9.0 IELTS cũng không phải là tài năng

Thứ ba, ngày 26/01/2021 08:32 AM (GMT+7)
"IELTS chỉ là một bài thi không hơn không kém. Và mỗi năm thế giới có đến hàng trăm nghìn người đạt được năng lực tiếng Anh IELTS ở nhiều mức độ khác nhau. Giữa IELTS và tài năng không liên quan gì đến nhau cả". - TS Phạm Hiệp nhấn mạnh.
Bình luận 0

TS. Phạm Hiệp, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục Edlab Asia đặt giả thiết nếu như con mình ở bậc THCS mà đạt được kết quả thi IELTS từ 8.0 trở lên chắc chắn sẽ là niềm vui rất lớn. Song anh thẳng thắn cho rằng, tài năng và điểm thi IELTS là hai thứ không liên quan đến nhau.

“Tài năng thể hiện năng lực vượt trội của một người mà nhiều người khác không làm được. Trong khi đó việc thi IELTS hàng năm có đến cả trăm nghìn người đạt được chứng chỉ này ở những mức độ khác nhau. Và nếu bạn có đạt đến 9/9 đi chăng nữa thì trình độ tiếng Anh của bạn cũng không thể nào bằng người bản ngữ được”. – TS. Phạm Hiệp nêu quan điểm.

9.0 IELTS cũng không phải là tài năng - Ảnh 1.

TS. Phạm Hiệp: "Dù có đạt 9/9 IELTS thì cũng không thể coi là tài năng được"

Bài thi  IELTS là bài thi chuẩn hóa quốc tế chủ yếu dành cho những nước không nói tiếng Anh, để đo lường năng lực ngoại ngữ người học. Do vậy một người đạt trình độ tiếng Anh tốt, điểm thi  IELTS cao chứng tỏ người đó có đủ năng lực tiếng Anh tối thiểu đủ để sống, làm việc, học tập tại một đất nước nói tiếng Anh.

“Tài năng không thể hiện qua một điểm thi nào đó mà phải thể hiện qua cả một quá trình hoạt động. Bạn thi được điểm Ielts cao nhưng cuối cùng bỏ đấy không làm gì cả và học một khoa học khác mà tiếng Anh không phát triển được thì không thể gọi là tài năng được. Một điểm thi chưa quyết định được điều gì cả” - Thầy Nguyễn Quốc Hùng, nguyên giảng viên ngôn ngữ Anh, trường Đại học Hà Nội nhấn mạnh.

Thầy Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng việc không ít phụ huynh “tự phong” con mình là tài năng khi đạt được điểm thi  IELTS cao chủ yếu xuất phát từ tình yêu con quá lớn dẫn đến sự ngộ nhận. Ông cho rằng, tài năng hay không phải có tiêu chí xác định chứ không phải là tự nhận.

Lý giải hiện tượng trong những năm qua, nhiều phụ huynh sẵn sàng chi cả trăm triệu đồng để cho con ôn luyện thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, theo TS. Phạm Hiệp bên cạnh vì mục tiêu học tập, làm việc thì đây cũng là biểu hiện của việc chạy đua bằng cấp, chạy đua thi cử. Nhiều khi đi thi đạt điểm cao, giải cao thì coi như một chỉ dấu về tài năng, xuất sắc, vượt trội. Nhưng việc đánh giá con người đâu phải chỉ là thông qua 1-2 bài thi mà ít nhất bạn phải thể hiện dài hơi, giải quyết vấn đề một cách độc đáo…

9.0 IELTS cũng không phải là tài năng - Ảnh 2.

Thầy Nguyễn Quốc Hùng: "Tiếng Anh là rất cần thiết nhưng hãy xem nó là một công cụ để học tập, làm việc, giao tiếp và không nên coi việc học giỏi tiếng Anh là một tài năng".

Trong khi đó, theo lý giải của chuyên gia giáo dục độc lập, TS. Đỗ Thị Ngọc Quyên việc những năm gần đây, học sinh-sinh viên chạy đua thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như  IELTS, TOEFL, SAT… do thiếu vắng các công cụ đánh giá đáng tin cậy.

“Trong khi hệ thống đánh giá thi cử chúng ta hiện nay chưa thực sự đáng tin cậy thì IELTS  TOEFL hay SAT… được cho là có giá trị quốc tế, đáng tin cậy và không thể gian lận được. Nếu có gian lận đi chăng nữa thì chỉ ở mức rất thấp. Do vậy, nhiều người đã coi đây như một thứ để bấu víu, để chứng minh năng lực của mình" - TS. Đỗ Thị Ngọc Quyên nhấn mạnh.

Chuyên gia giáo dục độc lập Đỗ Thị Ngọc Quyên cũng cho rằng, khi tham gia thi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế học sinh-sinh viên cần có mục tiêu rất rõ ràng nếu không sẽ lãng phí và thậm chí là không quá cần thiết. Ví dụ nếu chúng ta chỉ mưu cầu một công việc trong nước thôi thì liệu có cần thiết chứng chỉ này không? Hay chỉ cần năng lực tiếng Anh đáp ứng đủ công việc. "Tôi thích cách tiếp cận việc trang bị ngôn ngữ cơ bản để có thể sống, sử dụng, làm việc được bằng nó".

Là người thầy dành cả cuộc đời giảng dạy, nghiên cứu và phổ biến tiếng Anh, Thầy Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, tiếng Anh là ngôn ngữ rất cần thiết, là phương tiện để học tập, làm việc. Nhưng ông cũng không cố xúy cho việc chạy đua thi chứng chỉ quốc tế nếu không xác định được mục tiêu rõ ràng.

Nền giáo dục mình yêu cầu đến đâu thì ta cho con mình học đến đấy. Đây là điều cơ bản nhất nên tập trung vào đấy. Thứ 2, phải xem là sau này con mình làm gì? Tức là khi mình có mục đích thì mình hãy đầu tư. Và thứ 3, phải đầu tư đúng yêu cầu của nó chứ đừng đầu tư theo chạy đua xã hội, rất tốn kém mà có khi không hiệu quả.

"Bởi tiếng Anh chỉ là một công cụ chứ không phải là môn khoa khoa học. Chúng ta hội nhập có ai mang tiếng Anh đi để hội nhập với nước Anh, nước Mỹ không? Tiếng Anh chỉ là công cụ. Một nhà khoa học cần tiếng Anh để họ làm công cụ thể hiện kiến thức chứ không phải bản thân tiếng Anh là kiến thức để mang đi hội nhập." - Thầy Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Khôi Nguyên (VOV2)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem