoàng ở Bắc Ninh.

Bấy giờ Chiêu Thánh không có con mà Thuận Thiên đã có mang Quốc Khang 3 tháng. Trần Thủ Độ và công chúa Thiên Cực bàn kín với vua là nên mạo nhận lấy để làm chỗ dựa về sau, cho nên có lệnh ấy.

Nguyên do là làm vợ Trần Thái Tông hơn 10 năm mà vẫn chưa sinh cho vua được con trai nối dõi nên Thái sư Trần Thủ Độ sợ vua không có người thừa tự mới ép vua rằng: Hoàng hậu Chiêu Thánh làm vợ đã hơn 10 năm mà không sinh nở thì làm sao có hi vọng về sự nối dõi sau này, phải chọn một hoàng hậu khác!.

Thực ra Chiêu Thánh đã một lần sinh nở, người con đầu tiên của bà và cũng là kết quả của mối tình chồng vợ với vua Trần Thái Tông sinh ra năm Quý Tị (1233) được đặt tên là Trần Trịnh. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: Hoàng thái tử sinh, tất phải chép rõ ngày, tháng, năm sinh; khi mất cũng thế. Đây chỉ chép khi mất, có lẽ là vừa mới sinh đã chết ngay, nên không chép ngày tháng sinh.

Bao biến động xảy ra, công chúa Chiêu Thánh buồn cho số phận nên đã đi tu. Nhưng chỉ được thời gian ngắn lại phải quay trở về cung cấm.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất (1257- 1258) có một vị tướng là Lê Tần lập được nhiều chiến công, đặc biệt là công cứu vua Trần Thái Tông trong một trận đánh diễn ra vào giữa tháng 12 năm Đinh Tị (1257) nên được vua đổi tên là Lê Phụ Trần.

Sau khi đánh đuổi quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi, Trần Thái Tông định công ban thưởng cho quần thần, nghĩ đến công lớn của Lê Tần, vua không chỉ phong tước mà còn gả vợ cũ của mình cho ông.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: Mậu Ngọ, năm thứ 8 (1258). Tháng giêng, mùa xuân. Đem Hoàng hậu cũ là Lý thị gả cho Ngự sử Đại phu Lê Phụ Trần…Nhà vua bảo Lê Phụ Trần rằng: Nếu trẫm không có nhà ngươi giúp sức, thì làm gì được có ngày nay, nhà ngươi nên cố gắng để cùng làm tròn sự nghiệp sau này.

Tướng Lê Phụ Trần tên thật là Lê Tần (còn gọi là Lê Tân Trần) quê ở Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay), theo Lê Tần miêu duệ và Cổ Mai bi ký thì: Lê Tần (tự là Lê Kính), Tần là con trai Lê Khâm, là thân phụ của Trần Bình Trọng”; một số tài liệu cho hay Lê Khâm là cháu nhiều đời của vua Lê Đại Hành nhà Tiền Lê.

Như vậy Lê Phụ Trần không chỉ là võ tướng mà còn là văn thần có tài, mưu lược, đức hạnh được tin dùng làm thầy dạy Thái tử Khâm (sau lên ngôi là vua Trần Nhân Tông). Cuộc đời ông làm quan trải các triều vua Trần Thái Tông (1225 - 1258), Trần Thánh Tông (1258 - 1278) và Trần Nhân Tông (1279 - 1293).

Theo Việt Nam đại hồng sử, sau khi được gả cho Lê Phụ Trần, Chiêu Thánh theo chồng về ở tại đất Bạch Hạc (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) rồi không lâu sau họ cùng nhau trở về quê ông nơi đất Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay).

Với danh nghĩa Phu nhân tướng quân trong một cuộc hôn nhân gượng ép nhưng lại mang đến nhiều hạnh phúc cho bà. Chỉ một năm sau ngày cưới, tức năm Kỷ Mùi (1259), Chiêu Thánh sinh hạ một người con trai đặt tên là Lê Tông, còn có tên khác là Lê Phụ Hiền (người này chính là danh tướng Trần Bình Trọng lừng danh với câu nói: Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc!), tiếp đó bà sinh thêm một gái, tên là Lê Thị Ngọc Khuê (sau này được tuyển vào cung làm vợ vua Trần Anh Tông, được tấn phong là Chiêu Hiến hoàng hậu (mẹ của hoàng tử Trần Mạnh, tức vua Trần Minh Tông).

Theo chính sử, Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng ) mất vào đầu năm Mậu Dần (1278) tại quê hương Cổ Pháp (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh), thọ 60 tuổi, lăng mộ đặt ở bên rừng Báng thuộc đất Đình Bảng, dân gian gọi đó là lăng Cửa Mả.

Vậy là kể từ khi sinh ra cho đến khi từ biệt cõi đời, với bao biến cố đã trải qua khiến bà trở thành một nhân vật có số phận đặc biệt nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 7 lần ở những danh vị khác nhau: 1. Công chúa triều Lý, 2. Hoàng Thái tử nhà Lý, 3. Nữ Hoàng đế nhà Lý, 4. Hoàng hậu nhà Trần, 5. Công chúa nhà Trần, 6. Nhà sư (thời Trần), 7. Phu nhân tướng quân nhà Trần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem