82 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa: Dấu son sáng ngời trong lịch sử dân tộc

Bạch Dương Thứ tư, ngày 23/11/2022 16:23 PM (GMT+7)
Ngày 23/11, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hóc Môn tổ chức họp mặt kỷ niệm 82 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, lễ giỗ các chiến sĩ Nam Kỳ (23/11/1940 – 23/11/2022).
Bình luận 0
82 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa: Dấu son sáng ngời trong lịch sử dân tộc - Ảnh 1.

Lãnh đạo TP.HCM và ông Trương Thành Hỷ, 98 tuổi, nhân chứng lịch sử từng tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 82 năm trước. Ảnh: Việt Dũng

Đã 82 năm, những người đã cầm giáo mác tham gia những ngày khởi nghĩa Nam Kỳ xưa hầu hết đã không còn, nhưng cụm từ "Nam Kỳ khởi nghĩa" đã trở nên quen thuộc, nhắc nhớ những đường hướng, giá trị lịch sử mà những ngày hào hùng, bi tráng ấy đã để lại, dẫn dắt cuộc cách mạng đến thắng lợi cuối cùng.

Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn Trần Văn Khuyên đã cùng các đại biểu ôn lại hào khí một thời, nhớ về tiếng mõ Nam Lân, tinh thần quật khởi của quân dân ta với ý chí quyết tâm giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Cách đây 82 năm, đêm 22 rạng ngày 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ đồng loạt ở nhiều địa phương, mạnh mẽ nhất ở Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long… Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch, tập kích nhiều đồn bốt.

Nhiều nơi, chính quyền cách mạng đã được thành lập. Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay trong những cuộc biểu tình và ở những nơi đã thành lập được chính quyền cách mạng.

Dù diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta.

Sau đó thực dân Pháp đã khủng bố khốc liệt những người khởi nghĩa. Hàng nghìn người bị xử tử, bị đày ra Côn Đảo và các trại tập trung như Bà Rá, Tà Lài...

Tại Hóc Môn, thực dân Pháp đã lập ra ba trường bắn: Trường bắn cạnh rạp hát của quận lỵ Hóc Môn; trường bắn cạnh giếng nước (hiện nằm sau bệnh viện Hóc Môn) và trường bắn tại Ngã Ba Giồng Bằng Lăng, nay là Khu di tích lịch sử Quốc gia Ngã Ba Giồng.

Nhiều đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc khởi nghĩa, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập; ông Phan Đăng Lưu, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng; Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn Nguyễn Thị Minh Khai…

Bí thư Huyện ủy Hóc Môn khẳng định, khởi nghĩa Nam kỳ đã để lại một trang sử hào hùng, một dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân; nêu cao tấm gương đấu tranh anh dũng; ý chí quật cường, tinh thần cách mạng tiến công. Dù cuộc tiến công không thành, nhưng đã để lại tiếng vang lớn, thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân vùng đất 18 thôn vườn trầu.

Ngày 14/4/1948, thay mặt Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất cho "Đội quân khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940", tuyên dương công đức đại nghĩa của chiến sĩ Nam Kỳ "đã nổi lên chiến đấu oanh liệt với địch và đã biểu dương được ý chí quật cường của dân tộc".

82 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa: Dấu son sáng ngời trong lịch sử dân tộc - Ảnh 3.

Bí thư huyện uỷ Hóc Môn Trần Văn Khuyên tại buổi lễ. Ảnh: B.P

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ trở thành điểm son trong lịch sử dân tộc và cách mạng nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Đó là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng vũ lực của các dân tộc Đông Dương".

Trước đó, lãnh đạo TP.HCM đã dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc tại Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Dinh quận Hóc Môn và Di tích lịch sử cấp quốc gia Ngã Ba Giồng, nơi năm xưa thực dân Pháp đã xây dựng trường bắn để sát hại các đồng chí lãnh đạo, đồng bào, chiến sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem