8 năm dùng Facebook kể chuyện trồng cam, không chỉ có "tích xanh", cơ sở này còn thu hàng tỷ đồng

K.Nguyên-Vũ Chương Chủ nhật, ngày 12/12/2021 19:20 PM (GMT+7)
Năm 2021 chứng kiến “làn sóng” đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử với tốc độ tăng trưởng bằng 5 - 6 năm qua cộng lại. Nhưng làm thế nào để quảng bá, tiêu thụ nông sản qua các nền tảng trực tuyến thành công vẫn là câu hỏi của không ít người.
Bình luận 0

Quan trọng là "sự xuất hiện"

Chia sẻ về kinh nghiệm đưa đặc sản cam Vinh Kỳ Yến lên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội tại Hội nghị nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NNPTNT) tổ chức mới đây, chị Nguyễn Thị Lê Na, người sáng lập và điều hành Công ty CP Nông nghiệp Sinh thái Ecovi (Nghệ An) cho biết, từ năm 2013, khi bắt đầu xây dựng thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến, Ecovi đã lập website và bắt đầu tận dụng mạng xã hội để truyền thông thông tin của mình tới khách hàng.

"Chúng tôi kiên trì sử dụng mạng xã hội kể những câu chuyện hàng ngày của mình cùng bà con nông dân trên đồng ruộng, chia sẻ những kiến thức tiêu dùng và canh tác hữu ích tới người tiêu dùng nên nhận được sự theo dõi rất nhiệt tình và bền vững của nhiều người" – chị Na cho biết.

Chị Na cho rằng, người tiêu dùng ở các thành phố luôn cảm thấy hào hứng và bị cuốn hút bởi những câu chuyện, bối cảnh và hình ảnh ở nông thôn, nhờ đó sẽ là cơ hội để giúp nông dân, hợp tác xã có thể kết nối và bán nông sản.

Bí quyết bán nông sản qua mạng thành công - Ảnh 1.

Cam Vinh Kỳ Yến đã có 8 năm được quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội. Ảnh: FB Cam Vinh Kỳ Yến.

"Trong điều kiện dịch bệnh, việc phân phối tiêu thụ hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử được xem là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, đặc biệt là những 2 sản phẩm đã đến mùa thu hoạch, không thể để quá thời gian và cần được bán trong thời gian sớm nhất".

Ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số

Để tiêu thụ thành công đặc sản cam Vinh trên các nền tảng trực tuyến, kinh nghiệm lớn thứ 2 của Ecovi là tận dụng công cụ internet trong thời đại kỹ thuật số để đưa nông sản tới tay người tiêu dùng một cách nhanh chông và thuận tiện, gần gũi hơn.

 "Hãy cố gắng kiên trì, tập trung và nghiêm túc chia sẻ những thông tin hữu ích về sản phẩm, về quy trình canh tác và về hướng dẫn tiêu dùng cho người xem. Chúng tôi đã làm nó suốt 8 năm nay, và gặt hái được vô cùng nhiều giá trị. Hiện tại, cả trang cá nhân lẫn trang doanh nghiệp của chúng tôi trên facebook đểu có tích xanh để tăng cường mức độ uy tín, mỗi năm chúng tôi tạo ra doanh thu hàng tỷ đồng từ kênh bán hàng ít tốn phí này" – chị Na cho biết thêm.

Ngoài ra, người sáng lập Ecovi cho rằng, "sự xuất hiện" rất quan trọng, nghĩa là đưa nông sản xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều chương trình và "dày mặt" trong rất nhiều cuộc xúc tiến thương mại.

Nhưng theo chị Lê Na, quan trọng nhất và là nền tảng để nông sản đến với người tiêu dùng đó chính là chất lượng sản phẩm.

 "Suốt 8 năm qua, chúng tôi không ngừng nỗ lực để nghiên cứu, tìm hiểu để nâng cao chất lượng sản phẩm. Chỉ khi chúng ta đanh thức được giác quan của người dùng bằng chính chất lượng sản phẩm thì chúng ta mới có chỗ đứng trong lòng khách hàng. Chúng tôi tìm ra cách canh tác cam sinh thái và nỗ lực để liên kết và hỗ trợ người nông dân có thể chuyển đổi phương thức canh tác sinh thái, giữ được hương vị tự nhiên của trái cam xưa" – chị Lê Na khẳng định.

8 năm dùng Facebook kể chuyện trồng cam, không chỉ có "tích xanh", cơ sở này còn thu hàng tỷ đồng  - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm bán hàng trên các nền tảng trực tuyến tại Hội nghị nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NNPTNT) tổ chức. Ảnh: P.V

Thương mại điện tử là trụ cột của kinh tế số

Theo ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đang trở thành một xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. 

Thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực trụ cột và tiên phong của nền kinh tế số, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

"Thương mại điện tử từ trước đến nay chủ yếu tập trung nhiều mảng hàng hóa tiêu dùng nhanh, hàng công nghiệp nhẹ, điện tử… Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh, việc phân phối tiêu thụ hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử được xem là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, đặc biệt là những 2 sản phẩm đã đến mùa thu hoạch, không thể để quá thời gian và cần được bán trong thời gian sớm nhất" – ông Hoàng nói.

Được biết, chương trình "Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia" trên các sàn thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì phối hợp với các Sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, Tiki được chính thức vận hành và đã mở ra kênh phân phối mới cho doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương đồng thời tạo ra kênh tiêu dùng mới uy tín đối với người tiêu dùng cả nước.

 Lần đầu tiên, cả 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam bao gồm Sendo, Voso, Tiki, Postmart, Shopee và Lazada đồng loạt mở bán vải thiều Bắc Giang và được tổ chức giao hàng trên toàn quốc thông qua thương mại điện tử, và sau đó là sản phẩm trái cây tới vụ của hàng loạt các tỉnh, thành khác trên cả nước.

"Phát triển thương mại điện tử trong lĩnh vực nông nghiệp được xác định là một trong những khâu đột phá, tạo tiền đề cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp, thúc đẩy kết nối tiêu dùng nông sản, hướng tới các tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế" – ông Hoàng khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem