Tính đến cuối tháng 12-2010, Ninh Thuận đã có tổng cộng 6.203 lao động nông thôn được đào tạo nghề, đạt 200% kế hoạch đề ra. Trong đó có 814 lao động thuộc diện hộ nghèo (13,1%), lao động thuộc diện khác là 5.389 người (86,9).
|
Nghề dệt ở Ninh Thuận sẽ được đưa vào dạy rộng rãi cho nông dân |
Ông Trần Anh Việt - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho hay, số lao động học các nghề nông nghiệp là 3.480 người, nghề phi nông nghiệp là 2.723 người. Số lao động nông thôn hoàn thành khóa học là 5.198 người, đạt tỉ lệ 83,8%. Tỉ lệ lao động nông thôn sau khi học nghề có việc làm đạt 70%. Con số này thống kê dựa trên khả năng áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất quy mô hàng hoá đối với lao động nông nghiệp. Còn với các lao động phi nông nghiệp, hầu hết các lớp dạy nghề đều kết nối với các doanh nghiệp thông qua hợp đồng trách nhiệm tạo việc làm cho lao động sau đào tạo.
Ninh Thuận là một trong số ít tỉnh có thống kê về tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo. Theo ông Việt, đó là cách để Ninh Thuận điều chỉnh lại các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn cho phù hợp với nhu cầu lao động của thị trường và của định hướng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp.
Tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị Tổng cục Dạy nghề chọn 2 mô hình điểm về dạy nghề cho lao động nông thôn là dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và gốm Chăm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước với tổng kinh phí 150 triệu đồng cho lao động nông thôn là đồng bào Chăm ở Ninh Thuận. Đây là 2 nghề đang thu hút rất nhiều lao động nông nhàn, cần có sự hỗ trợ để người dân nâng cao kỹ năng sản xuất, tự tạo việc làm, phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh. 2 nghề này sẽ được triển khai dạy cho bà con năm 2011.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng đã thành lập 4 trung tâm dạy nghề tại 4 huyện là Ninh Hải, Ninh Sơn, Bác Ái và Ninh Phước với tổng kinh phí 28 tỷ 800 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo và nguồn đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg.
Công Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.