70% bệnh ung thư phát hiện ở giai đoạn muộn, khó điều trị

P.V Thứ sáu, ngày 03/11/2017 21:26 PM (GMT+7)
Ngày 3.11, tại Hội nghị quốc tế về kiểm soát bệnh ung thư do Bệnh viện K T.Ư và Viện nghiên cứu Phòng chống ung thư, tổ chức. Tỷ lệ chữa khỏi của tất cả các bệnh ung thư là khá cao nếu phát hiện sớm, đáng tiếc ở Việt Nam, có đến 70% các ca bệnh ung thư đều phát hiện ở giai đoạn muộn.
Bình luận 0

PGS.TS Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K T.Ư nhận định, đa số các ca ung thư ở Việt Nam hiện nay đều phát hiện ở giai đoạn muộn, khó điều trị, điều trị kéo dài, chi phí điều trị cũng rất lớn mà tỷ lệ tử vong cao.

img

Người dân nên đi khám sàng lọc để phát hiện ung thư sớm. Ảnh minh họa: IT

Theo PGS Thuấn, tỷ lệ bệnh nhân chữa khỏi ung thư tại Việt Nam khoảng 40%, chủ yếu là các bệnh dễ phát hiện sớm như ung thư vú, ung thư cổ tử cung. Nếu như được phát hiện sớm thì tỷ lệ sống lên đến 70-80% đồng thời chi phí điều trị cũng giảm nhẹ rất nhiều. “Tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư tại các nước phát triển trên 80%, nhờ chiến dịch sàng lọc phát hiện sớm bệnh. Nếu người bệnh Việt Nam cũng phát hiện sớm bệnh thì tỷ lệ chữa khỏi sẽ ngang với các nước phát triển” – PGS Thuấn cho biết

Hiện nay chi phí sàng lọc, phát hiện sớm ung thư chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Phó giáo sư Thuấn hy vọng trong thời gian tới bảo hiểm có thể chi trả phí tầm soát một số bệnh ung thư như ung thư vú, cổ tử cung, gan, ung thư đường tiêu hóa…

Việt Nam đã có nhiều thành tự trong công tác phòng chống ung thư: Từ việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống và phát hiện sớm ung thư, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tăng 5-10% tỷ lệ bệnh nhân ung thư được phát hiện sớm đồng thời giảm tỷ lệ tử vong của một số loại ung thư: vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư.

Tuy nhiên, điều khó khăn là hiện nay bảo hiểm y tế chưa chi trả cho việc khám tầm soát ung thư do đó chưa thúc đẩy được người dân đi khám. PGS Thuấn mong rằng thời gian tới, bảo hiểm y tế sẽ chi trả cho một số tầm soát ung thư với những bệnh có tỷ lệ mắc cao như ung thư vú, cổ tử cung, gan, ung thư đường tiêu hóa.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cũng nhấn mạnh, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước nghèo, đang phát triển. Hiện nay, mỗi năm tại Việt Nam có tối thiểu 126.000 trường hợp mới mắc và 94.000 trường hợp tử vong do căn bệnh ung thư. Tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư cao gấp 9 lần số người chết do tai nạn giao thông.

Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia, phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025. Phấn đấu đến năm 2025, 100% UBND các tình thành phố trực thuộc T.Ư có kế hoạch và đầu tư kinh phí triển khai thực hiện Chiến lược tại địa phương; 70% người trưởng thành hiểu biết về bệnh ung thư ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng cũng như nguyên tắc phòng, chống bệnh; Giảm 30% tỷ lệ hút thuốc của người trưởng thành so với năm 2015; giảm 10% tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại ở người trưởng thành so với năm 2015; 40% số người mắc một số bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm; giảm 20% tỷ lệ tử vong trước tuổi 70 do bệnh ung thư so với năm 2015…

Hội thảo quốc tế về kiểm soát ung thư có sự tham dự của hơn 300 đại biểu, chuyên gia về ung thư trong nước và 40 chuyên gia quốc tế đến từ Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Singapore…

Hội thảo nhằm học tập, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm một cách toàn diện trong lĩnh vực kiểm soát ung thư bao gồm: Dịch tễ  học và giám sát ghi nhận ung thư; Dự phòng và sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư; Các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư; Chăm sóc giảm nhẹ bệnh ung thư; Chi phí và hiệu quả trong phòng chống bệnh ung thư; Hỗ trợ tâm lý xã hội cho người bệnh ung thư và chương trình quốc gia phòng chống bệnh ung thư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem