Tại buổi họp báo về chương trình nâng cao chất lượng môi trường nông thôn TP vừa qua, ông Trần Minh Quân, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường, Sở TNMT TP cho biết, Sở đã dự thảo trình UBND TP kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP giai đoạn 2023 - 2025.
Theo đó, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025, có ít nhất 70% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; từ 98% trở lên chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý…
Về quy định phân loại rác tại nguồn, TP đã ban hành Quyết định số 1832/QĐ-UBND ngày 18/4/2017 của UBND TP.HCM về Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2017 – 2020, và Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 của UBND TP về phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, theo đánh giá của TP, kết quả phân loại rác thải tại nguồn chưa đạt mục tiêu đề ra do hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay còn dàn trải, chưa tập trung, phương tiện, thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chưa đồng bộ, hiện đại, tỉ trọng rác do lực lượng dân lập thu gom cao (60%).
Công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải dẫn đến khối lượng chất thải rắn xử lý bằng công nghệ chôn lấp cao (khoảng 75%).
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm của UBND TP cho thấy, khối lượng chất thái rắn sinh hoại của TP thu gom và vận chuyển về hơn 1,4 triệu tấn. Trung bình, hơn 9.500 tấn/ngày.
Mục tiêu của TP từ đây đến cuối năm là tiếp tục duy trì thường xuyên công tác kiểm soát ô nhiễm, giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, triển khai thực hiện Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030 trong năm 2023…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.